Diễn đàn "Văn minh = bất hiếu?": Văn minh không có nghĩa là bất hiếu!

08/10/2020 - 05:27

PNO - Tôi đồng tình với sự lý trí của đạo diễn Lê Hoàng và cả thái độ sống thiên về tình cảm của MC Quyền Linh. Nếu có thể cộng lại chia hai để có được sự trung dung thì có lẽ là lý tưởng nhất.

Tôi thường tự hỏi làm sao để giáo dục nên một đứa con thảo hiền… cho đến khi nghe những bài pháp thoại của một vị sư thầy nổi tiếng. Tôi nhận ra rằng để có được một đứa con hiếu thảo, tôi cần phải là tấm gương tốt, đồng thời con tôi phải biết thương yêu người thân và mọi người xung quanh. 

Gieo mầm từ bi trí tuệ vào một con người không hề là chuyện dễ dàng. Tôi cố gắng dạy con từ những điều nhỏ nhặt. Không biết mai này ra sao, nhưng hiện tại cậu con trai của tôi dù bé, đã biết thể hiện sự quan tâm, hiếu thảo với cha mẹ bằng những hành động thiết thực. 

Một lần tôi cùng con ra ngoài khi thời tiết mát mẻ. Tôi mặc thêm chiếc áo khoác và cho con mặc bộ quần áo bình thường. Thế nhưng, cái kiểu khí hậu đành hanh ở Bắc Âu thật khó lường. Có khi trước đó vừa nắng ấm, nhưng lát sau lại lạnh giá. Lúc chờ ở ga tàu, hai mẹ con đã lạnh run. Tôi cởi áo khoác ra mặc cho con, nhưng chỉ chưa đầy một phút, cậu bé mới ba tuổi đã biết cởi áo ra trùm vào người mẹ, nó nói: “Con hết lạnh rồi, mẹ mặc áo đi mẹ!”.

Nhìn cậu bé nhỏ xíu đang tự ôm lấy mình bằng hai cánh tay áp chặt vào người, tôi biết nó cũng đang lạnh nhưng vẫn dám hy sinh cho mẹ. Khoảnh khắc ấy, tôi biết mình đã thành công trong việc giáo dục một đứa trẻ, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

Văn minh hay bất hiếu? Ảnh minh họa.
Văn minh hay bất hiếu? Ảnh minh họa.

Tôi đồng tình với sự lý trí của đạo diễn Lê Hoàng và cả thái độ sống thiên về tình cảm của MC Quyền Linh. Nếu có thể cộng lại chia hai để có được sự trung dung thì có lẽ là lý tưởng nhất. Tôi còn thấy sự dễ thương, thấu đáo của diễn viên Lý Hùng trong một tập mà anh tham gia, khi nhận định rằng con cái vẫn nên cảm thông cho cha mẹ. Anh nêu quan điểm không tranh cãi gay gắt, mà nên hòa nhã, nhẹ nhàng… Nếu bất đồng ý kiến cũng đừng tỏ thái độ gay gắt, sau đó sẽ từ từ phân tích khi cả hai cùng nguôi ngoai và nhìn lại sự việc. Cha mẹ cũng đôi lúc có lời nói hoặc hành động không đúng, cần nên điều chỉnh lại… Và con cái nên giữ thái độ ôn tồn, tránh làm tổn thương cha mẹ. 

Tôi từng chứng kiến một người đàn ông Thụy Điển đưa cha đến tiệm ăn nơi tôi hay tới mua đồ. Người cha lớn tuổi luống cuống làm đổ ly nước ra bàn, ông lúng túng nói xin lỗi. Cậu con trai mỉm cười bảo không sao rồi nhanh chóng dọn dẹp cho cha. Một lúc sau, ông lại hắt hơi làm văng mì lên cả áo và cổ con, người con không hề có thái độ gắt gỏng mà vẫn ân cần lau cho cha, trước cả việc lau cho mình. 

Tôi cũng gặp nhiều cụ già người bản xứ được con cái đưa ra ngoài dạo chơi, đi siêu thị mua đồ, xếp hàng chờ tàu… Tôi quan sát thấy họ cũng có đời sống tình cảm sâu sắc và yêu thương nhau rất nhiều. Họ văn minh đấy, nhưng đâu có nghĩa là quên đi bổn phận. 

Một người bạn đồng nghiệp cũ của tôi kể ngày xưa chị từng ngăn cản, không cho mẹ đi bước nữa với người đàn ông vốn rất yêu thương bà, và bà cũng mong muốn được gắn bó phần đời còn lại với người ấy. Chị đã từng nói những lời khiến mẹ tổn thương và đau khổ. Cho đến ngày chị tìm được tình yêu thật sự sau khi ly hôn và nhận từ đứa con trai của chị những câu nói giống hệt chị nói với mẹ ngày xưa, chị mới sững sờ nhìn lại tất cả. 

Với đạo Phật hay nhiều tôn giáo khác, người ta gọi đó là nhân quả. Với những con người không nhìn từ góc độ tôn giáo, thì đơn giản đó chính là sự “nêu gương”. Tôi nghĩ rằng, dù loại bỏ yếu tố luật nhân quả hay sự nêu gương thì con người ta vẫn nên tuân theo những nguyên tắc nhất định về đạo đức và lối sống. 

Nhìn đứa trẻ của mình tự biết rót ly nước mát mời cha khi cha đi làm về, thậm chí còn biết an ủi ngược lại: “Cha mẹ đừng lo, con không sao đâu”, khi lỡ vấp ngã khá đau, tôi tin rằng mình đã đi đúng hướng. Tình cảm và lý trí đều cần thiết cho sự phát triển một con người. 

Ánh Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI