Diễn quá sâu nên đuối!

27/07/2018 - 06:00

PNO - Chị cứ than thở đi, thậm chí, chị có quyền ly hôn, vì bản thân chị, chứ chẳng nên vì ai. Tấm gương dù có sáng đến mấy, mà hôn nhân các em không bền vững, thì sự hy sinh của chị cũng vô nghĩa mà thôi.

Ba mẹ tôi sinh được bốn người con gái. Tôi là út. Chuyện hôn nhân - gia đình chỉ có chị hai là tròn trịa hơn cả, bởi vậy tôi rất thần tượng chị và anh rể. 

Chị hai sống ở nước ngoài. Ba mươi năm nay, chị thường xuyên cập nhật hình ảnh gia đình, công việc, chồng con, để ba mẹ tôi ở Việt Nam yên tâm.

Dien  qua sau  nen duoi!
Tôi nghĩ gia đình chị rất tròn trịa. Hình minh họa.

Gần đây, năm nào chị cũng về thăm nhà, vì chị đã nghỉ hưu, có nhiều thời gian, bù những năm miệt mài lao động xứ người. Từ ngày nghỉ hưu, chị bắt đầu than thở chồng.

Nào là, anh rể sống hơn ba mươi năm ở nước ngoài mà tính gia trưởng vẫn còn. Dạy con, vẫn chọn đòn roi. Tiết kiệm quá mức, chi tiêu chuyện gì, anh cũng bàn nát óc. Ăn thì chỉ chọn món Việt, không ăn món Tây, mà ít khi vào bếp. Về Việt Nam lần nào, anh cũng đòi đi cùng, sợ chị gặp tình cũ.

Mà giờ anh có khỏe khoắn gì cho cam. Ở sân bay, một mình chị với mấy cái va-li, khệ nệ di chuyển từ khu này sang khu khác, anh lẽo đẽo theo sau với cái túi xách trên vai… Chị còn kể nhiều chuyện khác, chị bảo kể để giải tỏa, kiểu như có người tâm sự cho nhẹ lòng. 

Chị kể, “ở bển”, phụ nữ và trẻ em luôn được tôn trọng. Nhưng chị thì hay bị chồng làm khó và ít khi giúp đỡ chị.

Tôi hỏi, vậy tại sao chị không ly hôn, không chọn người đàn ông giỏi kiếm tiền để chị thoải mái tài chính hay kiếm người yêu thương theo cách chị muốn, để sống một cuộc sống ý nghĩa?

Câu trả lời của chị, càng khiến tôi thấy thương chị quá đỗi: chị muốn làm gương cho các em, để các em nhìn vào anh chị mà tìm cách làm cho mình hạnh phúc. Với chị, cuộc sống vợ chồng khó là thiên đường, nhưng không để mình sống cảnh địa ngục.

“Cái nghề” làm vợ, sống chung với người đàn ông gia trưởng, nhưng chị chưa từng nghĩ về chuyện ly hôn. Chị cố gắng sống hòa hợp với chồng, nghĩ rằng chiều chồng thì chẳng có gì sai; gia trưởng chỉ là thói quen ăn vào máu, khó thay đổi, chứ anh ấy không phải hạng người độc ác.

Vậy nhưng, những khi vợ chồng hục hặc, bao nhiêu chuyện xảy ra trước đó, như những thước phim quay chậm, mồn một hiện về, gặm nhấm nỗi đau đàn bà trong chị. Nhưng chị lại lần nữa gạt phăng chuyện ấy, tự nhận mình có tật thù dai. Nghĩ đơn giản thế, cho dễ thở.

Chị bảo, kể câu chuyện của chị như là sự sẻ chia, để các em của chị hiểu rằng, hôn nhân nào chẳng có sóng gió, hạnh phúc thì phải trải qua thử thách, như cách chị đã vượt qua.

Nhưng với tôi, chị đang “diễn” quá sâu. Bây giờ, đã đến lúc “hạ màn”, chẳng việc gì phải giấu giếm. Bởi chị chẳng phải thần tiên. Chị chỉ là một người đàn bà bình thường, biết yêu ghét, biết giận hờn và cũng có lúc mạnh mẽ, lúc yếu đuối.

Chị cứ than thở đi, để ba mẹ, các em biết mà chia sẻ. Thậm chí, chị có quyền ly hôn vì bản thân chị trước, chứ chẳng nên vì ai. Tấm gương chị dù có sáng đến mấy, mà hôn nhân các em không bền vững, thì sự hy sinh của chị cũng vô nghĩa mà thôi.

Dien  qua sau  nen duoi!

Mấy mươi năm dồn nén cảm xúc, nay kể ra được, hẳn chị đã nhẹ lòng. Đành rằng than thở cũng chẳng ai giúp được mình. Nhưng “căn bệnh mãn tính” ấy có khi có lợi trong không ít trường hợp.

Như chuyện của chị, chúng tôi mỗi người góp mỗi ý chân thành, bàn vào chứ không bàn ra, nhất là mẹ tôi “có chuyện gì, đừng nên giấu người nhà, bởi đơn giản chúng ta là người một nhà; bảo bọc, chở che, đã trở thành nghĩa vụ”.  

Song Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI