Điện hải lưu công nghệ Việt Nam có thể đạt công suất gấp 4 lần nhà máy Tam Hiệp, Trung Quốc

23/07/2024 - 14:47

PNO - Công nghệ trống quay là sáng kiến giúp giải quyết nhiều hạn chế của cánh quạt thông thường trong việc chuyển dòng hải lưu thành điện năng.

Ngày 23/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM (HCM-USTA) phối hợp với Viện Nghiên cứu vùng và đô thị (IRUS), Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế biển TPHCM (HOMASTE) tổ chức hội thảo Điện hải lưu - Nguồn năng lượng xanh của Việt Nam.

Hội thảo nhằm trao đổi ý tưởng cho các giải pháp đột phá, nhằm đẩy nhanh việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng, phục vụ phát triển bền vững cho TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng trình bày về sáng kiến công nghệ mới sử dụng cánh quạt hình trống đặt dưới nước theo trục đứng - Ảnh: Quốc Ngọc
Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng trình bày về sáng kiến công nghệ mới sử dụng cánh quạt hình trống đặt dưới nước theo trục đứng - Ảnh: Quốc Ngọc

Tại hội thảo, kỹ sư Doãn Mạnh Dũng (nguyên Phó chủ tịch HOMASTE) đã trình bày chi tiết công trình nghiên cứu tâm huyết của ông hơn 10 năm qua, về việc biến các dòng hải lưu ven biển Việt Nam thành nguồn điện năng xanh trong tương lai gần.

Theo đó, dòng hải lưu ở Biển Đông là sự cộng hưởng 2 dòng hải lưu gồm: dòng tầng mặt hình thành do gió mùa Đông Bắc kéo dài suốt 8 tháng, và dòng tầng đáy hình thành do chênh lệch nhiệt giữa Cực và Xích đạo.

Đặc điểm dòng tầng đáy rất thuận lợi cho việc phát triển điện năng là gần bờ, ở vùng nước nông, tốc độ cao, hướng dòng Bắc - Nam ổn định, độ rộng dòng hải lưu rất rộng lên đến 24km tại Cửa Gianh, và độ dài lên đến 1.000km từ Hòn La (Quảng Bình) đến Kê Gà (Bình Thuận).

Kết quả khảo sát bằng vệ tinh cho thấy, ở khu vực Tây Thái Bình Dương có 12 vị trí tiềm năng lớn về tài nguyên dòng hải lưu, thì có đến 7 vị trí nằm ở bờ Biển Đông của Việt Nam.

Công nghệ chuyển đổi năng lượng từ dòng hải lưu hiện nay trên thế giới, theo ông Doãn Mạnh Dũng, còn nhiều hạn chế như chỉ lấy được năng lượng di chuyển trong quỹ tích hoạt động của cánh quạt, nên nhận rất ít khối lượng nước tác động, cánh quạt có trọng lượng nên hiệu suất thấp, dùng trục ngang, máy phát điện phải kín nước nên giá thành lên khá cao.

Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng đưa ra sáng kiến công nghệ mới sử dụng cánh quạt hình trống đặt dưới nước theo trục đứng. Đề xuất này có nhiều ưu điểm. Vỏ trống có gờ nhỏ để nhận lực từ nước. Trống có độ rỗng để lực Ácsimét làm nó nổi lơ lửng trong nước theo phương đứng. Trục trống gắn kết với vỏ trống và kéo máy phát điện trên mặt nước. Trống quay bằng mô‐men lực nên máy đều có thể chạy với mọi tốc độ của dòng chảy 1 hay 2 chiều.

Nếu kết hợp các trống quay thành các mô-đun lớn, ông ước tính: “Nếu thiết lập nhà máy ở Biển Đông kết nối 52 mô‐đun lớn giống như một con đê chắn sóng dài 2.048,8m, rộng 26m, cao 22,4m thì có thể tạo ra 91.728MW.

Công suất này gấp 4 lần nhà máy thủy điện Tam Hiệp của Trung Quốc với công suất chỉ có 22.500MW. Sản lượng nhà máy điện hải lưu 52 mô‐đun lớn này trong 1 năm có thể đạt 803.5 tỷ KWh. Trong khi đó, tổng sản lượng điện của Việt Nam phát và mua trong năm 2023 mới chỉ có 280.6 tỷ KWh”.

Hiện tác giả đã hoàn thành 2 máy thí nghiệm khẳng định sự thành công của trống quay. Các mô hình công nghệ đã đạt được sự tối ưu về lý thuyết với giá thành cực rẻ. Đây là nền tảng để sản xuất hydrogen xanh và chương trình không phụ thuộc vào lưới điện.

Ông Doãn Mạnh Dũng đề xuất Nhà nước cần ưu tiên cung cấp số liệu thủy văn, địa hình để đánh giá đúng nguồn tài nguyên động năng dòng hải lưu của Việt Nam và cho phép thí điểm tại các vị trí thích hợp.

Theo HCM-USTA nhu cầu thực tiễn của Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu điện. Đồng thời, tại Hội nghị COP26, chúng ta đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để sáng kiến về công nghệ trống quay chuyển dòng hải lưu thành điện năng đi vào thực tiễn, rất cần sự chung sức của các nhà nghiên cứu đa ngành, nhà hoạch định chính sách và các nhà đầu tư.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI