Diễn đàn “Thương con - Sao cho đúng cách?”: Chấp nhận sai lầm, thất bại của con để giúp con trưởng thành

23/01/2025 - 14:56

PNO - Con trưởng thành vẫn sống trong sự bảo bọc, phụ thuộc vào cha mẹ già. Hiện tượng này khiến chất lượng cuộc sống của cha mẹ suy giảm, xã hội bất ổn.

LTS: Sau gần 1 tháng, diễn đàn: “Thương con - Sao cho đúng cách?” đã nhận được nhiều bài viết trong và ngoài nước phản ánh nỗi lòng của người trong cuộc, kinh nghiệm quý báu của những bậc phụ huynh - dù gia cảnh nghèo hay giàu vẫn có cách nuôi dạy con hợp lý để con tự lập vào đời. Các ý kiến, giải pháp của chuyên gia tâm lý, giáo dục tham gia diễn đàn một lần nữa góp phần khẳng định tình trạng con cái sống “ký sinh” không chỉ là chuyện riêng của mỗi nhà, mà còn ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách của cả một thế hệ, mang đến nhiều bất ổn xã hội và tác động tiêu cực đến sự phát triển của đất nước.

Báo Phụ nữ TPHCM xin trân trọng cảm ơn những đóng góp quý báu của các chuyên gia và bạn đọc gần xa. Xin khép lại diễn đàn và hẹn gặp lại ở những diễn đàn khác trong thời gian sắp tới.

Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Mai - giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam - với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và phát triển nhiều chương trình như giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, giáo dục cha mẹ… đã gửi đến diễn đàn những góc nhìn sâu sắc về cách nuôi dạy con trưởng thành, tự lập.

Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Mai - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Mai - Ảnh do nhân vật cung cấp

Con "ký sinh" khiến chất lượng cuộc sống của cha mẹ suy giảm, xã hội bất ổn

Phóng viên: Con trưởng thành vẫn sống trong sự bảo bọc, phụ thuộc vào cha mẹ già. Thực trạng này chỉ xuất hiện ở xã hội Việt Nam hay còn có ở nhiều nơi, thưa bà?

Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Mai: Vấn đề này không chỉ tại Việt Nam mà còn diễn ra ở một số quốc gia trên thế giới. Ví dụ như tại Hàn Quốc, theo Cục Thống kê của nước này, hơn một nửa số người độc thân ở độ tuổi 30 còn sống chung với phụ huynh, hơn 60% người Hàn chưa kết hôn trong độ tuổi 20-44 đang phụ thuộc vào người thân.

Tại Mỹ, tính đến tháng 7/2020, có 52% thanh niên Mỹ từ 18-29 tuổi (tương đương 26,6 triệu người) đang sống với cha mẹ. Những cụm từ như “thế hệ chuột túi” (Kangaroo tribe) hay “thế hệ Boomerang” đã ra đời để chỉ những người đã trưởng thành nhưng vẫn sống trong sự bảo bọc, phụ thuộc tài chính vào cha mẹ.

Sự phụ thuộc này có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức. Có những gia đình con đã lớn, đã đến tuổi lao động nhưng không có việc làm, không có thu nhập và lệ thuộc tài chính hoàn toàn vào cha mẹ. Trường hợp khác, con có công việc nhưng vẫn không thể độc lập về tài chính và vẫn cần sự hỗ trợ phần nào từ cha mẹ. Tại nhiều gia đình, con cái đã kết hôn nhưng vẫn cần cha mẹ giúp về tiền bạc, chăm sóc cháu hoặc phụ làm việc nhà...

Với nhiều ông bà, cha mẹ, việc giúp đỡ con cháu trong cuộc sống có thể là niềm vui, là sự tự nguyện. Song khi việc cấp dưỡng, bảo bọc trở thành trách nhiệm, bắt buộc thì nó như một gánh nặng, làm giảm chất lượng cuộc sống của cha mẹ, làm phát sinh nhiều vấn đề trong mối quan hệ cha mẹ - con cái, đồng thời tạo nên những thách thức cho gia đình và xã hội.

* Nhiều cha mẹ cùng chung suy nghĩ: “Sinh con và lo cho con là trách nhiệm của người làm cha mẹ”. Quan niệm trên đúng hay sai?

- Khi sinh con, cha mẹ phải có nghĩa vụ và trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái cho đến khi con trưởng thành. Điều này đã được nêu cụ thể tại điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, cụ thể: “Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.

Nghĩa là nếu con đã trên 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và có khả năng lao động thì cha mẹ không có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng, chu cấp tiền cho con nữa. Sự bảo bọc của cha mẹ lúc này có nguy cơ cản trở sự phát triển lành mạnh của con.

* Theo bà, tình trạng con sống dựa dẫm cha mẹ, ngay cả khi đã trưởng thành, sẽ dẫn đến những hậu quả gì cho bản thân, gia đình và xã hội?

- Việc cá nhân đã trưởng thành nhưng vẫn chưa thể tự lập có thể để lại nhiều hậu quả cho chính cá nhân, gia đình và xã hội. Đối với người con, sự bị động, cảm giác yếu kém, thiếu năng lực và thất bại về bản thân có thể dẫn đến những vấn đề về tâm lý, ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội và cảm nhận hài lòng về cuộc sống.

Khi con trưởng thành cũng là lúc cha mẹ tuổi đã cao. Lúc này, họ cần được nghỉ ngơi. Việc tiếp tục phải cưu mang, cấp dưỡng cho con cái có thể tạo nên những áp lực, khó khăn cả về mặt thể chất, tinh thần và tài chính. Mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái cũng có thể trở nên căng thẳng, không khí gia đình nặng nề, thậm chí dẫn đến những tình huống đáng tiếc do không kiểm soát được hành vi.

Chưa dừng lại ở đó, những bất ổn của cá nhân và gia đình cũng dẫn đến những bất ổn của xã hội. Việc cá nhân sống lệ thuộc, không làm việc khi còn trẻ có thể tạo nên những gánh nặng cho xã hội khi phải đảm bảo an sinh lúc họ về già và không có lương hưu. Ngoài ra, những mâu thuẫn trong nội tại cá nhân và gia đình cũng có thể dẫn đến các vấn đề như bạo lực gia đình hay các tệ nạn xã hội.

Tự lập không có nghĩa là tự cô lập

* Phải chăng thực trạng con “ký sinh” bắt nguồn từ chính việc cha mẹ chưa biết yêu thương con đúng cách?

- Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân. Chúng ta luôn biết rằng, gia đình, cụ thể là cha mẹ, đóng vai trò rất quan trọng đối với việc phát huy tiềm năng, giá trị cốt lõi của con để con dần tự lập trong cuộc sống.

Tuy vậy, có nhiều cha mẹ nghĩ rằng, yêu thương con là phải đáp ứng mọi nhu cầu của con. Hoặc có những cha mẹ không tin tưởng để con được trải nghiệm, tự ra quyết định và chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Sự bảo bọc ấy khiến con mất đi ý thức về trách nhiệm bản thân, tự ti về khả năng, thui chột tiềm năng sẵn có.

Khi con đã lớn, nhiều cha mẹ tiếp tục can thiệp vào cuộc sống, áp đặt và ra quyết định thay con, muốn con phải răm rắp nghe lời. Như vậy, một mặt, những người con này không có cơ hội tự giải quyết vấn đề thuộc phạm vi và trách nhiệm của mình. Mặt khác, họ càng có xu hướng né tránh khó khăn vì sợ thất bại, chấp nhận việc tiếp tục bám víu vào cha mẹ dù ở độ tuổi phải sống độc lập.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến bối cảnh xã hội cũng tác động đến thực trạng này. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra: thế hệ hiện nay có những khác biệt so với cha mẹ của họ, khi sự chuyển tiếp từ học tập sang làm việc mất nhiều thời gian hơn, cạnh tranh trong công việc cao hơn, việc làm không ổn định, thu nhập thấp.

Những bất ổn về kinh tế và xã hội, áp lực tài chính và những thách thức mới trong cuộc sống cũng góp phần khiến những người trẻ khó tự lập và rồi phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của gia đình, dù bản thân họ không muốn thế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

* Tiến sĩ có lời khuyên gì cho các bậc cha mẹ để nuôi dạy ra những đứa con tự lập?

- Chúng ta vẫn thường nghe câu “hiểu và thương”. Như vậy, để thương đúng cần hiểu đúng. Một đứa trẻ, khi còn ấu thơ, rất cần sự chăm sóc, quan tâm sát sao từ cha mẹ. Sự lệ thuộc của trẻ vào cha mẹ theo thời gian sẽ giảm dần. Bên cạnh đó, những va vấp, thất bại của trẻ là cần thiết để trẻ học những bài học mới và rèn luyện thêm các kỹ năng. Vì vậy, cha mẹ cần có sự hiểu biết về các quy luật phát triển của con, nhận thức rõ vai trò của mình, tìm cách để giáo dục con đúng đắn.

Thứ nhất, cần hình thành cho con thói quen tự phục vụ bản thân từ nhỏ. Cha mẹ khích lệ, động viên khi con thử sức với những trải nghiệm mới. Cha mẹ cho phép con được thảo luận, tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn nên đồng hành, hỗ trợ, định hướng khi cần thiết để tránh những rủi ro nghiêm trọng.

Thứ hai, đừng đặt kỳ vọng quá cao và yêu cầu con quá khắt khe. Cha mẹ cần thảo luận với con mục tiêu phù hợp và hỗ trợ để trẻ thực hiện. Hãy chấp nhận những sai lầm, thất bại của con và coi đó là cơ hội để con học hỏi và trưởng thành.

Khi con trưởng thành, cha mẹ nên tránh can thiệp thái quá, áp đặt, quyết định những vấn đề của con lẫn gia đình nhỏ của con.

Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ cần giúp con xác định: tự lập không có nghĩa là con tự cô lập bản thân, tự mình giải quyết mọi việc. Cha mẹ vẫn cần hướng dẫn con kỹ năng tìm kiếm sự trợ giúp cũng như đón nhận sự hỗ trợ của mọi người một cách hiệu quả, phù hợp.

* Xin cảm ơn tiến sĩ.

Nhã Chân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI