Diện mạo nào cho khu trung tâm TPHCM?

13/06/2022 - 06:17

PNO - Ngày 15/6 là hạn chót để các sở, ngành của TPHCM hoàn thành bản phương án thiết kế cảnh quan, tái lập tuyến đường Lê Lợi, thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành, cải tạo chợ Bến Thành để báo cáo với UBND TPHCM. Các chuyên gia đã chia sẻ suy nghĩ của mình về “đại công trình” này.

 

UBND TP.HCM đã giao Sở Quy hoạch- Kiến trúc tổng hợp, đề xuất phương án định hướng thiết kế đô thị tổng thể khu vực trung tâm thành phố (trong ảnh: Đường Lê Lợi, đoạn phía trước Nhà hát TP.HCM) ẢNH: TAM NGUYÊN
UBND TPHCM đã giao Sở Quy hoạch- Kiến trúc tổng hợp, đề xuất phương án định hướng thiết kế đô thị tổng thể khu vực trung tâm thành phố (trong ảnh: Đường Lê Lợi, đoạn phía trước Nhà hát TPHCM) - Ảnh: Tam Nguyên

Đừng quên cảnh quan hai bên đường

Tiến sĩ - kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, chính quyền TPHCM nên rút kinh nghiệm từ phố đi bộ Nguyễn Huệ. Theo ông, tuyến đường Lê Lợi được định hướng là tuyến vừa đi bộ, vừa đi xe nhưng khác đường Nguyễn Huệ ở chỗ có không gian ngầm bên dưới. 

KTS Ngô Viết Nam Sơn diễn giải: “Tuyến đường Lê Lợi kết nối khu quảng trường phố đi bộ Nguyễn Huệ với quảng trường trước chợ Bến Thành. Đây là đoạn đường không dài lắm nên có thể làm không gian ngầm ở dưới, tổ chức thành một không gian thân thiện với người đi bộ, đi xe”. Tuy nhiên, ông lấy làm tiếc khi những công trình cao tầng đã và đang xây dựng ở đây như Saigon Centre, tòa nhà tháp đôi trước chợ Bến Thành không nối với không gian ngầm ở đường Lê Lợi.

Đây là một thiếu sót. Trước mắt, có hai công trình cao tầng trên đường Lê Lợi, trong đó có thương xá Tax. Không gian ngầm của hai công trình này nên được đấu nối vào không gian ngầm dưới đường Lê Lợi. 

 

Người dân nói về việc di dời tượng đài Trần Nguyên Hãn

 Khi làm metro, rất nhiều cây xanh đã bị đốn hạ hoặc di dời. KTS Ngô Viết Nam Sơn mong rằng, ngành chức năng TPHCM có kế hoạch trả lại không gian xanh cho khu vực này. Ông cũng góp ý, trục đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ có những công trình mới, hiện đại và các công trình di sản đan xen nên cần tính đến cảnh quan hai bên đường để đảm bảo sự hài hòa giữa cũ và mới. Khi quy hoạch, UBND TPHCM cũng phải có phương án chống ngập.

Từ năm 2014, phần lớn mặt đường Lê Lợi bị rào chắn để thi công metro khiến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hai bên đường bị thiệt hại. Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, khi tái lập đường, UBND TPHCM nên có kế hoạch để những đơn vị này phối hợp với nhau tạo nên bộ mặt mới, sinh động và hấp dẫn cho trục đường trung tâm thành phố. “Phần vỉa hè hai bên đường Lê Lợi nên có mái che để vừa che nắng, vừa che mưa cho người đi bộ” - ông đề xuất. 

Nên chú ý bản sắc

Góp ý cho kế hoạch chỉnh trang, thiết kế không gian khu trung tâm TPHCM, tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cho rằng, sau khi hoàn tất ga ngầm metro, khu công viên trước Nhà hát TPHCM đã được làm lại, cảnh quan được thiết kế hiện đại hơn, nhưng chưa chú ý đến yếu tố lịch sử.

UBND TP.HCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổng hợp, đề xuất phương án định hướng thiết kế đô thị tổng thể khu vực trung tâm thành phố (trong ảnh: khu vực nhà ga Bến Thành, chợ Bến Thành) - Ảnh: Tam Nguyên
UBND TPHCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổng hợp, đề xuất phương án định hướng thiết kế đô thị tổng thể khu vực trung tâm thành phố (trong ảnh: khu vực nhà ga Bến Thành, chợ Bến Thành) - Ảnh: Tam Nguyên

Bà nói: “Khi nhắc đến TPHCM, người ta sẽ nhắc đến nhiều địa danh, trong đó có bùng binh Cây Liễu (giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ), quảng trường nhỏ trước Nhà hát TPHCM hay con đường Nguyễn Huệ với những lối đi tương đối thân thiện với người dân. Hiện khu này trở nên trang trọng, nhưng không gian chưa mang vẻ thân thiện với dân cư. Những cảnh quan quen thuộc như tòa nhà thương xá Tax, bùng binh cũng thay đổi, không còn mang tính lịch sử nữa”.

Bà cũng nhắc đến đài phun nước trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - vốn được dựng trên vị trí bùng binh Cây Liễu xưa kia - với phần nhạc nước âm sàn trên đại lộ Nguyễn Huệ và một hồ phun nước hình tròn với biểu tượng hoa sen: “Thay vì hoa sen giả, nên làm một điều gì đó đặc biệt hơn”. Theo bà, bùng binh Cây Liễu đã quen thuộc và gắn bó với ký ức người dân Sài Gòn - TPHCM cả trước và sau năm 1975.

Bà đề xuất: “Nếu tái lập bùng binh Cây Liễu với kích thước lớn hơn, mỹ quan hơn và chăm sóc cẩn thận hơn thì ta vẫn tiếp nối được dòng ký ức đô thị. Ký ức cảnh quan đô thị cũng là ký ức tình cảm của người dân”.

Bà cho rằng, TPHCM là một thành phố luôn động. Nếu hai khu vực Nguyễn Huệ, Bến Thành biến thành quảng trường hay phố đi bộ, yếu tố chuyển động bị cắt mất. Trước cửa UBND TPHCM và chợ Bến Thành mà mất đi yếu tố động là không hợp với diện mạo của TPHCM.

Trước dự án tái lập đường Lê Lợi và chỉnh trang chợ Bến Thành, TPHCM đã khánh thành dự án chỉnh trang công viên Mê Linh và công viên Bến Bạch Đằng, cung thỉnh lư hương về an vị dưới tượng đức thánh Trần Hưng Đạo. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nhận xét: “Việc này cho thấy lãnh đạo thành phố chăm lo và quan tâm tới sinh hoạt tinh thần của người dân và như vậy sẽ   góp phần làm thành phố tốt hơn”.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, những công trình này làm tăng thêm giá trị cho không gian công cộng mà vẫn thể hiện bản sắc văn hóa của TPHCM. Ông hy vọng nơi đây sẽ trở thành một chuỗi không gian liên hoàn, thành một khu trung tâm thân thiện với người dân, đồng thời tạo nên sự cân bằng khi nhìn sang TP.Thủ Đức đang trên đà phát triển. Một bên mới, một bên cũ, hài hòa để cùng làm tăng thêm giá trị, bản sắc cho TPHCM. 

Đậu Dung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI