Diễn đàn “Thương con - Sao cho đúng cách?”: “Ký sinh” bất đắc dĩ

08/01/2025 - 12:26

PNO - Gần 60 năm cuộc đời, ông Dương Bửu - 53 tuổi, ngụ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - vẫn mang tiếng sống dựa dẫm vào mẹ, dù ông không hề muốn. Không chỉ riêng ông mà vợ và 3 đứa con của ông cũng cùng chung cảnh ngộ.

Đầu 2 thứ tóc vẫn phải xin tiền mẹ

Nghe có vẻ ngược đời khi trong trường hợp này, người mẹ lại chính là người muốn con mình sống “ký sinh”, trong khi người con luôn mong muốn được tự lập, tự chăm lo cho gia đình nhỏ.

Bà Võ Thị Lan - 76 tuổi, mẹ ông Bửu - có đến 6 người con. Các con của bà đều được bà dựng vợ gả chồng và ra riêng. Ông Bửu là con út nên dù đã có vợ con vẫn ở nhà thờ tổ, phụng dưỡng mẹ già và lo giỗ quải cho ông bà tổ tiên.

Người miền Tây có câu “giàu út ăn, khó út chịu”. Câu nói ấy như một định mệnh gắn chặt cuộc đời ông Bửu vào gia đình lớn. Từ ngày còn trẻ cho đến khi đầu 2 thứ tóc, ông luôn bị mẹ nhắc nhở về điều đó. Bà Lan cho rằng, mọi tài sản mà bà đang có - từ ruộng vườn, của cải đều sẽ thuộc về ông Bửu khi bà nhắm mắt xuôi tay. Nhưng khi bà còn sống, quyền quyết định nằm trong tay bà, con cái không thể can thiệp.

Bao nhiêu năm, ông Bửu chịu cảnh “làm thuê không lương” cho mẹ ruột mà không được tự chủ tài chính
Bao nhiêu năm, ông Bửu chịu cảnh “làm thuê không lương” cho mẹ ruột mà không được tự chủ tài chính

Vì vậy, suốt mấy chục năm qua, ông Bửu đã trở thành “người làm thuê” không lương cho chính mẹ mình. Ngày ngày, ông chăm chỉ làm việc trên 10 công ruộng và vườn chuối sau nhà. Toàn bộ tiền hoa lợi đều nộp cho bà Lan. Sau đó, bà sẽ cho lại vợ chồng ông một khoản rất nhỏ để chi tiêu lặt vặt. Từ những nhu cầu thiết yếu như gạo, muối, tiền điện, tiền nước, đến các khoản chi tiêu lớn hơn như học phí của các con, tiền mua sắm vật dụng trong nhà, vợ chồng ông đều phải chìa tay xin mẹ.

Ông Bửu than thở: “Là đàn ông, cảm giác không có quyền quyết định trong chính gia đình mình khiến tôi rất bức bối. Mẹ cho tiền học phí của mấy đứa nhỏ, nhưng tiền quà bánh lặt vặt của tụi nó thì tôi lo. Chẳng lẽ con xin vài ngàn mua cái bánh, cục kẹo, ba nó cũng phải xin tiền bà nội, nhưng không xin thì thú thiệt lâu dài tôi cũng không kham nổi. Chuyện này khiến vợ tôi cứ cằn nhằn tôi miết”.

Nói về quyết định của mình, bà Lan lý giải: “Tôi thấy nhiều người khi còn khỏe lại giao hết tài sản cho con, rồi khi về già chúng nó chẳng lo lắng, chăm sóc mà ngược lại còn xem ba mẹ như gánh nặng, đối xử tệ bạc. Tôi sợ rơi vào cảnh đó nên phải quản hết. Chừng nào tôi chết thì tụi nó muốn làm gì thì làm”.

Biết mẹ có những nỗi lo riêng, nhưng khi các con đã trưởng thành, ông Bửu càng chán cuộc sống phụ thuộc tài chính như vậy. Muốn đầu tư làm ăn cũng không dám, vì không có vốn. Nhiều lần, ông mở lời xin mẹ chia cho một ít đất để tự lập, tự lo cuộc sống. Thế nhưng mọi nỗ lực của ông đều vô vọng khi bà Lan khước từ thẳng thừng: “Chia làm gì cho mất công. Nữa tao chết thì vợ chồng mày hưởng chứ ai mà mày lo”.

Tình cảm rạn nứt, gia đình căng thẳng

Trước tình cảnh bế tắc, vợ chồng ông Bửu từng nung nấu ý định rời quê lên TPHCM hoặc Bình Dương làm ăn. Họ hy vọng tạo dựng được cuộc sống ổn định hơn. Nhưng rồi ông lại không dám quyết. Sống phụ thuộc lâu năm, ông trở nên rụt rè, mất tự tin trước những quyết định dù lớn, dù nhỏ. Thêm nữa, ông cũng không yên tâm khi để mẹ già ở lại một mình.

Đáng buồn hơn, những khó khăn trong gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến các con ông Bửu. Người con gái lớn chứng kiến cảnh gia đình mình “không giống ai”, bức bối vì chuyện bà nội chu cấp tiền nhỏ giọt, đã tự nguyện từ bỏ ước mơ đại học để đi làm kiếm tiền phụ giúp ba mẹ. Cô hy vọng khi có tiền, ba mẹ sẽ thoải mái hơn trong chi tiêu, các em sẽ có cơ hội được học hành đến nơi đến chốn.

Thế nhưng, số tiền ít ỏi cô kiếm được ở thành phố lớn chẳng thấm vào đâu so với chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Đến lượt người con thứ hai cũng bỏ học đi làm, gói ghém niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho đứa em út.

Cũng chính vì những khúc mắc về tiền bạc mà mối quan hệ giữa bà Lan và con dâu út ngày càng căng thẳng. Con dâu ấm ức vì mẹ chồng khư khư giữ chặt tài sản, trong khi bà Lan lại chẳng chịu nhún nhường, ai giận mặc ai. Sự bất đồng giữa 2 người phụ nữ khiến không khí gia đình trở nên ngột ngạt. Mẹ chồng - nàng dâu “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.

Người khổ sở nhất không ai khác chính là ông Bửu. Ông chỉ biết khuyên vợ nhẫn nhịn. Ngoài việc làm ruộng vườn cho mẹ, ông phải tranh thủ thời gian đi xịt thuốc, làm cỏ mướn cho hàng xóm để kiếm thêm thu nhập. Vợ ông Bửu thì đi làm cá mướn cho các vựa mắm, vựa khô trong huyện để kiếm đồng ra đồng vào.

Hôm tôi đến thăm nhà ông Bửu, cậu con trai út của ông đang cặm cụi viết bài. Cậu bé năm nay lên lớp Tám, đôi mắt sáng ngời khi nói về những ước mơ trong tương lai. Chợt nhớ đến 2 người chị của cậu đã phải dở dang việc học dù kinh tế gia đình không phải nghèo khó, tôi không khỏi chạnh lòng.

Không biết liệu có một khúc ngoặt, một biến cố nào đủ sức làm thay đổi suy nghĩ của bà Lan, để bà mở lòng trao cho con cháu cả điều kiện vật chất lẫn sự ủng hộ tinh thần, giúp họ tự tin nắm bắt cuộc sống của chính mình.

Nhã Chân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI