Cô bạn tôi được tặng một chiếc ví cầm tay. Lúc trao cho bạn món quà, người tặng có nhắc đó là "hàng hiệu xịn", không hiểu do nghi ngờ "trình" xài hàng hiệu của bạn, sợ cô ấy không nhận ra giá trị món quà qua chiếc logo dập chữ chìm hơi khó nhận thấy hay người tặng biết nhưng vẫn muốn nhấn mạnh để bạn tôi ghi nhận tấm lòng của họ. Tôi cười thầm, thật ra tôi cũng không nhận ra chiếc ví bạn đang xài là hàng hiệu, cho đến khi nghe bạn nói.
Có lần tôi đi ăn, nghe người phụ nữ bàn bên la đứa con "chiếc túi ấy là hàng hiệu mẹ mua đắt tiền lắm, con đừng làm trầy nha". Có lẽ cô ấy chẳng cố ý khoe mẽ gì đâu, chỉ vì bực câu con trai, nhưng câu nhắc nhở ấy đủ khiến những người xung quanh ngoái nhìn.
Nhắc chuyện hàng hiệu, tôi vẫn nhớ vài chuyện buồn cười.
Một cô bạn tôi từng than thở rằng trong lúc cô tiêu xài chừng mực thì những "con nợ" của cô lại hay "flex" (tạm dịch: khoe khoang) những bộ cánh hàng hiệu và những chuyến du lịch sang chảnh trên Facebook. Những "con nợ" ấy mua hàng của bạn và khất lần những món nợ từ năm này qua năm khác nhưng lại vô tư chưng diện và khoe mẽ mà không biết ngượng.
|
Nhiều người trẻ ngày nay chạy theo phương châm sống Yolo (You only live once - tạm dịch: bạn chỉ sống một lần trong đời) nên tranh thủ sống "chất" bằng cách hưởng thụ từ rất sớm (ảnh minh hoạ) |
Một cô khách thường lui tới tiệm nhà tôi trong những bộ cánh toàn hàng hiệu xịn. Cô ấy khiến tôi chú ý vì cách phối đồ có vẻ phô trương. Có khi cô diện "nguyên cây" hàng hiệu, từ mũ, áo, quần, giỏ xách, giày là sản phẩm của những thương hiệu khác nhau với màu sắc, hoa văn khá chỏi. Công việc của cô ấy bình thường, gia thế không có gì đặc biệt nhưng không hiểu lấy đâu ra tiền mà xài đồ xịn đến vậy. Đến khi một người thân của cô ấy kể, "đồ hiệu" cô ấy dùng toàn hàng "fake" (hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng), tôi mới té ngửa. Vì quá mê đồ hiệu nhưng không đủ khả năng nên cô ấy toàn mua hàng nhái.
Đồ hiệu xịn (thường là của nước ngoài) hay in tên hiệu hay logo nổi bật ở những vị trí dễ nhận thấy. Điều này tạo ra lối sống thực dụng, đề cao giá trị vật chất, thói khoe mẽ (vì không khoe chưa chắc người đối diện biết đó là đồ hiệu), hơn thua nhau qua bộ cánh. Giới trẻ là thành phần dễ bị tác động nhất do chưa đủ bản lĩnh để phân biệt đúng - sai, tốt - xấu. Nhiều người trẻ ngày nay chạy theo phương châm sống Yolo nên tranh thủ sống "chất" bằng cách hưởng thụ từ rất sớm. Dùng đồ hiệu là một trong các tiêu chí phản ánh lối sống "đẳng cấp" của họ. Đánh vào tâm lý giới trẻ, nhiều nhãn hiệu thời trang cũng tung hô quá mức xu hướng sống Yolo, bất kể điều này có thể đưa giới trẻ đến lối sống lầm lạc khi chưa có khả năng làm ra tiền mà đua đòi, không kiểm soát được nhu cầu của mình nhưng lại dễ bị loá mắt bởi những điều phù phiếm, những giá trị sống ảo.
Việc sử dụng hàng hiệu giả còn tiềm ẩn nguy cơ đối mặt với kiện tụng bởi các nhà sản xuất, điều này không phải dân chơi hàng hiệu nào cũng biết.
Không quá khó để bắt gặp mỗi ngày những người đi xe xịn nhưng mua bằng nợ vay ngân hàng, những bạn trẻ xài đồ hiệu có giá bằng cả tháng lương hoặc gia thế chẳng khá giả gì nhưng vẫn là những tín đồ trung thành của hàng hiệu.
Giàu (bằng chính thực lực của mình) và xài đồ hiệu (đẹp) thì đã chẳng có gì để nói. Nhưng không phải ai có tiền xài đồ hiệu cũng có "gu" thẩm mỹ và ngược lại, nhiều người không cần dùng đồ hiệu vẫn thấy đẹp, thấy sang do cách phối màu sắc, kiểu dáng tinh tế, phù hợp vóc dáng hoặc che đi những khiếm khuyết hình thể.
Việc ăn mặc, tiêu dùng phản ánh tính cách cũng như điều kiện sống của mỗi người. Sự hợm hĩnh, đua đòi hay chừng mực, khiêm nhường, biết liệu cơm gắp mắm... đều bộc lộ hết qua cách phục trang của mỗi người. Dùng từ "văn hoá" trong cách xài đồ hiệu chắc cũng không có gì thái quá.
Lê Thị Ngọc Vi