Diễn đàn “Thương con - Sao cho đúng cách?”: Xin chào, Peter Pan!

31/12/2024 - 05:56

PNO - Trong chiếc vỏ ốc của mình, họ cứ thế lớn lên, nhưng mãi chưa thể trưởng thành.

Lời tòa soạn: Sau khi khởi đăng chuyên đề “Con khỏe mạnh, “ký sinh” cha mẹ già”, Báo Phụ nữ TPHCM đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc. Với mong muốn có thêm những câu chuyện thực tế đa chiều, lắng nghe kinh nghiệm dạy con, đồng hành cùng con trong bối cảnh xã hội hiện đại, Báo Phụ nữ TPHCM mở diễn đàn “Thương con - Sao cho đúng cách?”.

Diễn đàn mong nhận được sự tham gia của đông đảo quý bạn đọc gần xa nhằm góp phần tìm giải pháp cho câu hỏi: “Làm thế nào để giúp thế hệ trẻ có thể sống một cuộc đời tự tin và tự lập, thay vì mãi mãi “ký sinh” trong ngôi nhà của cha mẹ mình?”.

Có những đứa trẻ mãi mãi không chịu lớn như cậu bé Peter Pan (ảnh minh họa)
Có những đứa trẻ mãi mãi không chịu lớn như cậu bé Peter Pan (ảnh minh họa)

Khi sáng tạo ra Peter Pan vào năm 1902, trong The little white bird, Nam tước James Matthew Barrie đâu biết rồi đây tên cậu bé không bao giờ lớn của ông sẽ được đặt cho một hội chứng tâm lý của những người trưởng thành nhưng vẫn mãi như đứa trẻ.

20g, chuyến xe từ TPHCM về thủ phủ Tây Nguyên dừng lại ở trạm dừng nghỉ để hành khách dùng cơm. Những vị khách trả thêm 50.000 đồng để ăn “cơm nhà xe” được mời vào bàn chung, ăn cơm phần. Mọi chuyện diễn ra bình thường, cho đến khi cô gái tuổi độ đôi mươi quay sang thì thầm vào tai bạn trai và giơ tay chỉ chỉ.

Bạn trai cô, cũng trạc tuổi đó, liền nhanh chóng gắp thức ăn cho cô từ những đĩa thức ăn chung được cô chỉ trỏ. Suốt bữa cơm, chàng trai vẫn thản nhiên làm người phục vụ cho cô gái (và khi thức ăn được để vào chén, cô vẫn ăn bình thường), mặc kệ những ánh mắt ngơ ngác của người chung bàn.

Sẽ là quơ đũa cả nắm nếu bảo thế hệ Z (những người sinh năm 1997-2012) không có năng lực tự phục vụ, nhưng phần lớn những bạn trẻ tôi biết đều rất kém khả năng tự phục vụ. Một bạn tình nguyện viên ở nông trại của tôi, đã gần 30 tuổi, kỹ năng nấu nướng của bạn chỉ gồm: luộc rau, xào trơn mọi thứ với nước mắm và kho mọi thứ cũng chỉ với nước mắm.

Nhờ bạn đi chợ, bạn liền mua hẳn 3 con cá ngừ, cắt đôi, kho với nước mắm và hâm đi hâm lại ăn suốt 5 ngày. Hỏi sao không mua thêm mấy món khác, bạn đáp: “Mất công nấu lắm anh”. Một bạn nữ khác, khi thấy tôi chẻ thanh củi ướt và vẫn nhóm lửa được liền khen giỏi, nhưng khi tôi đề nghị: “Anh chỉ em, dễ lắm”, bạn thẳng thừng: “Không. Em không có nhu cầu học thêm gì hết. Biết làm chi cho mệt”. Cứ thế, bạn chờ được phục vụ - chờ một ai đó biết làm và làm cho bạn.

Bạn thử nhớ lại xem, bao nhiêu lần bạn yêu cầu con/cháu dọn phòng riêng nhưng chúng vẫn để nguyên vậy? Với những người-lớn-trẻ-con ấy, việc dọn phòng là cái gì đó rất mệt nhọc, không cần thiết và họ sẵn lòng sống giữa đống hỗn độn, thậm chí hôi hám ấy, cho đến khi có người quá chướng mắt mà đi dọn giùm. Hoặc khi chiến tranh nổ ra, họ sẽ dọn phòng trong tâm trạng bị… cưỡng bức lao động.

Nhưng kể cả khi những người-lớn-trẻ-con ấy dọn phòng và bạn thử kiểm tra lại, nguy cơ là bạn sẽ nhìn thấy áo quần, cả dơ và sạch, bị nhét bừa vào tủ. Vâng, nhét, không phải xếp, bởi con/cháu bạn có khi cũng không biết cách để xếp quần áo cho thẳng thớm.

Học sinh tiểu học tự chuẩn bị bữa ăn và dọn rửa trong chuyến cắm trại - Ảnh: Tr.Thắng
Học sinh tiểu học tự chuẩn bị bữa ăn và dọn rửa trong chuyến cắm trại - Ảnh: Tr.Thắng

Giới trẻ hôm nay được đánh giá là năng động, sáng tạo, cá tính nhưng hoàn toàn thiếu kỹ năng, thiếu khả năng làm việc nhóm, thậm chí đứt kết nối xã hội. Trong chiếc vỏ ốc của mình, họ cứ thế lớn lên, nhưng mãi chưa thể trưởng thành.

Nhiều bạn trẻ hôm nay không được dạy những thứ tưởng như rất cơ bản của cuộc sống. Họ không thể tự giặt đồ nếu không có máy giặt. Những cửa hàng tiện lợi cung cấp cho họ bữa ăn sẵn hoặc họ có thể đặt thức ăn giao tận nơi thay vì phải tự nấu. Phụ huynh đổ cho cuộc mưu sinh nên không còn thời gian dạy dỗ con em, trong khi chính ta cũng đang lãng phí quá nhiều thì giờ quý báu cho mạng xã hội - khoảng thời gian lẽ ra nên được dành cho gia đình, cho con trẻ.

Đã qua rồi cái thời gian khó, cái gì hư phải tìm cách sửa để tiếp tục dùng. Tuổi trẻ hôm nay có xe đạp xịn, xe đạp điện, xe máy điện để đi học và nếu chẳng may xe hư, điều duy nhất trẻ biết làm là đẩy đến tiệm hoặc… gọi cho cha mẹ. Đã không còn cảnh những người cha dạy con thay thắng xe đạp, đóng sửa cái ghế, đi lại đường dây điện…

Mọi thứ đã có thợ, chỉ việc gọi là xong. Buồn nhất là bọn trẻ không hề biết và cũng không quan tâm chuyện cha mẹ chúng lấy tiền đâu để trả công cho thợ.

Sợ con bị tai nạn, sợ con bị bắt cóc, sợ con bị gạt, sợ con cực khổ… và vô số nỗi sợ của cuộc sống hiện đại đã đẩy cha mẹ vào vị trí của những bảo mẫu bất đắc dĩ, thậm chí khi con đã trưởng thành. Bọn nhỏ bị cấm ra khỏi nhà, chẳng thể tự mình đạp xe đi chơi, đi học. Chuyện dọn nhà, nấu nướng cũng đã có người giúp việc lo.

Niềm vui còn lại của bọn trẻ chỉ là điện thoại, máy tính bảng; để rồi chúng bị mắng chửi là quá mê game, không biết gì cả ngoài game.

Bạn đã bao giờ dạy con tìm đường trong thành phố mà không cần dùng đến Google Maps? Con bạn sẽ làm gì nếu chẳng may có hỏa hoạn hoặc khi bạn đột quỵ ngã xuống?

Nếu chúng chỉ đứng yên hoặc hoảng loạn và không biết làm gì, đừng trách chúng mà hãy trách chính bạn đã không huấn luyện chúng. Đừng đổ cho chuyện áo cơm. Hôm nay, ngừng xem TikTok nửa giờ để bạn tập gắn lại xích xe đạp và dạy cho con.

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI