Diễn đàn “Thương con - Sao cho đúng cách?”: Thương đúng con mình

11/01/2025 - 06:14

PNO - Nhiều cha mẹ thương con theo cái cách mà “ba mẹ người ta thương con người ta”. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến con cái không cảm nhận được tình thương của cha mẹ dành cho chúng.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Đừng chỉ thương con theo sách vở

Nhiều lần, trong hộp thư của tôi và cả sau mỗi sự kiện mà tôi làm khách mời, nhiều cha mẹ hỏi: “Anh Tú có thể giới thiệu giúp tôi vài cuốn sách cho con đọc không? Tôi lo quá. Lũ trẻ bây giờ lười đọc sách quá, suốt ngày xem TikTok, YouTube”. Tôi có hỏi lại: “Cuốn sách gần nhất anh chị đọc là cuốn nào?” thì hầu hết các ông bố, bà mẹ đều ngớ ra và thú nhận rằng công việc nhiều quá, còn lo chuyện nhà cửa, học hành của con thì lấy đâu ra thời gian đọc sách. Tôi mới cắc cớ trêu: “Không đọc sách, anh chị vẫn ổn mà. Tại sao các con anh chị cần phải đọc sách mới ổn?”.

Tôi là người viết sách, đương nhiên là tôi luôn muốn người đọc sách sẽ nhiều lên, ai cũng đọc sách, ai cũng mua sách để đọc. Nhưng tôi không muốn họ mua sách chỉ để có một tủ sách hoành tráng mà sách vẫn bọc màng ni lông năm này qua tháng khác. Tôi càng không muốn cha mẹ mua sách và thảy cho con, trừng phạt nếu con không đọc.

Phải, đọc sách rất tốt, nhưng bị ép đọc sách thì không tốt chút nào. Nhất là khi cha mẹ có đọc đâu, sao bắt con phải đọc chỉ vì người đời nói đọc sách là tốt cho trẻ con?

Chúng ta sai rồi, khi cố trở thành những ông bố, bà mẹ theo sách vở. Như khi nhiều cha mẹ vật vã chuyện con không chịu đọc sách, không biết làm việc nhà, thiếu kỹ năng này, kỹ năng nọ. Ta đang sống trong thời đại nào rồi mà vẫn muốn dạy con nhóm bếp bằng củi ướt và nấu cơm bằng bếp than tổ ong? Hay vì kho kỹ năng của cha mẹ chỉ có ngần đó thứ và ta muốn con phải học?

Nói như vậy không có nghĩa là tôi phản đối việc cần dạy con kỹ năng sinh tồn. Tôi chỉ muốn nói rằng: thế giới này đã khác rồi, đừng quá cứng nhắc khi yêu cầu con phải học những thứ chúng ít có cơ hội dùng tới.

Xã hội 4.0, xung quanh ta phủ sóng 5G, việc tận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin có thể giúp ta làm được nhiều thứ, giúp cuộc sống dễ dàng hơn.

Đơn cử như kỹ năng nhóm lửa từ củi ướt, công bằng mà nói, liệu bọn trẻ có thể sử dụng kỹ năng ấy bao nhiêu lần trong đời? Thương con cũng cần tỉnh táo. Đừng thương theo sách vở, theo cách thương của cha mẹ khác hay lặp lại cách ông bà, cha mẹ mình đã dạy mình. Năm 2025 rồi cha mẹ ạ! Thứ cha mẹ dạy chúng ta khi xưa đã là những năm 1970, 1980 của thiên niên kỷ trước.

Mỗi cha mẹ là một "thiết kế riêng" với con

Có một điều mà ít phụ huynh để ý: chỉ khi ta được thiết kế riêng cho con ta thì con mới đúng là con mình. Và khi đó, các con mới cảm được tình thương của cha mẹ. Nghĩa là: bạn hiểu con mình đến đâu thì hãy thương con đến đó, để mỗi điều bạn nói với con đều chạm được đến tim con.

Tôi có 3 đứa con và tôi cũng phải là 3 ông bố. Mỗi ông bố được thiết kế riêng cho từng đứa con. Tôi sợ chủ nghĩa cào bằng, sợ hơn nữa là 2 chữ “công bằng”. Cuộc đời này rất khó tìm kiếm công bằng tuyệt đối, có chăng chỉ có sự công bằng mà thôi.

Ngón tay còn có ngón ngắn ngón dài, con mình có đứa này đứa kia. Dù cùng cha, cùng mẹ, cùng cơm ăn, nước uống, cùng nền giáo dục giống nhau, nhưng chúng vẫn luôn khác nhau. Nên thương chúng cũng đừng cào bằng như nhau rồi cho rằng thế mới là công bằng - không thiên vị.

Có đứa trẻ bị cha mẹ la mắng thì khóc đấy rồi lại cười ngay. Có đứa trẻ cũng khóc đấy, cũng cười ngay, nhưng nó thương tổn sâu lắm. Cho nên đừng nói: “Ngày xưa cha mẹ bị ông bà đánh đòn nên bây giờ mới nên người”. Mỗi thời mỗi khác, mỗi đứa con mỗi khác.

Thương đúng là thứ tình thương “vừa khít” với con mình. Tình thương đó sao cho vừa vặn để con nhận ra cha mẹ rất hiểu mình, rất thương mình. Đừng cố gọt chân cho vừa giày mà đau con; cũng đừng bắt con đi giày rộng mà chậm bước đời con, có khi còn té vì đôi giày quá rộng. Thương ấy mới thật là thương.

Tôi có 2 đứa con đang học ở Phần Lan. Ngày chúng ở Việt Nam, vợ chồng tôi chưa từng dạy các con nấu cơm, làm đồ ăn. Nhưng giờ thì vợ chồng tôi chắc chắn rằng 2 đứa nó có thể nấu được nhiều món hơn cả ba lẫn mẹ cộng lại, chấp luôn cả bà ngoại và ông nội chúng. Đơn giản là chúng học những thứ đó trên YouTube, TikTok - nơi có hàng ngàn, hàng triệu clip dạy nấu ăn của cả người Việt lẫn người ngoại quốc với cách thức hấp dẫn và quan trọng là bọn trẻ thấy thú vị và muốn học. Ngoài ra, vốn tiếng Anh cũng giúp chúng có thể tìm kiếm những công thức nấu những món ngon, món lạ mà có khi cả đời cha mẹ chưa được nếm thử.

Hoàng Anh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI