Diện mạo văn học tuổi 20 - có đủ sức thu hút người trẻ?

17/06/2014 - 16:38

PNO - PNO - Gần hai năm, 19 tác phẩm trong tổng số hơn 300 tác phẩm tham gia Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần V đã ra mắt công chúng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đây là một bước tiến đáng khích lệ. Độc giả không chỉ sẽ được tiếp cận với những tác phẩm đoạt giải mà có nhiều cơ hội lựa chọn hơn những cuốn sách viết cho tuổi mình.

Dien mao van hoc tuoi 20 - co du suc thu hut nguoi tre?
Các tác giả trong buổi giao lưu sáng 14/6

Một lần nữa những người trẻ lại được gặp nhau trong buổi giao lưu các cây bút viết cho tuổi 20, vào sáng 14/6, nhân dịp NXB Trẻ ra mắt những tác phẩm tiếp theo của Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần V. “Chưa chắc những tác phẩm được chọn in đã đoạt giải, nhưng đó là những đầu sách có thể phục vụ được bạn đọc trẻ, cùng phát họa nên diện mạo của văn chương trẻ hôm nay” - ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ nói.

Điểm chung của những tác phẩm đã ra mắt trước đó là sự hoang mang, bế tắc giữa thời đại sống được thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Lần này cũng vậy. Cây bút trẻ La Nguyễn Quốc Vinh nói anh viết Ê-đen xa vời bắt đầu từ sự hoang mang về chính những thay đổi trong nội tâm con người và trong cả thời đại sống. Nhật Phi của Người ngủ thuê bộc bạch: “Muốn viết một câu chuyện đơn giản, tràn đầy sức sống, khát vọng và trí tưởng tượng nhưng cuối cùng lại viết ra toàn những thứ loằng ngoằng, đầy hoài nghi và hoang mang”.

Đến cả cây bút Trần Đức Tĩnh (sinh năm 1976), từng công tác trong quân đội, hiện là biên tập viên NXB Quân đội nhân dân, với cái nhìn trầm tĩnh và rộng lớn về nhân sinh quan vẫn bày tỏ rằng anh viết Đối cực từ “những giấc mơ và khát khao bị đè nén trong lòng bấy lâu”. Câu chuyện mang chút ma mị, phiêu linh về nhân vật đã chết đi tìm lại chính mình, được kể theo hướng hình sự, trinh thám.

So với những tác phẩm viết về giới trẻ đô thị thì nhà văn trẻ Lê Minh Nhựt (Cà Mau) có lợi thế hơn trong không gian sống đặc thù với đề tài khá lạ trong Gia tộc ăn đất. Còn Văn Thành Lê đã “tận dụng” môi trường sư phạm đang công tác để có Không biết đâu mà lần - một cách viết giễu nhại về “những điều mắt thấy tai nghe” trong giáo dục…

Nếu đọc hết 19 tác phẩm đã được ra mắt của Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần này, có lẽ người đọc cũng đã khám phá được “hành trình của những người trẻ” ở nhiều cung bậc, trải nghiệm, khát vọng khác nhau. Chưa biết tác phẩm nào sẽ được đoạt giải, nhưng có vẻ như Cuộc vận động đã thành công trong việc thu hút và “khai phá” được những tài năng văn chương tiềm ẩn ở khắp mọi miền đất nước.

Tuy nhiên, cuộc giao lưu cũng mở ra vấn đề, độc giả trẻ hiện nay đang thích gì, đọc gì? Liệu rằng Văn học tuổi 20 có là cánh cửa mở đủ sức hút để họ cùng bước vào khám phá bản thân? Sức sống thật sự của những tác phẩm viết cho người trẻ đến đâu cũng là điều đáng trăn trở. “Tuổi 20” bây giờ thuộc về thế hệ 9X, trong một thời đại sống đã hoàn toàn thay đổi so với thời của Nguyễn Lê My Hoàn, Phan Triều Hải, Phan Việt, Nguyễn Ngọc Thuần…

Không ít độc giả trẻ bày tỏ họ thích đọc tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc, thích những cuốn sách mở ra không gian “siêu thực, ảo tưởng” phục vụ cho trí tưởng tượng bay bổng lên ngôi. Không đại diện được cho số đông nhưng rõ ràng, đó cũng là một thực tế có thật trong sự lựa chọn của một bộ phận độc giả trẻ.

Nhiều người cho rằng những năm sau này, nhiều tác giả từ sân chơi Văn học tuổi 20 sau khi đoạt giải đã “biến mất không sủi tăm”. Tác phẩm của họ cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng. Những tên tuổi mới tiếp tục xuất hiện để lại nỗi hoài nghi về sự bền vững của những ngòi bút trẻ. Nhiều tác giả đoạt giải từ những cuộc vận động sáng tác lần trước bày tỏ rằng họ ấp ủ những đề tài lớn hơn, muốn vượt qua “cái tôi nhỏ bé” của những câu chuyện đã viết. Nhưng rồi bẵng đi nhiều năm, những câu chuyện vượt ngưỡng như mong ước vẫn chỉ còn là phôi thai trong ý tưởng.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, thành viên Ban giám khảo Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần V, từng đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II với tác phẩm Ngọn đèn không tắt nhận định: “Mỗi giai đoạn người viết có những thế mạnh khác nhau. Sẽ có một số cây bút đủ sức trụ lại với văn đàn”.

Mong rằng những sân chơi văn chương như thế này sẽ là bước đệm để những cây bút trẻ “đi xa hơn trong sự nghiệp văn chương” như kỳ vọng của những nhà văn đi trước.

TIỂU QUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI