|
Clip: Dự án điện mặt trời gần 200 tỷ đồng trên đầm An Khê gây nhiều lo ngại - clip Thanh Vạn |
Người dân sợ ảnh hưởng đến sinh kế
Theo thống kê của chính quyền địa phương, có gần 400 hộ dân thường xuyên khai thác trên đầm An Khê bao gồm gần 260 hộ ở xã Phổ Khánh; 160 hộ phường Phổ Thạnh.
|
Đầm An Khê nhìn từ trên cao - ảnh L.P |
Trung bình mỗi ngày một hộ dân khai thác, đánh bắt hải sản mang lại thu nhập khoảng 200.000 đồng; thu nhập bình quân của tất cả các hộ khoảng 84 triệu đồng/ngày. Mỗi tháng nguồn lợi thủy sản nơi đây mang lại cho các hộ dân khoảng 2,5 tỉ đồng.
|
Ngư dân nơi đây bao đời mưu sinh bằng khai thác thủy sản |
Ông Nguyễn Thanh Luyến (64 tuổi), có 52 năm gắn bó, chuyên làm nghề trên đầm An Khê bộc bạch, trong 1 năm khai thác thủy sản trên đầm, trừ chi phí, gia đình ông còn dư gần 100 triệu đồng. Đầm An Khê đã nuôi sống không biết bao nhiêu người dân nơi đây.
“Không cho dân làm ăn thì họ thất bại; để cho dân làm ăn, chứ choán hết mặt đầm thì người dân sẽ không đồng ý đâu”, ông Luyến khẳng định.
Mùa nước lớn ngư dân đánh bắt các loài tôm cá, mùa nước cạn thì khai thác hến, dộp, don, … Một số loài đặc sản còn vận chuyển đi các tỉnh miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên vào mùa khai thác chính như: chình, cá chép, diếc, ngạnh, rạm, tôm đất, … .
|
Nguồn lợi từ đầm An Khê đã nuôi sống không biết bao nhiêu người dân nơi đây |
Ông Phan Nhi (53 tuổi) bùi ngùi cho biết, một ngày hai vợ chồng ông đánh bắt cá trên đầm thu nhập được gần 600.000. Hiện tại, tuổi ông đã lớn, không có việc làm, chỉ sống dựa vào nguồn lợi thủy sản trên đầm.
Đầm An Khê (tên gọi có từ thời Pháp), còn trước đó gọi là đầm Phú Khê (vùng nước giàu có). Đầm dài 3,5 km, diện tích mặt nước 347 ha, chiều rộng nhất gần 1km nằm ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa xã phổ Khánh và phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ). Đầm An Khê là một trong những điều kiện môi sinh quan trọng hình thành văn hóa Sa Huỳnh.
Bên cạnh việc khai thác các nguồn lợi thủy sản, nét hoang sơ, mộc mạc và cảnh quan thiên nhiên của đầm còn là nơi để người dân ở đây tự hào về các di tích văn hóa và danh làm thắng cảnh với nhiều địa danh quanh đầm: Gò Dưa, Núi Sắn, Núi Nga, Gò Chùa, Cầu Đá, Giò Gà, Vũng Trâm, … Một số hộ dân còn làm dịch vụ chèo ghe cho khách tham quan mang lại thu nhập.
|
Nét hoang sơ, mộc mạc và cảnh quan thiên nhiên của đầm An Khê |
Hồi năm 2017, Công ty TNHH Phát triển công nghệ hệ thống đề xuất đầu tư hai nhà máy điện mặt trời với tổng vốn khoảng 2.000 tỷ đồng tại đầm An Khê (thuộc xã Phổ Khánh) và đầm Nước Mặn thuộc xã Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ).
Ngày 12/10/2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn vào cuộc nghiên cứu đề xuất bảo vệ đầm An Khê trong quá trình xây dựng hồ sơ di tích Quốc gia cho di sản Văn hóa Sa Huỳnh. Vì nhiều lý do hai dự án tạm ngưng suốt 5 năm.
|
Người dân đang bắt cá theo cách truyền thống - ảnh Thanh Vạn |
Sau đó, hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Nước mặn (An Khê 2), chuyển vị trí đầu tư dự án từ đầm Nước Mặn (xã Phổ Thạnh) sang khu vực đầm An Khê (xã Phổ Khánh).
Như vậy, cùng với nhà máy điện mặt trời đầm An Khê, dự kiến diện tích sử dụng của cả 2 dự án khoảng 658.250 m2 mặt nước (chiếm khoảng 19,2% diện tích đầm An Khê). Tháng 4/2022, hai dự án đã được tỉnh Quảng Ngãi đưa vào danh sách đề nghị Bộ Công thương xem xét vào quy hoạch điện lực quốc gia.
Sẽ ảnh hưởng đến giá trị di sản
Theo Giáo sư, tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, tại văn bản số 805/BVHTTDL ngày 7/3/2018, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có ý kiến rằng: "Nghiên cứu mở rộng diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích bao gồm khu vực đầm An Khê và các khu vực liên quan khác. Tiếp tục khai quật để bổ sung làm rõ giá trị của di tích".
Như vậy, đầm An Khê và khu vực xung quanh nằm trong khu vực bảo vệ của di tích. Vì vậy Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề nghị không lắp đặt các tấm pin (panel) thu năng lượng mặt trời trên mặt nước và xây dựng các công trình vận hành, quản lý dự án đất bờ đầm An Khê; cũng không thể thu hẹp một phần đầm An Khê được vì sẽ vi phạm khu vực bảo vệ của di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, và vi phạm "tính xác thực", "tính toàn vẹn" của di sản tại Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972. Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã xin đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện dự án pin mặt trời ở khu vực khác phù hợp hơn.
|
Đầm An Khê nằm trong khu vực cần được bảo vệ |
Còn Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình - nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa - cho rằng, Văn hóa Sa Huỳnh phát triển từ sơ kỳ đồng thau đến sơ kỳ đồ sắt, từ khoảng 3500 năm đến những thế kỷ trước công nguyên. Những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học hơn một thế kỷ qua về văn hóa Sa Huỳnh, cho thấy đây là một trong ba trung tâm văn hóa hết sức quan trọng trong thời đại kim khí thuộc thời đại đồ sắt.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - nguyên giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi - cho biết, nơi đây chứa đựng nhiều lớp văn hóa của nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Việc cho chủ trương xây dựng dự án năng lượng mặt trời trên đầm An Khê, chính quyền cần hết sức cân nhắc bởi vì không những vấn đề bảo tồn di sản văn hóa mà còn sinh kế người dân gắn bó với đầm bao lâu nay.
|
Người dân lo lắng khi hay tin dự kiến có dự án điện mặt trời được triển khai |
"Khi bảo tồn được di sản ở đây, có thể sẽ góp phần rất lớn phát triển du lịch, mà phát triển du lịch cũng gắn liền với sinh kế của người dân", ông Vũ cho biết thêm.
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Chí Hoàng - Ủy viên Hội đồng di sản Quốc gia nêu quan điểm ở một khía cạnh khác: "Cộng đồng cư dân sinh tồn ở vùng này cách đây khoảng 4000 năm trước, sau đó đến cộng đồng Chăm Pa rồi cộng đồng cư dân đương đại. Người ta sinh tồn, phát triển, cộng hưởng trong khu đầm An Khê. Khu đầm đi vào trong tâm khảm của người dân địa phương và cả Quảng Ngãi. Vì vậy không có lý do gì làm mất đi vị trí đó trong lòng cộng đồng kể cả trong quá trình phát triển".
Bài và ảnh: Thanh Vạn