Diện mạo người cha trong thế giới hôm nay

19/06/2022 - 06:00

PNO - Hướng đến Ngày của Cha 19/6, tờ The Washington Post (Mỹ) đã tổ chức bàn tròn với sự góp mặt của những ông bố bàn luận về ý nghĩa của việc trở thành người đàn ông của gia đình. “Bạn thấy sự thay đổi về vấn đề giới tính ra sao?”, “Việc làm cha ngày nay khác với thời của bạn như thế nào…?’’ là các câu hỏi được đặt ra.

 

Minh họa của The Washington Post
Minh họa của The Washington Post

Người đàn ông tốt chọn lòng trắc ẩn và sự đồng cảm
Ông Braden Bell (50 tuổi, ở Tennessee) cho rằng, sức mạnh của đàn ông hôm nay là ở sự tốt bụng, sống hữu ích và là người đáng tin cậy. “Tôi luôn muốn các con theo đuổi mục tiêu đó”, ông Bell bày tỏ. Một ông bố mạnh mẽ có thể được mọi người tin tưởng hoàn toàn trong mọi tình huống ở nhà, tại nơi làm việc, cộng đồng xã hội hoặc ở bất cứ đâu.

Ông nói tiếp: “Mỗi khi ta sử dụng sức mạnh để trở nên tốt hơn tức là ta đang rèn luyện tâm hồn và tinh thần để cuộc sống vui vẻ và có ý nghĩa”.
“Tôi đang là một người cha đồng tính nuôi dạy một thanh niên tính cách thẳng thắn. Tôi cho rằng đàn ông không cần phải có tất cả câu trả lời cho mọi câu hỏi. Tôi chỉ biết mình luôn có thể là một người cha với di sản tình yêu đặc biệt từ mẹ mình dành cho con”, ông Casey Cavalier (55 tuổi, Ore) chia sẻ.

Ông Vernon Gibbs II (44 tuổi, New Jersey) thì cho biết, mình phải luôn là hình mẫu người đàn ông cho ba đứa con. “Tôi tự hào khi là một ông bố nội trợ ở nhà, từ giặt giũ, nấu nướng cho đến tất cả những việc thường chỉ liên quan đến các bà mẹ. Với tôi, làm cha có nghĩa là hỗ trợ các con về mặt tình cảm và có mặt trong các trò chơi của chúng, hiện diện trong giờ học tại nhà với tư cách là giáo viên dạy thay, tại các buổi biểu diễn văn nghệ ở trường và chúng luôn có tôi trước khi đi ngủ. Yêu thương con vô điều kiện và tôi chỉ mong chúng sẽ trở thành những ông bố, bà mẹ tuyệt vời sau này”, ông bộc bạch.

Trả lời câu hỏi một con người tử tế có nghĩa là gì? Michael Marshall (36 tuổi, Massachusetts) nói: “Nó chỉ đơn giản là trở thành một người biết đối xử với người khác như bản thân mình. Chúng ta cần thấy mình trong người khác và cộng đồng. Tử tế còn có nghĩa là trách nhiệm phải lên tiếng cho những người không được lắng nghe”. 

Ông bố có hai con trai tuổi teen Carter Gaddis (53 tuổi, Florida) thì cho rằng, mình muốn các con hiểu rõ bản thân và luôn nhớ rằng một người đàn ông tử tế là người tôn trọng mọi người. “Tôi cố gắng dạy các con rằng một người tốt nhìn thế giới với sự lạc quan sâu sắc, nhưng khi họ nhìn thấy vấn đề thì lập tức tìm kiếm giải pháp. Một người đàn ông tốt sẽ làm bất cứ điều gì để hỗ trợ những người anh ấy yêu thương. Khi phải lựa chọn, một người đàn ông tốt sẽ chọn lòng trắc ẩn và sự đồng cảm”, Gaddis nêu.

Cha mẹ hiện đại có nhiều mặc cảm

Theo tiến sĩ tâm lý người Mỹ Niyatee Sukumaran, phụ huynh trong cuộc sống hiện đại mắc mặc cảm khá lớn. Họ luôn đối diện với câu hỏi liệu mình đã đủ trách nhiệm của một người làm mẹ, làm cha hay chưa? Ngoài ra, nhiều cha mẹ trẻ chán bản thân khi so sánh mình với những gia đình khác. Mặc cảm này tác động khá tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của các cặp vợ chồng và có thể dẫn đến hành vi không lành mạnh là quá nuông chiều con cái.

Nhiều người mẹ thường cảm thấy mình đã không làm đủ cho con. Tâm lý này được kích hoạt trong quá trình trước và sau khi sinh. Chẳng hạn người mẹ có thể đổ lỗi cho bản thân là đã không chăm sóc sức khỏe bản thân đủ tốt cho kỳ sinh nở. Ngoài ra còn do các vấn đề khác như trẻ đau ốm phải nhập viện, cho con bú, chăm sóc sơ sinh, khó khăn khi trở lại làm việc.

Ngay cả khi con lớn hơn, người mẹ vẫn có cảm giác tội lỗi khi phải làm việc toàn thời gian, không thể dành nhiều thời gian bên con.
Còn đối với người làm cha, không giống như những thế hệ trước, ông bố hiện đại đang đóng vai trò tích cực hơn trong việc nuôi dạy con cái. Nhưng người cha vẫn dễ có mặc cảm trước áp lực phải làm tốt vai trò trụ cột gia đình. 

Mặc cảm tội lỗi của cha mẹ còn do yếu tố văn hóa trong việc xác định vai trò, trách nhiệm của mỗi người dựa trên giới tính. Sự gia tăng của quá trình toàn cầu hóa, tình trạng di cư và ngày càng phổ biến gia đình một thế hệ khiến những người làm cha mẹ ngày càng bị hạn chế trong việc nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ nuôi dạy con cái như các gia đình truyền thống trước đây.

Bà Sukumaran khuyên phụ huynh hãy kiên nhẫn với chính mình. “Ví dụ tôi là một người cha, người mẹ đầy tình yêu thương. Tôi chấp nhận bản thân mình như hiện tại. Các cha mẹ nên kết nối với những cha mẹ khác chẳng hạn tham gia vào các hội nhóm để chia sẻ thách thức, kinh nghiệm trong quá trình làm cha mẹ. Điều đó sẽ rất có lợi”, bà Sukumaran nói. 

 Nam Anh 
(theo The Washington Post, PT)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI