Điên đầu với tiếng ồn từ loa phóng thanh

04/12/2020 - 06:25

PNO - Ngoài tiếng máy xe, còi xe inh ỏi trên đường, tiếng cưa, cắt, khoan, đục từ các công trình xây dựng, người dân TPHCM còn phải sống chung với tiếng ồn của loa phóng thanh, phát ra từ các điểm kinh doanh ăn uống, thời trang, xe hàng rong, xe kẹo kéo, đám tiệc hát karaoke…

 

Trên đường phố, có đủ loại âm thanh tra tấn người dân ẢNH: ĐỖ MINH
Trên đường phố, có đủ loại âm thanh tra tấn người dân - Ảnh: Đỗ Minh

Ra đường sợ loa, về nhà sợ karaoke

Nhà chị Trần Thị Hiền ở đường An Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân. Hằng ngày, từ công ty về nhà, chị phải đi qua hai khu chợ tự phát, một ở ngay giao lộ Võ Văn Kiệt - An Dương Vương, một nằm trên đường An Dương Vương, cách khu chợ đầu tiên chừng 2km.

Ở khu chợ tự phát gần ngã tư Võ Văn Kiệt - An Dương Vương, mỗi buổi chiều có cả chục xe đẩy bán hàng rong tụ tập. Để thu hút người đi đường, người bán hàng trang bị loa cỡ nhỏ, liên tục lặp đi lặp lại lời rao: “Rau cải mười ngàn ba bó, bầu mười ngàn ba trái”. Chị Hiền lắc đầu: “Mình chỉ dừng đèn đỏ, ghé mua vài bó rau trong vài phút, đã không chịu nổi tiếng ồn rồi. Người dân ở quanh đây chịu sao cho thấu”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đoạn đường An Dương Vương từ nút giao với đường Võ Văn Kiệt đến sông Phú Định, có đến sáu điểm trình diễn “show nhạc kẹo kéo”. Thêm vào đó, khu chợ tự phát trên đoạn đường này còn có hàng chục loa phóng thanh được mở hết công suất để rao bán các mặt hàng từ rau xanh đến quần áo. Chị Hiền cho hay: “Hôm nay Chủ nhật nên công nhân ở các khu nhà trọ thuê loa kẹo kéo về hát rất nhiều. Đi ngoài đường thì bị loa của những người bán hàng làm điếc tai, về phòng trọ thì bị loa kẹo kéo tra tấn nguyên cả ngày nghỉ cuối tuần. Nhiều khi quá bức xúc, chồng tôi định bỏ ra 3 triệu đồng mua thiết bị phá sóng loa kẹo kéo để tìm lại sự bình yên”.

Tối 1/12, trên đường Tô Ký, huyện Hóc Môn, chúng tôi bắt gặp một tiệc sinh nhật có dàn loa kẹo kéo. Người dân địa phương cho biết, “chương trình văn nghệ” đã kéo dài từ lúc 15g, đến gần 20g vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Càng về khuya, những người tham gia buổi tiệc càng hát sung sức, gây náo động cả xóm. Thế nhưng, người dân xung quanh đành ngậm ngùi vì chưa đến “giờ cấm” nên cũng chẳng biết kêu ai.

“Ở đây, nhà nào hát quá 22g, chúng tôi sẽ gọi điện báo công an khu vực đến làm việc. Còn họ ca hát vào ban ngày hoặc chưa đến khung giờ trên thì đành chịu vì có quy định nào cấm người dân hát karaoke đâu” - ông Nguyễn Đình Vũ, ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, nói.

Không chỉ điên đầu mỗi khi hàng xóm có đám tiệc, chị Hồ Thị Hà - sống trong một căn hộ chung cư ở quận Bình Tân - kể, từ lúc hàng xóm sắm chiếc loa kẹo kéo di động, gia đình chị chỉ muốn dọn đi nơi khác sống. Mỗi tối, hàng xóm lại bật loa kẹo kéo để tập hát. Nhà ở sát vách nhau nên mỗi khi hàng xóm bật nhạc, nhà chị Hà như bị động đất. “Mỗi lần hàng xóm bật loa kẹo kéo, tôi phải dắt đứa con hai tuổi đi siêu thị để lánh nạn. Tôi hỏi mấy anh trong ban quản lý thì họ nói, không có quy định nào cấm hát loa kẹo kéo ở chung cư. Khi nào hàng xóm hát quá 21g, họ mới lên nhắc nhở thôi” - chị Hà ngao ngán.

Nhiều năm nay, hình thức hát karaoke bằng loa kẹo kéo đã trở thành vấn nạn, tra tấn người dân ở các khu dân cư
Nhiều năm nay, hình thức hát karaoke bằng loa kẹo kéo đã trở thành vấn nạn, tra tấn người dân ở các khu dân cư

Xử lý không nghiêm, gây nhiều hệ lụy

Ông Dương Văn Xanh - ở quận Tân Bình - cho biết con trai lớn của ông suýt vướng vòng lao lý chỉ vì chịu không nổi tiếng ồn từ loa thùng. Cuối năm ngoái, có một người đến nhà đối diện ông Xanh thuê mặt bằng để bán chăn màn. Để thu hút người mua, người bán hàng mở loa lớn, liên tục phát câu “chăn drap cao cấp, giảm giá sốc…”. 

Gần chục ngày bị âm thanh tra tấn từ sáng sớm đến khuya, con trai ông Xanh không chịu nổi, sang nhắc nhở, liền xảy ra cự cãi với nhân viên bán hàng. “Con trai tôi quá bức xúc nên đạp cái loa ngã lăn ra đường và xảy ra xô xát với nhân viên bán hàng. May có bảo vệ khu phố đến kịp, giảng hòa nên không xảy ra điều đáng tiếc. Do làm hỏng loa nên con tôi phải đền, thiệt hại tài sản chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” - ông Xanh kể.

Vấn nạn loa kẹo kéo gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Tuy nhiên, không dễ để xử phạt các hành vi này. Trong sáu tháng đầu năm 2020, TPHCM chỉ xử phạt 46 trường hợp gây tiếng ồn ở khu dân cư theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức phạt từ 100.000-300.000 đồng.

Chủ tịch UBND một xã ở ngoại thành TPHCM thông tin, nếu karaoke gây ồn ào sau 22g thì có thể xử phạt được theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP nhưng ngoài khung giờ nêu trên, muốn xử phạt thì phải đo được tiếng ồn. Việc đo tiếng ồn sẽ do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thực hiện.

“Vừa rồi, có trường hợp một nhà có người bệnh, còn nhà hàng xóm lại tổ chức tiệc, ca hát bằng loa kẹo kéo nhiều giờ liền. Người dân gọi điện báo trực tiếp cho tôi, nói phải xuống phạt tiền, tịch thu loa, nhưng không đo được tiếng ồn thì làm sao xử phạt? Chúng tôi chỉ xuống vận động để không xảy ra xung đột” - vị chủ tịch UBND xã nói.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo điểm a, khoản 1, điều 6, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi gây ra tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư,  nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22g hôm trước đến 6g sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000-600.000 đồng đối với tổ chức vi phạm.

“Hành vi hát karaoke ngoài khung giờ trên gây ồn vẫn có thể bị xử phạt nhưng phải đo được mức độ gây ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 decibel (dB) trở lên. Việc xử phạt này được quy định theo khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, điều 17, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Mức phạt cao nhất đối với cá nhân là 100-160 triệu đồng và tổ chức là 200-320 triệu đồng, bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn đến sáu tháng” - luật sư Hùng phân tích.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, tiếng ồn từ việc hát karaoke loa kẹo kéo không chỉ gây căng thẳng, mệt mỏi cho người xung quanh mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác như mâu thuẫn, ẩu đả, án mạng. Tuy nhiên, việc xử phạt hành vi gây ồn còn rất hạn chế. “Khi tiếp nhận ý kiến phản ánh về tiếng ồn, cơ quan chức năng ghi nhận, xác thực rồi mới lập đoàn kiểm tra, đo độ ồn, xử lý.

Thủ tục phức tạp, mất thời gian nên có khi lực lượng chức năng đến nơi thì người ta đã hát xong rồi, không xử phạt được. Tôi nghĩ, cơ quan có thẩm quyền nên tính đến việc thành lập một lực lượng tạm gọi là tổ cơ động xử lý tiếng ồn cấp xã, phường. Lực lượng này có thể là cán bộ ở nhiều ngành khác nhau, được trang bị thiết bị đo tiếng ồn để khi cần là đến hiện trường và xử lý ngay” - luật sư Đức đề xuất. 

Đề xuất ra quy ước ở khu phố về việc hát karaoke

Tại cuộc họp HĐND TPHCM vào tháng 7/2020, đại biểu Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM - phản ánh bức xúc của cử tri về vấn đề hát karaoke, ca nhạc đường phố gây ồn ào cho khu dân cư. Bà cho rằng, các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết trong việc xử lý, khiến cư dân liên tục bị loa kẹo kéo tra tấn, dẫn đến bất hòa, thậm chí còn xảy ra án mạng. 

Theo bà Bích Châu, đây là một hoạt động sinh hoạt tinh thần, nhưng không thể cứ để nó làm phiền đến những người xung quanh. Cụ thể, Nghị định 167 quy định thời gian từ 22-6g, còn thời gian ngoài khung trên bị bỏ ngỏ, trong khi các đám tiệc có uống rượu bia tổ chức hát suốt ngày. Bà đề xuất, cần đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kẹo kéo gây ồn ào vào hương ước, quy ước của khu phố, tổ dân phố để các hộ dân tự nguyện thực hiện trên nguyên tắc văn minh, tôn trọng lẫn nhau; nếu người dân vẫn không chấp hành thì mới sử dụng các biện pháp hành chính để xử lý.

Luật sư Nguyễn Tri Đức cho rằng, đề xuất của bà Tô Thị Bích Châu là phù hợp quy định của pháp luật và có thể thực hiện được. Tiếc rằng, nhiều tháng trôi qua, đề xuất nói trên vẫn chưa được xem xét, áp dụng. “Theo tôi, hoàn toàn có thể đưa cam kết không hát karaoke bằng loa phóng lớn tiếng vào hương ước, quy ước của khu phố, tổ dân phố. Đồng thời, TPHCM cũng cần ban hành quy tắc, quy định về chống ô nhiễm tiếng ồn và xử lý những người gây ra tiếng ồn không đúng nơi, đúng chỗ” - luật sư Đức nói.

Hoàng Lâm

 

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • nguyễn phương 05-12-2020 04:54:25

    Loa có mặt khắp nơi từ đường phố đến hàng cùng ngõ nhỏ ,bán cái gì cũng xài loa kể cả vé số ăn xin ,xe đạp bán xôi bánh mì cũng sử dụng loa ...không nhức đầu mới là chuyện lạ .

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI