Diễn đàn “Thương con - Sao cho đúng cách?”: Tôi là một kẻ ký sinh đau khổ

14/01/2025 - 06:03

PNO - Đa phần, người ngoài nhìn vào sẽ nói những ai được ba mẹ bảo bọc là “số sướng”, “số hưởng”. Nhưng chỉ những người “con ký sinh” này mới biết, họ cũng có những nỗi lòng không biết tỏ cùng ai. Anh Nguyễn Văn X. (ngụ huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) đã gửi đến diễn đàn một câu chuyện như thế.

Cho con nghỉ học vì sợ... con mệt

Thuở nhỏ, tôi nổi tiếng khắp xóm vì được mẹ cưng. Tôi đi học về, mẹ đã dọn sẵn cơm. Cặp sách tôi quăng ngoài hiên đã có mẹ xách vào. Quần áo tôi thay vứt lung tung, đã có mẹ dọn dẹp. Mẹ không bao giờ nhắc nhở hay la rầy. Trong xóm ít ai dám cho con chơi với tôi, vì “lỡ thằng X. có chuyện gì thì bà Hồng (mẹ tôi) tới cào nhà”.

Khi lên lớp Sáu, nhà cách trường 5km, tôi phải đạp xe đi học. Mỗi lần tôi đi học về là mẹ đón tận cổng, xót xa: “Mệt lắm hả con? Đi học khổ quá”. Mẹ làm vậy, bỗng dưng tôi cũng thấy đi học là vất vả. Sự nghiệp đạp xe đi học của tôi chỉ được vài ngày thì ngưng. Sợ con mệt, ba cũng không thể đưa tôi đi học vì phải đi vác lúa mướn, mẹ quyết định cho tôi nghỉ. Vậy là cậu phải viện trợ cho mẹ một số tiền để thuê xe ôm đưa đón tôi mỗi ngày.

Ảnh minh họa - Shutterstock
Ảnh minh họa - Shutterstock

Đến năm tôi học lớp Bảy, mẹ nhờ Thanh - con gái dì tôi, vừa lên lớp… Sáu - chở tôi đi học. Mẹ tôi dặn em: “Con chở anh đi học, tới trường con nhớ để ý coi chừng anh bị bạn ăn hiếp”. Đó thực sự là ký ức xấu hổ nhất của đời tôi khi con trai học lớp Bảy mà phải nhờ một đứa con gái lớp Sáu bảo vệ.

Một lần, Thanh nổi quạu khi mẹ tôi trách em làm ngã xe, khiến tôi trầy chân. Sau lần đó, Thanh nhất quyết không chở tôi nữa. Tôi vì làm biếng không thích học nên càng ra sức than thở với mẹ về chuyện đường xa, nắng nôi, mệt nhọc. Lần này, mẹ cho tôi nghỉ học thật khi chưa xong lớp Bảy, bất kể ai khuyên can.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tình thương biến tôi thành kẻ nhu nhược

Tôi nghỉ học và ở nhà chơi nhiều năm. 24 tuổi, tôi mới được mẹ cho đi tìm việc. Trước đó, tôi xin mẹ theo ba vác lúa, nhưng mẹ sợ tôi cực. Trong xóm có người làm nghề hàn tiện, kêu tôi theo học nghề miễn phí, nhưng mẹ không cho, vì “tia lửa hàn hại mắt”. Mẹ chỉ đồng ý cho tôi đi học sửa điện thoại vì “nghề đó làm trong mát”. Nhưng tính tôi không tỉ mỉ, khéo tay nên sau khi học xong 6 tháng, mở tiệm thì ế. Cả tháng tôi chỉ bán được ít thẻ cào nên đóng tiệm.

Tôi nhờ cậu xin cho tôi lên Sài Gòn làm bảo vệ. Mẹ biết chuyện, ra sức cản, vì “trên thành phố phức tạp, xì ke, ma túy tùm lum”. Tôi lại nằm nhà. Mỗi lần nhìn mấy đứa em họ về thăm quê mua sắm đủ thứ, cuối năm có tiền cho ba má xài tết mà tôi tủi thân, thấy mình thực sự vô dụng. Tôi tránh mặt hết anh em, họ hàng vì tự ti.

Cách đây 2 năm, một lần nữa tôi xin mẹ cho đi học sửa xe. Tuy nhiên, ở quê tôi có quá nhiều chỗ sửa xe, mà mẹ nhất định không cho tôi đi xa mở tiệm, sợ tôi nhậu nhẹt, sinh hư. Tôi mở tiệm gần, tay nghề non, cộng với bị cạnh tranh nhiều nên chẳng mấy chốc tiệm ế đến mức phải đóng cửa.

Năm nay tôi 32 tuổi, vẫn không bằng cấp, không sự nghiệp, không bạn bè. Tôi luôn biết ơn vì mẹ thương tôi, nhưng tình thương của mẹ vô tình biến tôi thành một kẻ nhu nhược. Thậm chí, tôi cũng không dám yêu ai, bởi tay trắng thì lấy gì để tự tin mà yêu đương. Tôi là một kẻ ký sinh đau khổ, nhưng cũng thiếu quyết tâm để phá chiếc kén mà mẹ đã bao bọc mình.

Giang Thùy (ghi)

Đi tìm nguyên nhân của lối sống “ký sinh”

Trong một phiên tòa tại Đài Loan (Trung Quốc), người đàn ông họ Giản (40 tuổi) đã đệ đơn kiện yêu cầu cha mình chu cấp 12.838 Đài tệ mỗi tháng. Ông Giản, hiện đang thất nghiệp và có giấy chứng nhận khuyết tật, cho rằng mình không có khả năng lao động và cần sự hỗ trợ từ cha. Tuy nhiên, cha của ông phản đối kịch liệt, khẳng định con trai mình “không thể mãi là một kẻ ăn bám”. Sau khi xem xét các bằng chứng, tòa án đã bác bỏ yêu cầu của người con, kết luận rằng ông ta không thể chứng minh mình hoàn toàn mất khả năng lao động.

Một trường hợp khác từ Nhật Bản đã gây ra làn sóng phẫn nộ: ông Noguchi (63 tuổi) sống cùng mẹ mà không có việc làm ổn định. Từ năm 34 tuổi, ông mất việc và quyết định nghỉ ngơi tại nhà. Suốt 29 năm, mọi chi phí ăn ở của ông đều do người mẹ già chu cấp. Khi bà mẹ qua đời ở tuổi 95, ông Noguchi rơi vào cảnh túng quẫn và phải cầu cứu chính phủ trợ cấp.

Tại Hàn Quốc, câu chuyện của Lee Ji-hoon (36 tuổi) là một ví dụ điển hình khác. Anh Lee tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng, nhưng không thể tìm được công việc ổn định. Không muốn làm những việc lương thấp, Lee quyết định sống nhờ ba mẹ. Anh dành phần lớn thời gian để chơi điện tử và lướt mạng xã hội. Ba mẹ Lee, dù thất vọng, vẫn chu cấp đầy đủ vì lo sợ anh không thể tự xoay xở.

Còn tại Mỹ, một cặp vợ chồng tại New York đã phải kiện con trai 30 tuổi ra tòa để yêu cầu anh ta rời khỏi nhà. Mặc dù họ đã nhiều lần đề nghị và thậm chí gửi thông báo chính thức, người con vẫn từ chối chuyển đi với lý do “chưa sẵn sàng tự lập”. Cuối cùng, tòa án buộc anh ta phải rời khỏi nhà trong vòng 90 ngày, chấm dứt một cuộc chiến pháp lý kỳ lạ.

Nguyên nhân của hiện tượng này rất đa dạng. Ở Hàn Quốc, tình trạng thiếu việc làm với mức lương ổn định khiến nhiều người trẻ mất động lực lao động. Nhiều người trẻ lo sợ thất bại và từ chối tham gia vào thị trường lao động nếu công việc không phù hợp với kỳ vọng. Ở Hàn Quốc, khái niệm về một “thế hệ từ bỏ 3 điều: hôn nhân, con cái và mua nhà” đã trở nên phổ biến, phản ánh tâm lý bi quan của thanh niên trước áp lực xã hội và kinh tế.

Tại Mỹ và châu Âu, giá nhà đất tăng cao khiến việc tự lập về tài chính trở thành thách thức lớn đối với người trẻ. Ở Nhật Bản, nhiều người trẻ kéo dài thời gian học tập để theo đuổi học vấn cao, nhưng điều này lại dẫn đến việc chậm trễ trong việc gia nhập thị trường lao động.

Ngoài ra, văn hóa gia đình cũng đóng vai trò quan trọng. Nhiều bậc cha mẹ Á Đông, vì yêu thương hoặc thương hại con, đã vô tình tiếp tay cho lối sống phụ thuộc. Sự gia tăng của tình trạng sống ký sinh không chỉ ảnh hưởng đến gia đình mà còn gây ra những hệ lụy lớn cho xã hội. Lực lượng lao động bị giảm sút, năng suất kinh tế trì trệ và sự bất bình đẳng trong xã hội ngày càng sâu sắc.

Nhằm giải quyết vấn đề này, nhiều quốc gia đã bắt đầu triển khai các chính sách hỗ trợ người trẻ tự lập. Tại Hàn Quốc, chính phủ công bố gói ngân sách trị giá 1.000 tỉ won vào năm 2023 nhằm khuyến khích thanh niên tham gia lao động, bao gồm việc hỗ trợ chi phí giáo dục và trợ cấp tiền thuê nhà.

Tại Đức, hệ thống “học việc kép” kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành tại doanh nghiệp đã trở thành mô hình hiệu quả, giúp thanh niên nhanh chóng tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Ở Đan Mạch, chính sách cắt giảm trợ cấp thất nghiệp dành cho người trẻ cũng được áp dụng nhằm thúc đẩy họ tự tìm kiếm việc làm.

Hiện tượng ký sinh đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vai trò của gia đình, giáo dục và xã hội trong việc thúc đẩy sự tự lập của thế hệ trẻ. Bài học ở đây không chỉ nằm ở việc trách móc các “kẻ ăn bám” mà còn ở việc xây dựng một môi trường kinh tế - xã hội bền vững, nơi người trẻ được trang bị đủ kỹ năng và động lực để trở thành những cá nhân độc lập và có trách nhiệm.

Thành Vinh (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI