Diễn đàn Tác động của mạng xã hội với văn chương: “Đó là một phần thế giới mà chúng tôi đang sống”

15/04/2022 - 14:20

PNO - "Đối với người viết trẻ, việc đề cập đến mạng xã hội, công nghệ… trong tác phẩm là hoàn toàn tự nhiên" - nhà văn trẻ Nguyễn Dương Quỳnh nói.

Trở lại với câu chuyện tác động của mạng xã hội với văn chương, Báo Phụ Nữ Online tiếp tục ghi nhận ý kiến chia sẻ của cây bút 9X Nguyễn Dương Quỳnh, về những mặt tích cực cũng như tiêu cực mà mạng xã hội mang lại cho văn chương.

Nhà văn Nguyễn Dương Quỳnh (sinh năm 1990) từng xuất bản các tác phẩm: Đỏ, Thị trấn của chúng ta, Thỏ rơi từ mặt trăng, Thiên cầu ma thuật… Mới đây nhất là tác phẩm được chọn vào chung khảo Giải thưởng Văn học Tuổi 20 lần VII: Ngủ ngon nhé, nàng thơ.

Nhà văn Nguyễn Dương Quỳnh đã có tác phẩm xuất bản từ năm 2012
Nhà văn trẻ Nguyễn Dương Quỳnh đã có tác phẩm xuất bản từ năm 2012

* Phóng viên: Là một cây bút 9X, bạn có thể chia sẻ mạng xã hội đã ảnh hưởng đến trang viết của bạn như thế nào?

- Nhà văn Nguyễn Dương Quỳnh: Trước nhất, phải nói rằng điều tích cực nhất mà mạng xã hội mang lại cho những người viết là khả năng tiếp cận độc giả một cách trực tiếp hơn. Người viết có thể để người đọc tiếp cận tác phẩm từ trước khi được in, ngay trong giai đoạn thai nghén và nhận được phản hồi trực tiếp. Điều đó sẽ giúp đong đếm phản ứng của người đọc với câu chuyện, tình tiết, cách diễn đạt để điều chỉnh sau này.

Hơn nữa có nhiều loại truyện không phải gu/không thích hợp cho các nhà xuất bản ở Việt Nam, thì con đường mạng xã hội là cách thích hợp nhất để những câu chuyện đó được ra mắt, không cần phải thông qua hệ thống xuất bản vốn không có nhiều cơ hội cho người viết trẻ.

Điểm tiêu cực thì cũng có nhiều, nhưng chủ yếu là do mạng xã hội là một nơi chốn rất… “drama”. Nếu người viết bị cuốn vào những drama, tranh cãi không cần thiết thì sẽ ảnh hưởng tới tâm trạng, đời sống cũng giống như thời gian viết lách.

* Vậy nếu nhìn nhận về tác phẩm của những người cầm bút thuộc thế hệ mình, bạn có thấy trong tác phẩm của 9X hiện nay đậm dấu ấn của cuộc sống công nghệ hiện đại?

- Tôi thật ra là một người viết khá khép kín và ít khi theo dõi các tác phẩm của các bạn cùng trang lứa, nhưng tôi đã thấy một số tác phẩm đề cập đến những mặt của đời sống hiện đại, như sự chi phối của công nghệ truyền thông quảng cáo đến cách nghĩ và giá trị quan của chúng ta. Những người viết trẻ thường có cái nhìn khá tỉnh táo về những mặt này, và theo tôi thấy đây là một sự tự giác cần có của những người hoạt động nghệ thuật trong một thế giới bị điều khiển bởi thuật toán, truyền thông, quảng cáo…

Hầu như bất cứ người ở thế hệ nào cũng sẽ ít nhiều vô thức để lại dấu ấn về thời đại mình đang sống trong tác phẩm. Vì vậy, đối với người viết trẻ, những đề cập đến mạng xã hội, công nghệ... là hoàn toàn tự nhiên trong tác phẩm. Đó là một phần thế giới mà chúng tôi đang sống, việc cầm điện thoại lên mạng, lướt Twitter, Facebook mỗi lúc mở mắt thức dậy cũng dễ dàng và tự nhiên như thế hệ trước cầm tờ báo đọc vào buổi sáng vậy.

Tác phẩm mới nhất của Nguyễn Dương Quỳnh được viết từ cảm hứng với tranh Monet
Tác phẩm mới nhất của Nguyễn Dương Quỳnh được viết từ cảm hứng về nghệ thuật và hội họa, đặc biệt là tranh Monet

* Nhiều loại hình nghệ thuật khác đã dùng mạng xã hội để quảng bá tác phẩm hiệu quả: YouTube, Facebook với các hình thức quảng cáo/livestream, TikTok..., nhưng với văn chương thì chưa nhiều. Theo bạn, tác phẩm văn học có phải là không dễ để quảng bá theo các hình thức này?

- Theo tôi biết nhiều người viết trẻ đã sử dụng nhiều trang mạng như YouTube, Facebook thậm chí các hình thức truyền thông, có cả seeding khá tích cực để quảng cáo tác phẩm của mình đó chứ. Livestream và TikTok thì chưa thấy, có lẽ vì hai loại hình này thích hợp hơn với những loại nghệ thuật trình diễn.

Có nhiều người chỉ trích những người viết trẻ này là chạy theo danh tiếng, nhưng tôi nghĩ đó là bước phát triển cần thiết trong thời đại công nghệ thông tin, và với điều kiện nhiều nhà xuất bản của chúng ta không có kinh phí/không tích cực quảng bá cho các nhà văn trẻ, thì việc các tác giả tự tìm cách quảng bá cho bản thân và tác phẩm là một việc đáng khích lệ.

Nhiều người viết làm việc hoặc có kinh nghiệm/quen biết những người trong giới truyền thông, nên đây là một xu hướng thật ra không hề ít ở những người viết trẻ, kể cả những người đã được xuất bản hay chỉ viết trên mạng.

Bên cạnh việc được các đơn vị xuất bản hỗ trợ truyền thông, các cây bút trẻ đã tích cực tận dụng mạng xã hội để phát huy tác phẩm
Bên cạnh việc được các đơn vị xuất bản hỗ trợ truyền thông, các cây bút trẻ đã tích cực tận dụng mạng xã hội để lan tỏa tác phẩm

* Vậy nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng nhà văn còn… thụ động trong việc quảng bá tác phẩm của mình?

- Ít nhất trong giới viết trẻ, tôi thấy hầu như ai cũng có một fanpage trên Facebook hay Instagram. Cũng có nhiều bạn đã quảng bá sách dưới dạng trailer trên YouTube, dựng khá công phu, nên nói người viết trẻ chưa tận dụng mạng xã hội là không đúng. Có một số cuốn thu được hiệu ứng truyền thông, tuy nhiên do thị trường hạn hẹp của tác giả trẻ Việt Nam nên nó chưa được lan truyền rộng như âm nhạc hay các hình thức nghệ thuật khác.

Bản thân tôi vẫn luôn cập nhập thông tin về các tác phẩm mình đã viết, đang viết hoặc sắp ra mắt qua Facebook. Còn các hình thức khác thì bản thân tôi cảm thấy không thích hợp, không có thời gian - kinh phí (trailer sách hoặc video giới thiệu), hoặc cơ bản là… lười. Chuyện tham gia tích cực vào truyền thông đương nhiên là rất tốt, nhưng đôi lúc tôi chỉ muốn chui vào chăn, nằm viết và sau đó lăn ra ngủ thôi.

Nhưng tóm lại, việc các nhà văn trẻ sử dụng mạng xã hội và công nghệ truyền thông để quảng bá là một việc rất hay gặp và tôi nghĩ là một hiện tượng tất yếu theo bước phát triển của xã hội đương đại.

* Cảm ơn Nguyễn Dương Quỳnh!

Nhà văn Tống Phước Bảo: “Chúng ta cần ứng biến, thích nghi và tận dụng mạng xã hội”

Tôi nghĩ văn chương hay người sáng tác cũng cần có một sự thay đổi phương cách tiếp cận để sự lan tỏa hữu hiệu hơn, nhất là thời đại mà công nghệ phát triển tích cực như hiện nay. Sự chủ động luôn cho mình cách lan tỏa nhanh, sâu, rộng.

Chuyện bán sách từ trang mạng cá nhân dễ dàng giúp người sáng tác nhận diện độc giả và giữ độc giả ấy theo suốt hành trình viết của mình. Chúng ta cũng cần ứng biến, thích nghi và tận dụng mạng xã hội để tác phẩm mình trực diện tiếp cận bạn đọc hơn là nằm trên kệ sách thụ động chờ độc giả đến chọn. Với rất nhiều trang mạng xã hội, kênh truyền thông đa phương tiện, văn chương rất nhiều đường tiếp cận và lan tỏa, tùy theo sự dấn thân của tác giả mà thôi.

Lục Diệp (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI