Diễn đàn “Thương con - Sao cho đúng cách?”: Khi cha mẹ quy tiên, con sống thế nào đây?

06/01/2025 - 08:01

PNO - Nhiều trường hợp cha mẹ dở khóc dở cười vì úm con quá kỹ, đến khi con hội nhập với đời thì thất bại toàn tập.

Đất nước ta trải qua mấy cuộc chiến tranh gian khổ, tiếp đến là một thời bao cấp đầy khó khăn nên thế hệ ông bà, cha mẹ ngày nay nói chung đều có tuổi thơ vất vả, thiếu thốn đủ bề. Phải chăng vì thế, khi kinh tế khấm khá lên, nhiều người có tâm lý dồn sức chăm lo cho con cháu có cuộc sống đủ đầy như muốn bù cho những thiệt thòi của thế hệ mình?

Công việc tư vấn tâm lý, tình yêu, hôn nhân, gia đình khiến tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều trường hợp cha mẹ dở khóc dở cười vì úm con quá kỹ, đến khi con hội nhập với đời thì thất bại toàn tập.

Không ai nấu cho ăn thì… nhịn

Anh Tuấn ở quận Ba Đình, Hà Nội - là chủ một quán phở nổi tiếng - có 2 con: 1 trai 1 gái, đang học phổ thông trung học. Các con anh không phải làm bất cứ việc gì trong nhà. Đi học về, mỗi đứa một phòng riêng trên tầng 2, chỉ có mỗi việc học và học. Cần thiết cái gì, chỉ gọi một tiếng là có người đem đến tận nơi. Cái cầu thang nhà anh cứ hết gia sư môn toán đi lên lại đến cô giáo tiếng Anh đi xuống, nhộn nhịp suốt ngày.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Bỗng một hôm, có người em của anh Tuấn là Việt kiều ở Mỹ về chơi. Anh Tuấn tâm sự với em là đời mình vất vả, không được học hành nhiều, nay chỉ có nguyện vọng tha thiết là cho thằng con lớn sang Mỹ ở nhờ nhà chú đi học. Người em vui vẻ nhận lời vì cũng có thằng con bằng tuổi, cháu sang thì 2 đứa có bạn đi học cùng nhau.

Không ngờ mới được nửa năm, người em gửi thư về: “Con của anh chị không hợp với gia đình em. Anh thông cảm chuyển cháu vào ở nội trú trong trường, vì nó không biết làm việc gì trong nhà cả - bên Mỹ người ta gọi là kỹ năng phục vụ bản thân. Suốt ngày cháu ở trong phòng, không biết nó học hay làm gì. Đến bữa phải gọi thì nó mới xuống ăn. Khi mọi người đi vắng nó nhịn hoặc mở tủ lạnh thấy cái gì sẽ ăn đại vài miếng cho qua bữa nên người gầy rộc. Thằng em được ba mẹ rèn từ nhỏ, phải tự phục vụ; nhưng từ khi anh họ sang, nó cũng bắt đầu lây tính ỷ lại. Vợ em phàn nàn vì cháu quá lười, khiến gia đình sinh ra lục đục. Giờ đành phải cho cháu đi ở chỗ khác thôi anh ạ”.

Anh Tuấn hỏi: “Sao chú không thuê người giúp việc? Bắt tụi nhỏ làm chi cho cực?”. Người em bảo: “Giúp việc bên này họ làm theo giờ, giá cao ngất ngưởng, mà cũng khó kiếm lắm”. Đến đây thì anh Tuấn lúng túng, không biết làm thế nào. Hóa ra, chúng ta ở một nước chưa phát triển mà chơi sang hơn cả bên Mỹ, nơi có thu nhập GDP tính theo đầu người cao hơn chúng ta cả chục lần.

Mẹ “làm osin”

Chị Hồng hơn 40 tuổi, góa chồng, ở vậy nuôi con. Không phải chị không tìm được người ưng mà vì chị nghĩ nếu đi bước nữa, phải gửi con cho ông bà nội nuôi, chị không an tâm. Chị chăm chút con gái từng li từng tí. Con lớn tướng, chị vẫn xúc từng muỗng cơm đưa vào miệng con mới ăn được nhiều. Khi con đi thi vào lớp Mười thì đến cổng trường mới biết quên không đem thẻ dự thi. Con gái chị - rất ung dung và dửng dưng - quát mẹ “có cái thẻ dự thi cũng quên”. Thế là chị cuống quýt bắt xe ôm về lấy thẻ cho con.

Đến khi con đi lấy chồng, thừa biết con không có khả năng nội trợ nên chị đành phải theo con để phục vụ vợ chồng nó. Đến lúc con gái sinh con đầu lòng, chị thức cả đêm chăm con, chăm cháu, vì con rể cũng không biết tí gì về chăm sóc vợ con. Đến lúc đón cháu về nhà, tuy các con thuê người giúp việc, nhưng osin quá vụng, thế là chúng lại khoán trắng cho bà ngoại. Bà đành ở lại thực hiện hết các công việc như một osin chăm trẻ. Chắc bà phải ở đó đến lúc cháu đi nhà trẻ hoặc vào lớp Một, may ra mới được “trả tự do”.

Một nhà khác có ông con trai năm nay đã 50 tuổi vẫn phải ngửa tay xin tiền cha mẹ mỗi khi vợ ốm, con đau hoặc mua xe máy, ti vi, tủ lạnh. Đến khi cháu đi học, ông bà lại thay nhau đưa đón. Ông gò lưng bọc từng quyển vở cho cháu, bà chợ búa cơm nước cho con. Lại cũng có những người già đầu, 40-50 tuổi vẫn chẳng lấy ai vì họ thích tự do, không muốn có trách nhiệm hay ràng buộc gì và vẫn phải “ký sinh” vào cha mẹ.

Nhìn rộng ra thế giới thì theo khảo sát của Viện Sức khỏe gia đình ở Hàn Quốc, năm 2021, trong hơn 14.000 người trưởng thành thì 30% nam và nữ trong độ tuổi 19-49 vẫn sống chung với cha mẹ cho tiện, khỏi phải thuê nhà và có người cơm nước, giặt giũ cho.

Thời đại 4.0, số người sống độc thân ngày càng tăng, tuổi thọ của con người cũng tăng. Nếu không biết cách tạo dựng cuộc sống tự lập cho con thì có lẽ càng ngày sẽ càng có nhiều bậc cha mẹ “diễm phúc” được nuôi con đến hết đời. Rồi đến khi cha mẹ quy tiên, không biết những người con ấy sẽ sống thế nào đây?

Trịnh Trung Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI