Điện làm từ thủy tinh

09/05/2024 - 15:00

PNO - Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Tokyo và Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ Lausanne đã nghiên cứu thành công loại thủy tinh có thể tạo ra dòng điện khi tiếp xúc với ánh sáng. Họ hy vọng nghiên cứu này có thể mở đường cho việc sản xuất năng lượng sạch về lâu dài.

Một mẫu thủy tinh Tellurite với các mạch khắc bằng laser gắn trên một thiết bị thu năng lượng - Nguồn ảnh: Kyodo
Một mẫu thủy tinh Tellurite với các mạch khắc bằng laser gắn trên một thiết bị thu năng lượng - Nguồn ảnh: Kyodo


Các nhà nghiên cứu đã sử dụng tia laser femto giây để khắc các mạch lên bề mặt kính, cho phép thủy tinh biến đổi thành vật liệu hoạt động có thể truyền dòng điện, tương tự như chất bán dẫn.

Yves Bellouard - phó giáo sư tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ Lausanne và Giám đốc phòng thí nghiệm Galatea - khen ngợi công nghệ này là “đáng ngạc nhiên và sáng tạo” vì khả năng biến đổi vật liệu mà không cần thêm chất phụ gia. Dự án hợp tác liên quan đến việc sử dụng thủy tinh Tellurite, thường được sử dụng trong sản xuất sợi quang, do Viện Công nghệ Tokyo cung cấp.

Tetsuo Kishi - phó giáo sư tại Viện Công nghệ Tokyo - nhấn mạnh tiềm năng biến đổi của công nghệ, biến kính từ vật liệu thụ động chỉ cho phép ánh sáng xuyên qua thành vật liệu hoạt động có đặc tính giống chất bán dẫn. Kishi cũng đề xuất khả năng thay đổi thành phần kính để tăng tính thực tế, làm cho nó nhẹ và mỏng hơn.
Dù vẫn còn những thách thức, các nhà nghiên cứu hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều cửa sổ ứng dụng công nghệ trên và được lắp đặt rộng rãi, có thể đóng vai trò nguồn năng lượng sạch, làm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Hà Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI