Chính kiến là cách tôi gọi tên, còn với má tôi, đó là một kiểu “đủ lông đủ cánh”. Chuyện sớm sủa nhất là chuyện chọn bạn. Trần đời có ai lên tới đại học mà vẫn dắt bạn về nhà cho má… kiểm duyệt không? Nhưng tôi thì có. Chuyện đó tôi làm từ thời tiểu học, làm vì nhu cầu.
Lên cấp III, tôi làm vì trách nhiệm. Nhưng đến đại học, tôi dắt bạn về cho má coi, là vì… sợ mếch lòng. Lúc đó, tôi đã biết việc chơi với ai tự mình quyết được, bản thân cũng không có trách nhiệm với má theo đường… bạn bè. Nhưng vì biết má muốn, má cần, má trông đợi, thì… “ô kê”, tôi dắt về.
Nhưng, đó cũng là chuyện đầu tiên khiến tôi và má xích mích. Tôi nhớ hồi đó má nói xa nói gần, rằng bạn này nhà quá giàu, lối sống sẽ khác, sẽ khiến con không thoải mái trong một vài chuyện. Tôi ơ hờ, má cụ thể hóa: ví dụ từ cái áo cái quần, từ việc đi shopping cho đến lúc vào xem phim rạp - bạn sẽ có những lựa chọn khác với điều kiện tài chính khác; những lúc đó, con sẽ không thoải mái nếu hầu bao không đủ để đu theo.
Với một người bạn khác, má lại lăn tăn vì… quê bạn quá xa. Lý do này thì rõ là vô lý. Chắc má cũng thấy vậy nên chỉ ậm ờ trong những bữa ăn. Kiểu, khác xuất thân, khác văn hóa là nguồn cơn của hàng tá bất đồng. Bạn là người ta tương đồng nhiều mặt, mà đã bất đồng từ đầu thì… không nên chơi.
Đó là lời má ầu ơ phân tích. Nếu là lúc nhỏ, tôi sẽ rất lưu tâm. Nhưng lúc này tôi đã đủ lớn để cho rằng mấy suy nghĩ đó rất… ấu trĩ. Tôi phản biện rằng tôi không chơi với bạn vì tài chính, xuất thân, nên cũng không bỏ bạn vì những điều đó. Má lại phản biện. Tôi chốt: “Dù là phân biệt về phương diện nào thì cũng là… không văn minh, đã văn minh thì không phân biệt”.
Má tôi ghim từ “văn minh” từ đó. Má nhận luôn rằng mình “ấu trĩ”. Mỗi lần muốn góp ý gì, má lại bắt đầu bằng mệnh đề “Má ấu trĩ má chỉ nghĩ được vầy…”.
|
Hễ tôi nói về sức khỏe, về nhu cầu nghỉ ngơi, thì má lại nói về đạo lý - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock |
Dĩ nhiên, cho đến lúc này, khi đã là hai người phụ nữ cùng có gia đình, cùng trải qua việc nuôi dạy con cái, tôi và má đã có hàng tỷ chuyện để mà xung đột quan điểm.
Đơn cử, hễ tết đến là má lại… suy kiệt, lắm khi phải nhập viện sau một chuỗi ngày bánh trái, cúng kiếng, khách khứa. Tết trong nhà má là một cái tết ê hề nhất mà tôi từng biết. Má chuẩn bị không thiếu một món tân cựu nào. Cơm bữa, rước đưa ông bà đều là những buổi lễ kiểu mẫu. Đến nỗi, họ hàng hễ có ai muốn dạy dỗ con dâu thì phải dắt đến nhà má tôi trong dịp cúng kiếng, để mà… dằn mặt dâu mới bằng “mâm cỗ nhà bà Thìn”. Và rồi, mỗi lần hết tết, nếu không vào viện truyền đạm thì má tôi cũng lắc đầu, tuyên bố: “Thôi năm sau làm gọn lại, không dại gì mà thí xác”.
Nhưng, hễ tết chớm đến là tôi phải… đóng vai ác. Ngày nào ghé má tôi cũng ca bài ca: “Má làm ít lại, lễ lạt ít, cúng đơn giản, bánh trái thì mua bớt cho khỏe người”. Lúc này, má lại… “trở mặt”, nói toàn những đạo lý làm phụ nữ, làm dâu, làm con cháu. Những đạo lý đó dĩ nhiên thể hiện hùng hồn trong từng mâm cỗ, từng cái bánh cái kẹo tự tay làm đặt lên bàn thờ gia tiên ngày tết. Nghe thật… thuyết phục.
Thế là hễ giáp tết, ghé má, tôi lại chứng kiến cảnh vừa làm vừa than. Má hì hụi rang từng mớ nếp, xay từng tí bột, vừa làm vừa nghỉ, xoa dầu, nắn đấm xương khớp. Hễ thấy nhà có thêm người, má lại hồ hởi nhờ vả. Ba tôi chưa nghỉ hưu, chị dâu mang bầu, anh trai ngày ngày tất tả ở công trình - nhưng hễ mọi người lấp ló về đến nhà là lại phải nghe lời má, xúm vô nhào nhào nặn nặn. Những món bánh truyền thống làm đã cực, mà lại làm số lượng nhiều, để biếu. Nhà tôi thành cái xưởng bánh. Cả nhà thành ra những công nhân siêu việt, mỗi ngày làm ba ca, ai cũng mất ngủ vì tết, vì cái đạo làm người theo quan niệm của má.
Tôi nhìn người thân bơ phờ lại sốt ruột, lên tiếng. Nhưng, tôi nói về sức khỏe, về nhu cầu nghỉ ngơi - má lại vẫn cứ nói về đạo lý. Tôi khẳng định má phải khỏe, phải vui vẻ và đầy năng lượng thì mới thực hiện đạo lý một cách lâu dài được. Má lập tức phản pháo: “Các cô văn minh, các cô khoa học, còn thân già tôi chỉ biết làm theo tập quán nhà tôi, hễ tới tết là phải sắm sửa đủ đầy. Nhà này không có ai cụt què mà phải đi mua ngoài hàng cả!”.
Cứ thế, những buổi khuyên lơn trở thành cãi cọ, có khi má con giận nhau cả tháng. Hễ giỗ chạp, tết nhất là tôi với má lại đánh dấu bằng một lần giận nhau. Vừa rồi, má đang tổ chức làm bánh Trung thu cho con cháu, “tiện làm biếu cả xóm, cả các cháu nhà bác hai, dượng năm, nhà cái Thu, cái Thảo…”. Tôi nghe mà… chóng mặt. Mỗi lần thấy tôi về, má đang ngồi bên mâm bột nếp nhào nhào nặn nặn, nhưng không bao giờ quên mào đầu bằng một câu “siêu mát mẻ”: “Đấy, cái con bất hiếu đấy lại mang ánh sáng văn minh về gia đình ta đấy!”.
Thu Trang