Điện tăng giá, doanh nghiệp và người dân lại… toát mồ hôi

12/03/2019 - 06:00

PNO - Sau tết là thời điểm doanh nghiệp (DN) tăng cường sản xuất nhằm đảm bảo cung ứng đơn hàng cho thị trường, người dân cũng tất bật lao động để ổn định lại cuộc sống. Bỗng dưng, Bộ Công thương lại thông báo sẽ tăng giá điện…

Theo thông báo của Bộ Công thương, giá điện sẽ tăng 8,36% giữa tháng Ba tới. Còn nhớ, trong đợt tăng giá điện cuối năm 2017, nhiều DN phải gồng mình giữ nguyên giá và chịu giảm lợi nhuận vì sợ khách hàng quay lưng.

Ông Đào Duy Anh - Giám đốc Công ty cổ phần May quốc tế TOMY - cho biết, chi phí điện chiếm từ 18-25% giá thành sản phẩm. Trong đợt tăng giá điện cuối năm 2017, mức chi phí của DN đã tăng lên 1-2% (20-30 triệu đồng tiền điện/tháng) nhưng DN vẫn cố giữ giá sản phẩm vì đối tác nước ngoài không quan tâm đến chi phí của mình, chỉ quan tâm đến chất lượng và giá giao dịch. Hiện thị phần xuất khẩu hàng dệt may đang giảm do khủng hoảng nợ công ở châu Âu, đơn hàng đang giảm mạnh ở ba thị trường lớn là EU, Mỹ và Nhật Bản, trong đó có thị trường đã giảm 20-30%, nên DN phải đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

“Sắp tới, chi phí điện có thể sẽ tăng 50-60 triệu đồng/tháng. Chúng tôi đã gồng hết nổi, buộc phải tăng giá dù đã lường trước người tiêu dùng có thể sẽ quay lưng với hàng may mặc trong nước” - ông Đào Duy Anh nói. 

Dien tang gia, doanh nghiep va nguoi dan lai… toat mo hoi

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Saigon Food - cho biết, năm 2018, chi phí bảo quản sản phẩm mỗi tháng là 2,6 tỷ đồng. Sắp tới, giá điện tăng 8,36% sẽ làm tăng chi phí là 220 triệu đồng/tháng, tương đương 2,64 tỷ đồng/năm, tạo áp lực quá lớn đối với công ty.

“Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến tất cả DN, đặc biệt là DN ngành đông lạnh vì phải gánh thêm chi phí trong quá trình sản xuất và bảo quản. Ngoài chi phí điện tại nhà máy, giá nguyên phụ liệu, bao bì cũng sẽ tăng. Bên cạnh giá điện, xăng dầu, lương tối thiểu vùng cũng sẽ tăng, nên DN sẽ phải tăng giá sản phẩm. Chúng tôi đang cân nhắc thời điểm tăng giá sản phẩm vì phải chờ các nhà cung cấp báo giá, nhưng chắc sẽ trong tháng Tư tới. Chúng tôi cũng sẽ phải tính toán mức tăng sao cho ít ảnh hưởng đến người tiêu dùng nhất” - bà Thanh Lâm nói.

Dien tang gia, doanh nghiep va nguoi dan lai… toat mo hoi

Theo các chuyên gia, Bộ Công thương cho rằng, việc tăng giá điện không ảnh hưởng đến lạm phát nên họ tiếp tục tăng giá. Nhưng thực tế, năm qua, người dân đối mặt với áp lực chi phí tăng giá do ảnh hưởng của việc tăng giá điện từ năm 2017 như giá thuê nhà trọ, giá điện đóng cho chủ nhà trọ. Điều mà người dân lo lắng nhất là chi phí tiêu dùng sắp tới sẽ tăng cao. Trong năm 2018, người dân liên tục “méo mặt” vì giá nhà trọ, mặt bằng kinh doanh, giá thực phẩm liên tục tăng theo giá điện. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Hai tăng tới 0,8% so với tháng 1/2019 được Tổng cục Thống kê lý giải, chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp tết Nguyên đán vừa qua. Tuy nhiên, mức tăng CPI tháng Hai cao nhất kể từ tháng 9/2017 đến nay và là mức tăng cao nhất của CPI tháng Hai kể từ năm 2014 đến nay. Điều này dự báo có thể xảy ra lạm phát trong năm 2019. 

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - băn khoăn: “Ngành điện lực liên tục kêu lỗ nhưng thật sự có lỗ? Số liệu báo lỗ đưa ra có thật sự minh bạch, sòng phẳng với người tiêu dùng hay không? Tôi cho rằng, có nhiều cách để giảm lỗ như giảm thất thoát, tăng cường công tác quản lý thay vì cứ chăm chăm tăng giá điện như hiện nay”. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI