Từng có những ba mẹ giàu cố giấu tình trạng tài chính của mình để con trẻ không ỷ lại. Tuy nhiên, cũng có phụ huynh công khai mức độ giàu có như một thành quả đáng tự hào từ quá trình nỗ lực để con nhìn vào mà phấn đấu. Câu chuyện của gia đình bà Chu Thị Hồng Hạnh (kinh doanh ngành kim hoàn, ngụ quận 4, TPHCM) là một minh chứng.
Con mãi không trưởng thành thì nhà mấy căn cũng thiếu
Bà Chu Thị Hồng Hạnh mở đầu buổi trò chuyện bằng lời khẳng định: “Tài sản là vật ngoài thân. Ba mẹ để kiến thức cho con và rèn sự cứng cáp, nghị lực, kỹ năng sống cho con mới là yêu thương đúng cách”.
Dù có kinh tế khấm khá, vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Đệ - Chu Thị Hồng Hạnh chưa bao giờ thuê người giúp việc. Từ nhỏ, cô con gái Nguyễn Thị Hồng Hạc đã được ba mẹ rèn thói quen tự phục vụ bản thân và cùng phụ việc nội trợ. Từ 5 tuổi, Hồng Hạc đã biết kho thịt. Lau nhà, lau bàn ghế thì mẹ một giẻ lớn, con một giẻ nhỏ. Từ cấp II, Hồng Hạc đã theo chân mẹ đi lựa đá quý ở Thái Lan, bắt đầu làm quen ngành kim hoàn mà ba mẹ đã gầy dựng mấy chục năm.
|
Nguyễn Thị Hồng Hạc nhận bằng tốt nghiệp loại xuất sắc tại Singapore - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Những ai từng đặt chân đến cơ ngơi như tòa lâu đài giữa quận 4, với hồ bơi rộng chiếm 1 tầng lầu của ông bà sẽ thấy có gì đó đối lập với sự cần cù, chịu khó của cô công chúa nhỏ. Nhiều bạn nhậu của ông Đệ vẫn nhắc món bít tết ngon tuyệt do Hồng Hạc tự tay chế biến phục vụ khách. “Đâu phải lúc nào ba mẹ cũng bên cạnh mình” - Hồng Hạc lễ phép, khiêm nhường, mộc mạc chia sẻ khi người viết đặt vấn đề về cái bẫy ngọt ngào của sự lười nhác, ỷ lại khi được sinh ra từ gia đình giàu có.
“Đâu phải lúc nào ba mẹ cũng bên cạnh mình”. Tư duy đó thể hiện rõ nhất trong hành trình du học của Hồng Hạc. Những nhà giàu thường hứa hẹn lo cho con cái du học, lo cho chỗ làm tốt. Con cái du học ở các quốc gia đắt đỏ có khi còn là món trang sức lấp lánh để ba mẹ hãnh diện với đời. Nhưng với gia đình Hồng Hạc lại khác.
Năm 2019, khi là sinh viên năm nhất Khoa Nga, Trường đại học Sư phạm TPHCM, với kết quả đoạt giải Nhất trong kỳ thi Olympic toàn quốc, Hồng Hạc sở hữu ngay cơ hội du học Nga, được đài thọ trọn gói và còn được nhận học bổng. Cô giáo phải thuyết phục ông bà cho con bước ra thế giới bằng khả năng và đôi chân của chính mình.
|
Bà Chu Thị Hồng Hạnh và con gái Nguyễn Thị Hồng Hạc luôn gần gũi, gắn kết, dù khoảng cách địa lý gần hay xa - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Giúp con mạnh mẽ chọn lối đi riêng
Bà Hồng Hạnh rươm rướm nước mắt khi hồi tưởng lại những tháng ngày con gái học tại Khoa Thiết kế trang sức của Trường đại học Liên bang Nga về Công nghệ, Thiết kế và Nghệ thuật A.N. Kosygin, phải một mình chống chọi với đại dịch COVID-19.
Thời gian đó, Hồng Hạc phải ở trong nhà suốt nhiều tháng, tự đặt thực phẩm qua mạng, tự nấu ăn, tự xoay xở mọi thứ nơi đất khách quê người giữa lúc cả thế giới đang âu lo vì dịch bệnh. Lúc này cô mới thầm cảm ơn sự rèn dạy kỹ lưỡng của ba mẹ đã giúp mình tự lập ngay từ khi còn nhỏ.
Cuối năm 2022, khi chỉ mới là sinh viên năm thứ hai và lại là người nước ngoài duy nhất tham dự hội nghị các nhà nghiên cứu trẻ về thiết kế và nghệ thuật trên toàn nước Nga, Hồng Hạc đã vinh dự được nhận giải nhì. Đề tài nghiên cứu của cô là Nghệ thuật trang sức của Việt Nam truyền thống và hiện đại cùng bộ thiết kế trang sức mang tên Vườn phương Đông.
Đại dịch lắng xuống chưa lâu thì chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, cả nhà đêm ngày như ngồi trên đống lửa. Bà Hồng Hạnh không ngủ được và sinh bệnh. Sau khi cân nhắc, cả nhà ủng hộ Hồng Hạc đăng ký thêm Trường đại học Coventry của Vương quốc Anh đặt ở Singapore và xin học tiếp chương trình ở trường đại học Nga qua mạng.
Vậy là cô gái nhỏ phải nỗ lực tối đa để có thể đáp ứng chương trình với chỉ tiêu gắt gao ở 2 nước Âu - Á. Cuối tháng 7/2024, Hồng Hạc đã về đích cả 2 trường với 2 tấm bằng xuất sắc.
|
Giải thưởng lớn về thiết kế trang sức Nhật Bản của Nguyễn Thị Hồng Hạc - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Sở hữu nhiều giải thưởng toàn quốc về thiết kế trang sức tại Nga và Singapore, cô gái Việt Nam được các công ty danh giá mời về làm việc với mức lương đáng mơ ước. Tuy nhiên, Hồng Hạc đã mạnh dạn khởi nghiệp tại nước bạn chỉ hơn 5 tháng sau ngày ra trường, qua việc thành lập 1 công ty và 1 cửa hàng riêng mang tên JURAVI để thử sức mình trong nghề và trong cuộc sống.
Chia sẻ thành quả tự lực lập thân lập nghiệp của con gái, bà Hồng Hạnh tươi cười kể: “Khi con học cấp III, vợ chồng tôi đã mở 1 tiệm bánh tại quận 4, dự định sau này sẽ cho con quản lý. Nhưng con đã đi quá xa so với hoạch định ấy và tiệm bánh đã lùi về quá khứ. Con đã quyết chọn lối đi riêng, không trông chờ vào tài sản hoặc cơ hội ba mẹ vạch sẵn. Đó mới chính là tài sản lớn nhất mà vợ chồng tôi tích cóp được chứ không phải là đứng tên bao nhiêu cái nhà, trong két sắt có bao nhiêu cây vàng…”.
Nói về bí quyết nuôi dạy con tự tin, tự lập, bà Hạnh nói mình chẳng có bí quyết gì cao xa. Cùng với việc rèn con phụ giúp công việc gia đình, tự phục vụ từ nhỏ cũng như khuyến khích con học hành, bà còn thường kể cho con nghe về xuất phát điểm của mình thời thơ ấu ở Hà Nội. Ngày đó, nhà bà rất nghèo, diện tích chỉ có 28m2 mà chứa 6 con người với 1… con heo (heo nuôi để bán, cho chị em bà mua tập vở mùa tựu trường).
Tất cả những gì giờ đây bà có được là nhờ cố công học tập, được nhận học bổng du học thời sinh viên và những nỗ lực không ngừng nghỉ trong cuộc sống. Bà Hạnh đúc kết: “Thời nay, tri thức, kỹ năng sống càng quan trọng, quyết định sự thành bại, sống còn”.
Tiếp lời vợ, ông Đệ tự hào: “Vợ chồng tôi mừng khi con hơn hẳn ba mẹ. Mình già rồi, không theo kịp lớp trẻ. Chưa có “kèo thua” nào… vui hơn “kèo thua” này”.
Nhà càng giàu, càng nhiều cạm bẫy Nhờ ba mẹ là hậu phương vững chắc, tiếp cho tôi động lực trong học tập và cuộc sống, tôi mới dần có được những thành quả như hôm nay. Tôi hạnh phúc khi đã không bỏ cuộc. Ba mẹ có “của ăn của để” thì con có cần phấn đấu không? Tôi từng nghe người khác hỏi câu này, nhưng chưa bao giờ tự đặt ra cho mình. Với tôi, được học, được làm việc, theo đuổi lĩnh vực mình đam mê không chỉ đem lại tiền bạc, địa vị mà đó còn là niềm hạnh phúc, là cách tự tạo động lực và niềm hứng khởi. Chứng kiến không ít bạn bè “con nhà có điều kiện” đã sống dựa dẫm, buồn tẻ, chán nản và dễ mắc cám dỗ, tôi hiểu một phần do các bạn không được rèn nội lực vượt khó, trách nhiệm, tình yêu thương và sự trân quý đồng tiền có được từ lao động chân chính. Tôi cho rằng, vai trò của ba mẹ đối với con là vô cùng quan trọng, không thể thay thế. Càng giàu càng phải gần gũi, lắng nghe con, rèn cho con tính tự lập, bản lĩnh. Tôi cảm ơn ba mẹ đã không quá nuông chiều (chỉ mạnh tay can thiệp trước nguy cơ mất an toàn) để tôi thích nghi nhanh; cho tôi tự tin, lạc quan và khát khao cống hiến sức trẻ làm đẹp cuộc đời. Doanh nhân Nguyễn Thị Hồng Hạc |
Tô Diệu Hiền