Diện mạo mới của các ca khúc cũ

19/10/2023 - 17:33

PNO - Làm mới ca khúc cũ không phải là chuyện hiếm và đang dần trở thành “chìa khóa” thành công của nhiều chương trình truyền hình thực tế, đó cũng là cách để các nghệ sĩ làm album mới.

Tạo cảm giác mới mẻ

Ngày 10/10, ca sĩ Lân Nhã vừa cho ra mắt album phòng thu thứ hai - Nhiên - gồm 8 ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ở dự án này, anh vẫn tiếp tục con đường làm mới tác phẩm xưa, tương tự đĩa nhạc đầu tay gồm những bản ballad nổi tiếng trong quá khứ. Với sự hỗ trợ của nhà sản xuất - nghệ sĩ guitar Dũng Đà Lạt - đĩa nhạc “đồng điệu” với khán giả trẻ qua giọng hát trầm ấm, tình cảm đã thành thương hiệu của nam ca sĩ.

Album Nhiên của Lân Nhã  đã làm mới nhiều tác phẩm của Trịnh Công Sơn
Album Nhiên của Lân Nhã đã làm mới nhiều tác phẩm của Trịnh Công Sơn

Có phần phối khí đơn giản khi chỉ dùng guitar, trống và sáo, Lân Nhã và ê kíp hướng đến không gian thưởng thức sang trọng, riêng tư. 8 bài hát được anh chọn lựa cũng đã in dấu trong lòng bạn yêu nhạc nhiều thế hệ: Biển nhớ, Phôi pha, Còn tuổi nào cho em, Em còn nhớ hay em đã quên, Như một lời chia tay… Trước đó Hiền Thục với 2 album Portrait 17, Thiên sứ cũng thành công nhờ lối tiếp cận này.

Đĩa nhạc gồm các bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng, được phối theo phong cách jazz, của Quỳnh Anh gần đây cũng có nhiều bài chưa quá nổi tiếng của cố nhạc sĩ. Với hướng đi này, album vừa mang đến cảm giác mới mẻ vừa thu hút được nhiều đối tượng khán giả - những người từng yêu thích âm nhạc Thanh Tùng hoặc người mới lần đầu tiếp xúc giai điệu của ông.

Nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất, Nhiên được xử lý hậu kỳ tại Sterling Sound (Mỹ) - nơi được nhiều nghệ sĩ Âu - Mỹ nổi tiếng lựa chọn. 

Ca khúc Vàng phai trước ngõ- Ca sĩ Lân Nhã:

 

Nghệ sĩ đang ngày càng quan tâm hơn đến việc tạo ra các cách nhìn mới cũng như thống nhất trong sản phẩm của mình. Nếu như trước đây việc làm mới này chỉ được thực hiện lẻ tẻ thông qua những bài hát, những màn trình diễn… thì gần đây, ý tưởng xuyên suốt này ngày càng được chú trọng, từ đó cho ra mắt sản phẩm có chủ đề và chất liệu thống nhất.

“Công thức thành công” của truyền hình thực tế

Không chỉ các album, truyền hình thực tế gần đây cũng làm rất tốt theo hướng đi này. Một trong số đó chính là Ca sĩ mặt nạ - The Masked Singer mùa 2. Dù sức hút chưa như kỳ vọng, những bản thu âm trực tiếp các bài hát cũ cũng đã tạo được dấu ấn nhất định. Có thể kể đến Cú Tây Bắc với việc hát lại Đưa em tìm động hoa vàng hay Ngày xưa Hoàng Thị của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Mùa 1 trước đó, nhân vật Phượng Hoàng Lửa của Trần Thu Hà cũng từng gây nên cơn sốt với bài hát Kiếp nào có yêu nhau. Trong “rừng” các bản cover nhạc trẻ, những màn trình diễn nói trên vẫn tạo được nhiều sức hút và được nhắc thường xuyên trên mạng xã hội. Thành công này không chỉ nằm ở sự bí ẩn của người đứng sau mặt nạ, mà ở cả bản phối mới mẻ, đảm bảo yếu tố bất ngờ và cảm xúc hoài nhớ những giá trị cũ từ người nghe nhạc. Giám đốc âm nhạc Hoài Sa đã làm rất tốt vai trò của anh.

Cú Tây Bắc với những giai điệu gợi nhớ đang là một trong những nhân vật được yêu thích nhất trong chương trình Ca sĩ mặt nạ mùa 2
Cú Tây Bắc với những giai điệu gợi nhớ đang là một trong những nhân vật được yêu thích nhất trong chương trình Ca sĩ mặt nạ mùa 2

Việt Nam Idol thế hệ mới đổi luật chơi: chỉ sử dụng các bài hát Việt. Đêm live show trình diễn các ca khúc của giám khảo Mỹ Tâm vừa qua hay trước đó là Năm sinh và những khoảnh khắc đáng nhớ với những bài hát gắn liền với thế hệ 8X, 9X cũng nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Bằng các bản phối mới của DTAP, những ca khúc cũ tạo được những điểm nhấn bất ngờ. Chẳng hạn Họa mi tóc nâu được hát với phong cách nhạc kịch hay Tóc nâu môi trầm có dàn hợp xướng…

Một chương trình cũng được chú ý nhờ làm mới các tác phẩm nổi tiếng là Giao lộ thời gian. Trải qua 2 mùa với điểm nhấn “đổi hit” giữa các ca sĩ gạo cội và nghệ sĩ mới, năm nay chương trình kết hợp bài hát mới và các bài hát đã có một đời sống dài, thành một mashup (liên khúc) mượt mà. Những ca khúc của cố nhạc sĩ Văn Cao như Bến xuân, Suối mơ hay những bài Đêm nay ai đưa em về, Khóc một dòng sông, Trăng sơn cước… đã được giám đốc âm nhạc Dương Cầm xử lý khéo léo, đan cài vào đó các giai điệu mới của thế hệ trẻ, giúp các giai điệu xưa tiếp tục lan xa.

Cassette hoài niệm hay sắp tới là Chị đẹp đạp gió rẽ sóng cũng hứa hẹn là những chương trình mang tính hoài nhớ đến với khán giả trẻ. Thực tế chứng minh, những chất liệu cũ, qua nỗ lực sáng tạo, thêm vào cá tính của nghệ sĩ đã trở thành những sản phẩm mới, giành được nhiều thiện cảm của công chúng. Không chỉ khán giả được khám phá lại các bài hát cũ một cách mới mẻ và hợp thời hơn, cách làm này còn giúp cho đời sống của tác phẩm được nối dài. 

Ngô Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI