Diện mạo tươi tắn của văn trẻ đương đại

22/09/2024 - 13:03

PNO - Hội nghị Những người viết trẻ TPHCM lần V/2024 sẽ diễn ra vào đầu tháng Mười tới. Đây cũng là dịp tập hợp đội ngũ các thế hệ cầm bút từ 8X đến gen Z (sinh từ năm 1997-2012), đồng thời nhận diện những dòng chảy trong bức tranh văn chương trẻ đương đại.

Có mặt trên nhiều lĩnh vực

Hội nghị Những người viết trẻ (diễn ra 5 năm/lần) được tổ chức lần thứ 5 tại TPHCM, ở phạm vi toàn quốc là lần thứ 10. Hàng thập niên đã trôi qua với những thế hệ người cầm bút cùng những trào lưu văn chương khác nhau cũng như các tác phẩm có giá trị để lại cho văn đàn trẻ. Rất nhiều nhà văn tên tuổi hiện nay từng là “người viết trẻ” trong những hội nghị từ hàng chục năm về trước: Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, Dương Thụy, Phong Điệp… Sau này có Nhật Phi, Nguyễn Thiên Ngân, Văn Thành Lê, Hồ Huy Sơn, Huỳnh Trọng Khang, Lê Quang Trạng…

Hành trình văn chương trẻ chưa bao giờ đứt gãy. Có không ít cây bút đã không còn sáng tác nhưng cũng luôn có nhiều nhân tố mới, góp nên tiếng nói và diện mạo văn đàn trẻ qua từng thế hệ. Tại hội nghị Những người viết văn trẻ lần này, nổi bật có những tác giả có nhiều đóng góp trên lĩnh vực/thể loại sở trường: Tống Phước Bảo (truyện ngắn), Lâm Phương Lam (tiểu thuyết), Trần Đức Tín (thơ), Võ Chí Nhất (người cầm bút trong lực lượng vũ trang nhân dân)…; cùng nhiều gương mặt mới: Minh Anh, Trần Văn Thiên, Trần Trọng Đoàn, Vĩ Hạ… Trong tuyển tập Dòng chảy của nước (Hội Nhà văn TPHCM in nhân dịp hội nghị Những người viết trẻ lần 5) có rất nhiều tác giả gắn bó bền bỉ với văn chương: Ngô Thị Hạnh, Đoàn Diễm Thuyên, Trần Huy Minh Phương, La Thị Ánh Hường, Nguyễn Trần Khải Duy, Nguyễn Trần Thiên Lộc…

Lực lượng trẻ hiện diện trên trang viết ở nhiều lĩnh vực/thể loại. Họ viết cho người lớn lẫn sách cho trẻ nhỏ, thành công với truyện chữ và cũng ghi dấu ấn với sách tranh. Cả văn xuôi và thi ca đều ít nhiều có thành tựu, nhiều tác phẩm được tôn vinh tại các giải thưởng văn chương danh giá, được bạn đọc yêu thích và đã có những cơ hội “bước ra thế giới”. Bên cạnh đó họ còn xuất hiện với nhiều vai trò khác: diễn giả, đại sứ văn hóa đọc, người truyền cảm hứng…

Người cầm bút trẻ - dù đã là hội viên Hội Nhà văn hay chưa - đều đã và đang cùng nhau sáng tạo và làm nên bức tranh văn chương trẻ đa sắc màu, nhiều chiều kích. Trong tác phẩm, họ không ngừng mang đến những câu chuyện bất ngờ, mới lạ trong nỗ lực vượt qua những giới hạn cũ, khám phá và tái khám phá những giá trị cũng như khơi mở khả năng sáng tạo không giới hạn của bản thân. Họ định danh mình qua những giải thưởng: Lê Quang Trạng, Đức Anh (giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam), Yang Phan (giải Nhì - giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7), Nguyễn Đinh Khoa (giải Tư - giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 6), Võ Đăng Khoa (giải Nhì Văn học trẻ - Đại học Quốc gia năm 2022)… Qua tác phẩm của họ, độc giả còn thấy rõ hiện thực của thời đại sống, những không gian văn hóa và góc nhìn/suy niệm của người trẻ đương thời.

Tuổi trẻ viết cho tuổi thơ

Một trong những điều đặc biệt và lưu dấu ấn sâu đậm cho văn đàn trẻ hiện nay là sự đóng góp của người trẻ ở lĩnh vực văn học thiếu nhi. Trên cánh đồng chữ nghĩa, ngày càng có nhiều tên tuổi trẻ viết cho trẻ con. Bên cạnh những cây bút đã thành danh: Võ Thu Hương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Trần Gia Bảo, Phương Huyền…; nhiều gương mặt mới đã dấn thân vào địa hạt này: Lạc An, Phát Dương, Cao Việt Quỳnh…

Một thời gian dài, các tác phẩm cho trẻ thơ không có nhiều cơ hội được tôn vinh, lan tỏa từ những cuộc thi/giải thưởng văn chương. Nhưng những năm trở lại đây, sách thiếu nhi đã thật sự khởi sắc khi được các đơn vị làm sách/xuất bản, các hội nghề nghiệp quan tâm đầu tư; cũng như được trao các giải thưởng danh giá và ngày càng thu hút những người cầm bút tham gia sáng tác.

Có thể thấy chất liệu trong tác phẩm của người trẻ hiện nay rất phong phú. Bối cảnh văn hóa từ miền Tây sông nước, miền Trung đến vùng quê đồng bằng Bắc Bộ đều xuất hiện trong những trang viết của các cây bút khắp mọi miền: Trong sương thương má, Miền Tây lạ lắm à nghen (Trương Chí Hùng), 100 cửa sổ (Phát Dương), Thủ lĩnh băng vịt đồng, Cá Linh đi học (Lê Quang Trạng), Chuyện kể ở lớp Cây Me, Công chúa nhỏ chăn cừu (Nguyễn Thị Kim Hòa), Căn cước xứ mưa (Lê Vũ Trường Giang), Dưới khung trời ngát xanh (Lữ Mai), Mùa ban thay áo (Phan Đức Lộc)… Tác phẩm của người trẻ đầy màu sắc, luôn tươi mới và thú vị bởi những góc nhìn mới mẻ, đầy sáng tạo cũng như cách kể chuyện hấp dẫn và gần gũi với trẻ thơ hôm nay.

Cùng với truyện chữ, sách tranh (artbook), sách minh họa cũng phát triển nhanh chóng, với sự đóng góp của người trẻ. Trang Nguyễn có Chang hoang dã - Gấu (giải A - giải thưởng Sách quốc gia năm 2021), Phùng Nguyên Quang - Huỳnh Kim Liên có Hành trình đầu tiên (giải thưởng quốc tế Scholastic Picture Book Award, đã bán bản quyền tại Singapore, Mỹ và Nhật Bản). Nguyễn Hữu Quỳnh Hương (bút danh Mình Là Hũ) đoạt giải B - giải thưởng Sách quốc gia năm 2023 cho bộ sách Hít hà mùi đất nước gồm 6 cuốn. Ngoài ra còn có thể kể đến: Linh Rab với Cuộc phiêu lưu của Dế Út (giải thưởng Dế Mèn năm 2024), Võ Thị Mai Chi, Thủy Nguyên với những bộ sách tôn vinh văn hóa Việt, Trần Hoàng Trúc (Mùa hè bất tận, đã bán bản quyền và phát hành tại Ý)…

Viết vốn là nhu cầu tự thân của mỗi người cầm bút. Tuy nhiên trên hành trình dấn bước với văn chương, qua tác phẩm, người trẻ còn cho thấy ở họ ngoài nguyện ước được trao gửi và sẻ chia giá trị là tinh thần khát khao được khám phá, thử sức và làm mới chính ngòi bút của mình. Điều đặc biệt và rất đáng tự hào là nhiều tác phẩm của người trẻ đã được chọn in vào sách giáo khoa. Đây cũng là dấu ấn rất riêng cho thế hệ người cầm bút trẻ hôm nay.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI