|
Tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến nhận giải thưởng Cựu sinh Úc “Phụ nữ trong vai trò lãnh đạo” - Ảnh do nhân vật cung cấp |
“Sáng thứ Hai em đi làm nhé” - vị giám đốc gật đầu sau khi kiểm tra năng lực kế toán lẫn ngoại ngữ của cô sinh viên mới ra trường Võ Thị Hoàng Yến. Nhưng buổi sáng thứ Hai ấy lại đến trong bẽ bàng, khi người trợ lý nhắn lại lời giám đốc: “Công ty có một số thay đổi. Em hãy về nhà chờ”. Ký ức những ngày đầu tìm việc làm đã ám ảnh Yến, quật ngã cô cùng với nỗi đau của một người khuyết tật chân từ thuở lên 2 tuổi.
Nhưng rồi vết thương ấy đã góp thêm cho cô hành trang vào đời để trở thành Võ Thị Hoàng Yến ngày nay. Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc phỏng vấn tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến (Trung tâm Khuyết tật và Phát triển - DRD) về những nỗ lực sống tự tin, tự lập và giá trị của việc nuôi dưỡng nghị lực sống.
Phóng viên: Không ít phụ huynh sợ con ỷ lại, dựa dẫm nên đã che giấu tình trạng tài chính sung túc của mình. Độ giàu có, thế lực của cha mẹ có tỉ lệ nghịch với khả năng “nắn” ra đứa con trưởng thành, tự lập không, thưa tiến sĩ?
Tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến: Điều kiện giàu nghèo, địa vị xã hội của cha mẹ không ảnh hưởng đến giáo dục con cái, cụ thể là việc đứa con có nên người hay không, mà quan trọng là cách cha mẹ gần gũi, chia sẻ và giáo dục con.
Vợ chồng người bạn của tôi ở Úc đã nói với con gái: “Ba mẹ sẽ cố gắng lo cho con đến khi con tốt nghiệp đại học. Sau đó, con phải tự lo cho cuộc đời mình, vì ba mẹ còn cuộc sống của ba mẹ nữa”. Và cháu gái ấy cũng hiểu.
* Việc phụ huynh thông báo cắt viện trợ có gây áp lực cho con, làm đứt gãy mối quan hệ, khiến con nghĩ rằng cha mẹ không còn yêu thương mình?
- Thông thường, “cắt viện trợ” nghĩa là đang giận và có tính đột ngột, như vậy có thể làm đứt gãy mối quan hệ. Sẽ tránh được điều này nếu cha mẹ chú ý đến việc giáo dục trẻ sự tự lập, lòng tự trọng và tính trách nhiệm từ nhỏ. Việc dành thời gian chuyện trò với con, trao đổi, giải thích, thậm chí tranh luận khi cần, là rất quan trọng. Điều này giúp trẻ nhận diện được sự yêu thương chứ không nhầm lẫn rằng cha mẹ cho tiền mới là yêu thương. Hãy giao việc cho trẻ để trẻ học tính kiên nhẫn và không ngại lao động. Nhiều người ngại làm việc bởi người khác cứ làm sẵn, nên khi phải làm thì thấy cái gì cũng cực, không kiên trì nổi.
* Cách giáo dục của cha mẹ chị có những nét riêng gì tạo nên sức bật cho con, nhất là với người con yếu thế về sức khỏe, đối mặt nhiều thử thách trong học tập, lập thân, lập nghiệp như tiến sĩ?
- Là con út, lại khuyết tật nên tôi được má thương nhất nhà. Nhưng má thương không có nghĩa là tôi không làm gì hết. Trong nhà tôi, ai cũng được phân công công việc. Tôi đi đứng khó khăn thì làm những việc không phải di chuyển như rửa chén, lặt rau, xếp đồ… Nhờ vậy, tôi không ngại làm việc và có được tính kiên trì, trách nhiệm.
May mắn thứ hai là má luôn tin tôi làm được. Sau này, tôi nhận được học bổng đi học ở Mỹ rồi ở Úc. Có nhiều khi tôi cũng mệt mỏi vì áp lực, nhưng niềm tin của má luôn giúp tôi vượt qua.
Tôi nghĩ mình có được như hôm nay là do cách nuôi dạy của má - thương yêu nhưng không cưng chiều và luôn công bằng với các con. Phụ huynh Á Đông thường tự gán ghép cho mình đức hy sinh, tình yêu thương con vô điều kiện; con làm gì cũng xót, con thiếu thốn chút cũng đau và luôn bảo bọc con. Sự bảo bọc tạo ra đứa con yếu đuối, thờ ơ, vô trách nhiệm và “ký sinh” là hệ quả tất yếu.
* Những điều gì người lớn nên làm để con được trưởng thành “đúng tuổi”, thưa tiến sĩ?
- Theo tôi, đây là một vài điều mấu chốt: cha mẹ luôn dành thời gian để gần gũi, trao đổi và dẫn dắt con. Hãy phân công việc phù hợp để con tập tính kiên trì, tính trách nhiệm và quý trọng công sức của mình cũng như của người khác. Hãy giúp con biết cảm thông và chia sẻ với người khác; đặc biệt là giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng, biết yêu thương và quý trọng bản thân.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Một số dấu ấn của tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến - Sáng lập và điều hành DRD, từ năm 2005. - Sáng lập và điều hành thư viện điện tử về lĩnh vực khuyết tật (năm 2008). - Sáng lập và điều hành chương trình học bổng Người bạn đồng hành cho sinh viên khuyết tật và trẻ khuyết tật nặng không thể đến trường (năm 2008). - Phó giám đốc Trung tâm Thực hành công tác xã hội, Khoa Xã hội học và Công tác xã hội, Trường đại học Mở TPHCM (từ năm 2006). - Giảng viên Trường đại học Mở TPHCM ngành phân tích hành vi ứng dụng và công tác xã hội với người khuyết tật. - Phó chủ tịch Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam 2017-2022. - Giải thưởng Kazuo Itoga Memorial của châu Á - Thái Bình Dương năm 2009. - Giải Ramon Magsaysay “Những anh hùng của niềm hy vọng” (năm 2018). - Giải thưởng Thành tựu Henry Viscardi 2019, Mỹ. - Là 1 trong 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019 (Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn). - Giải thưởng Cựu sinh Úc 2023: Phụ nữ trong vai trò lãnh đạo. |
Tô Diệu Hiền (thực hiện)