Diễn đàn "Văn minh = bất hiếu?": Con cãi cha mẹ, cháu bà thêm… ngoan

19/09/2020 - 09:47

PNO - Thời gian và cuộc sống xoay vần, tư duy dạy con cũng cần phải theo kịp những chuẩn mực đạo đức đã được thời đại “nâng cấp”. Để những đứa trẻ được lớn lên bình ổn và tự chủ hơn, đôi khi ta cũng cần lựa lời mà cự cãi.

Mâu thuẫn thế hệ hầu như gia đình nào cũng gặp, dù ít hay nhiều. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ những chuyện lớn như cách nuôi dạy con cái, nhưng cũng có thể từ những việc rất nhỏ nhặt như cách chuẩn bị một bữa ăn trong ngày. 

Tuy là việc rất thường gặp, nhưng để giải quyết nó lại không hề đơn giản. Thậm chí mâu thuẫn thế hệ còn có thể dẫn đến những xung khắc không thể hóa giải, làm mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình rạn nứt đến mức không thể hàn gắn khi cha mẹ từ mặt con cái, con cái viện đủ lý do để không gặp gỡ cha mẹ.

Vậy làm sao để hạn chế đến mức thấp nhất mâu thuẫn thế hệ trong gia đình? Theo tôi, điều căn bản nhất là con cái cần nói chuyện thẳng thắn, nghiêm túc về những suy nghĩ của mình, điều tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại rất ít người làm được. 

Tại sao lại thế? Đơn giản vì con cái thường cho rằng cha mẹ đã vất vả cả đời vì mình, nay có vài chuyện khác nhau trong suy nghĩ cũng nên im lặng cho qua chứ nói tới nói lui, ông bà lại buồn. Nghĩ vậy nhưng vẫn làm theo những điều mình cho là đúng và hợp lý hơn, dù đôi lúc nó không giống như điều cha mẹ mong muốn. Và rồi lại là trường ca bất hủ: “Ôi dào, anh chị lớn rồi, anh chị có học nên có coi lời lớp già tụi tôi ra gì đâu”, hoặc “Vâng, bọn tôi nuôi con không khoa học, nhưng các anh chị chả phải cũng đã lớn tướng lên khỏe mạnh đấy sao”…

Về chuyện này, tôi là một ví dụ cụ thể. Từ khi sinh ra và lớn lên, cha mẹ luôn bảo bọc mọi thứ và tôi không phải sờ tay vào bất cứ chuyện gì. Đến khi có chồng và sinh con, dù quan điểm nuôi dạy con có khác, nhưng nghĩ ông bà nào chả cưng cháu, nên dù thấy không vừa ý tôi cũng im lặng. Tôi tưởng vậy là sẽ êm xuôi, nhưng không, càng im lặng thì bà ngoại lại thường xuyên phạm sai lầm trong cách nuôi dạy: cho cháu ăn bánh kẹo, bim bim, quà vặt; mua cho cháu bất kỳ món đồ chơi nào cháu thích; đổ lỗi cho đồ vật, hoàn cảnh mỗi khi cháu vấp té… Từ đó, tôi nhận ra cách làm của mình đã sai.

Vậy là tôi chọn cách nói thẳng những suy nghĩ của mình, và tỏ rõ sự không đồng ý với cha mẹ trong một vài trường hợp. Phản ứng đầu tiên của ông bà là sốc. Tôi trong mắt cha mẹ từ một người con luôn vâng lời, trở thành đứa con ngang bướng. Không khí gia đình có những thời điểm vô cùng căng thẳng. Nhưng rồi theo thời gian, từng chút từng chút một, cha mẹ đã dần hiểu ra tôi làm vậy không phải vì bất hiếu. Chỉ là với tư cách làm mẹ, tôi muốn đem đến những điều mình nghĩ là phù hợp và đúng đắn nhất cho con tôi, cũng là cháu cưng của ông bà. Không khí gia đình bắt đầu trở nên nhẹ nhàng hơn. Tôi thấy vui, và cha mẹ cũng không còn buồn lòng nhiều nữa, dù đôi lúc vẫn vùng vằng: “Tao cưng cháu tí mà cũng không được”. 

Đừng mong sự thay đổi ở cha mẹ nếu chúng ta cứ mãi im lặng. Tính cách con người đã được hình thành và đi theo ông bà gần hết cuộc đời, làm sao bảo tự thay đổi khi không hề có một sự tác động nào được. Ông cha ta vẫn thường nói “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Tôi thì thấy, thời gian và cuộc sống xoay vần, tư duy dạy con cũng cần phải theo kịp những chuẩn mực đạo đức đã được thời đại “nâng cấp”. Để những đứa trẻ được lớn lên bình ổn và tự chủ hơn, đôi khi ta cũng cần lựa lời mà cự cãi. Con cãi cha mẹ, cháu bà thêm… ngoan. 

Đó là cái lý của tôi trong “cuộc chiến” dai dẳng này. Đừng sợ ông bà buồn, chỉ cần chúng ta biết cách tiết chế cảm xúc và dùng những lời lẽ chuẩn mực, dần dần chắc chắn ông bà cũng sẽ có những điều chỉnh thôi, vì ai cũng muốn những điều tốt đẹp cho con, cho cháu. Bên cạnh đó, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi thói hư tật xấu, để ông bà cảm thấy con mình đang dần trưởng thành, đủ để đặt niềm tin.

Ngay từ khi mới chào đời, mỗi thành viên trong gia đình đã có sự gắn kết kỳ diệu với nhau bởi lòng yêu thương và sự gắn bó. Chỉ cần luôn luôn ghi nhớ điều ấy, thì chẳng việc gì phải phân tích chuyện văn minh là có hiếu hay bất hiếu nữa, chỉ là cách quan tâm và cư xử của mỗi người một khác mà thôi. 

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI