Diễn đàn "Người lạ trong nhà": Người hoàn hảo của thiên hạ

15/10/2015 - 06:44

PNO - Với vợ con - những người đã là của mình, chẳng thể “chạy” đi đâu, thì anh cần gì mà phải chăm chút.

Dien dan
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tôi và anh đều là dân tỉnh lên thành phố học hành, lập nghiệp. Khi yêu nhau, dù anh chẳng có ưu điểm gì nổi trội nhưng tôi rất thích, thậm chí có phần ngưỡng mộ sự tự nhiên và nồng nhiệt của anh trong các mối quan hệ.

Tôi là người khá khép kín còn anh lại rất quảng giao và có nhiều bạn bè. Hầu như ở tỉnh thành nào anh cũng có bạn. Điều đó làm tôi bị thu hút. Tôi đi bên cạnh anh, lắng nghe những câu chuyện của anh và bạn bè anh một cách say mê.

Sau khi cưới nhau, anh vẫn luôn vui vẻ và nồng nhiệt như thế với bạn bè, đồng nghiệp, dù là người quen thân hay chỉ xã giao sơ sơ. Dĩ nhiên điều này không khiến tôi phiền lòng, nhưng giá như anh cũng quan tâm đến gia đình và giữ hình ảnh trước vợ con chỉ bằng một phần như đối với người ngoài cũng đã khiến tôi vui lòng.

Đằng này, ra đường anh chỉn chu, gọn gàng, sạch sẽ bao nhiêu thì về nhà anh bừa bãi bấy nhiêu. Buổi sáng anh dậy trước khi đi làm cả giờ đồng hồ chỉ để tắm rửa, chải chuốt và quyết định mặc đồ gì, mang giày nào, có hôm phải thay ra thay vào đến lần thứ ba mới hài lòng.

Thế nhưng, buổi chiều về đến nhà là anh than mệt, ngồi ngay sô-pha cởi sơ mi, áo thun rồi vứt luôn tại chỗ. Vớ thì nhét chỗ này một đôi, chỗ kia một chiếc, nếu vợ không gom giặt thì… anh đi mua đôi mới. Thậm chí có hôm anh còn chẳng buồn tắm. Vợ nhắc nhở, anh thản nhiên bảo: “Lúc sáng tắm rồi mà!”.

Hai đứa con ra đời, anh giao phó hết cho vợ, nhưng hễ bạn gọi là anh đi. Anh không nhậu nhẹt bê tha nhưng đi làm hết cả tuần, đến cuối tuần cũng biền biệt từ sáng đến chiều, thậm chí có khi đến tối.

Mà anh lại có quá nhiều hội bạn: bạn học cấp I, bạn học cấp II, bạn học cấp III, bạn đại học văn bằng 1, bạn đại học văn bằng 2, bạn lớp học võ buổi tối, đồng nghiệp cũ… mà nhóm nào gọi anh cũng có đủ thứ lý do để không thể chối từ.

Còn nhớ khi đứa con đầu lòng bị bệnh lúc năm tháng tuổi, gia đình neo người, chỉ có mình tôi ở nhà chăm con. Mỗi lần sốt cao, bé thường bị giật mình hoảng hốt và quấy khóc. Bé chỉ cảm thấy an toàn khi được nằm sấp trên ngực mẹ hoặc được mẹ ôm vào lòng.

Tôi cứ phải ngồi ôm con, không thể đặt bé xuống để làm việc gì cả, từ sáng đến chiều tối. Nhà thì xa chợ, chẳng có gì ăn nên tôi đói lả. Anh biết con bệnh, biết vợ mệt nhưng khi tôi gọi nhờ anh trên đường về ghé mua gì về cho vợ, anh thản nhiên bảo anh đang ngồi chơi với mấy người bạn, lát nữa mới về.

Nghe xong tôi chỉ muốn khóc. "Lát nữa" của anh nghĩa là từ 6g chiều đến 11g khuya. Tôi cằn nhằn, anh bảo: Bạn anh nói, trẻ con đứa nào mà chả sốt, có gì phải xoắn như vậy.

Quả thật, trẻ con đứa nào mà chẳng sốt, nhưng có lẽ anh không biết con mình có tật hay giật mình khi sốt. Anh lại càng không biết lúc trẻ sốt cao thì sẽ nguy hiểm đến thế nào. Chính những câu nói vô tâm của anh làm tôi ngày càng ít muốn trò chuyện với anh. Tôi luôn có cảm giác anh xem tôi, các con và nhà mình như quán trọ.

Tuy nhiên, khi tâm sự với một người khá thân thiết với gia đình, họ đã cho tôi một góc nhìn khác: rằng anh xem tôi và gia đình như một góc kín của bản thân. Ở đó, anh được sống thật với mình, được mặc sức bừa bộn, mặc sức thể hiện những hình ảnh xấu xí, thậm chí sự ích kỷ của bản thân.

Ở đó, anh không cần phải giữ hình ảnh, không cần tỏ ra là một người lịch thiệp, duyên dáng, đẹp đẽ… Có thể ở một khía cạnh nào đó, anh không tự tin vào mình nên tìm cách che đậy, thậm chí anh còn diễn rất tài. Thường ngày anh hầu như không trò chuyện, càng không bao giờ ôm ấp vợ con.

Những câu cửa miệng của anh khi xuất hiện trước cửa nhà mình là: Ui chao mệt quá, nóng quá, kẹt xe, công việc nhiều… toàn những lời than thở. Nhưng khi có người ngoài, thậm chí là bố mẹ anh đến chơi, về đến nhà là anh tỏ ra vui vẻ không ngờ, quan tâm đến tất cả mọi người. Anh ôm con hỏi hôm nay đi học có gì vui không con? Vợ ơi, hôm nay em nấu món gì? Em ăn gì chưa…

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI