Gia đình nhỏ của tôi vốn êm ấm, hai đứa con xinh xắn đủ nếp đủ tẻ và ông chồng hiền lành, chăm chỉ, thương vợ con vô đối. Nhưng, bỗng một ngày, chồng tôi nổi cơn thịnh nộ cho rằng tôi ngoại tình. Tôi sốc vì lần đầu tiên sau sáu năm chung sống tôi thấy chồng giận dữ đến vậy. Tôi đã nghĩ chồng xỉn và sáng mai mọi việc lại bình thường.
Thế nhưng, hôm sau chồng không thèm nói chuyện với tôi, xem như tôi không tồn tại. Chồng tuyên bố: "Từ giờ tôi chỉ sống vì hai đứa nhỏ, có chết tôi cũng không tha thứ cho cô".
Anh kết tội tôi đưa nhân tình về nhà và đưa ra bằng chứng là tàn thuốc lá rơi vãi ngoài ban công (thật ra là của lầu trên rớt xuống). Tôi giải thích, phân tích để chồng thấy tôi không có dấu hiệu nào bất minh.
Nhưng tôi càng nói thì chồng càng nghi và chốt "em có tật nên mới thanh minh". Sau đó, chồng cài định vị điện thoại tôi (nhưng lúc đó tôi không biết) và bỏ cả việc để theo dõi tôi.
|
Ảnh minh họa |
Một lần tôi đi làm sớm để dự ngày hội của thanh niên ở trung tâm Q.1, TP.HCM. Tôi đến nơi, gửi xe xong quay ra thì thấy chồng ngồi bên kia đường trong bộ đồ ngủ chưa kịp thay. Mọi ngày tôi vừa đi làm về anh đều ngửi đầu tóc xem có mùi thuốc lá, hay mùi lạ nào không và kiểm tra điện thoại của tôi.
Những ngày đó đời tôi chìm trong nước mắt. Tôi dặn các cháu tôi không được cho ba má và các anh chị tôi hay. Các cháu tôi an ủi tôi, không một tiếng chỉ trích chồng tôi hay can thiệp, xen vào chuyện của tôi, nhưng tôi biết chúng rất lo lắng.
Cháu gái đi làm về bao giờ cũng mang theo món tôi thích - dù tôi không nuốt nổi, và lặng lẽ ngồi bên mỗi khi tôi khóc. Cháu trai bỏ tụ tập bạn bè, ở nhà chơi với con tôi. Nhưng tôi biết cháu ở nhà vì sợ vợ chồng tôi đánh nhau, phải có mặt để can ngăn.
Tôi cứ nín lặng chịu đựng cơn ghen điên loạn của chồng. Mỗi tối khi đi ngủ, anh điều tra tôi: “Em ngoại tình bao lâu rồi? Đi những khách sạn nào? Dẫn nhân tình về nhà bao nhiêu lần?...”. Tôi ngơ ngác, đau đớn, tổn thương. Căn nhà ngập trong không khí nặng nề.
Tôi thoáng nghĩ đến ly hôn. Khi đó, người chị họ mà tôi thân như chị ruột xuất hiện. Chị lắng nghe tôi kể, tôi tưởng chị cũng chửi chồng tôi "hồ đồ, điên", hoặc phán "chồng mày ngoại tình nên gắp lửa bỏ tay người", nhưng chị nhẹ nhàng:
"Thằng Q. rất hiền, trước tới giờ luôn hết lòng lo cho ba mẹ con em. Giờ tự dưng nó vậy thì có thể nó bị vấn đề gì về sức khỏe. Em đưa chồng đi khám bệnh coi sao. Đừng quyết gì vội. Cứ làm hết sức để giữ hạnh phúc gia đình, khi nào không giữ nổi nữa thì tính tiếp".
Từ gợi ý của chị, tôi và cô bạn thân đưa chồng đến bác sĩ tâm thần. Nghe tôi kể và qua trò chuyện với chồng tôi, bác sĩ kết luận chồng tôi bị hoang tưởng ghen tuông. Bác sĩ cho thuốc uống, dặn tôi phải cẩn thận, vì trong cơn ghen hoang tưởng, chồng có thể làm hại tôi.
Ba ngày sau, chồng tôi bỏ thuốc và tố tôi "đầu độc" anh. Anh cho rằng tôi mua chuộc bác sĩ để giết anh, rồi tự do đến với nhân tình. Tôi chết điếng, càng nghĩ nhiều đến giải pháp ly hôn.
Khi nghe ý định này, chị họ tôi gọi điện báo cho gia đình lớn của tôi hay. Hai chị gái tôi bắt xe lên Sài Gòn ngay. Hai chị an ủi, vỗ về tôi xong rồi nói chuyện với chồng tôi.
Sau ba tiếng đồng hồ trò chuyện, hai chị tôi lắc đầu: "Chồng cưng nặng quá rồi, nói không thủng. Nó khẳng định cưng ngoại tình và không bao giờ tha thứ".
Rồi các chị khuyên: "Chị hiểu cưng đang đau khổ, đang chịu oan uất. Nhưng thằng Q. rất tử tế, cưng chiều vợ con. Người bệnh nói thì đừng có chấp, ráng nhịn, kiên nhẫn với nó đi, nước chảy đá còn mòn mà".
Lời của chị giúp tôi bình tâm hơn. Những lời đay nghiến, cáo buộc của chồng không làm tôi đau khổ, tổn thương như trước. Sợ tôi một mình không vượt qua được, cuối tuần nào chị họ cũng kéo tôi qua nhà chị, hoặc gia đình chị qua nhà tôi chơi, tổ chức nấu ăn, chuyện trò. Còn anh rể thì rủ chồng tôi đi cà phê, nói chuyện cho nguôi ngoai.
Vài tuần, gia đình chị lại tha vợ chồng tôi đi du lịch Vũng Tàu, Long Hải, Đà Lạt hay đi câu cá, câu tôm theo sở thích của chồng tôi. Những chuyến đi với sự yêu thương, bao bọc của đại gia đình làm tôi thấy rất ấm áp.
Trong những chuyến đi này, các anh chị tìm cách chuyện trò riêng với chồng tôi. Nhờ có chỗ tựa nương về tinh thần, tôi đã đỡ khổ đau. Tôi mang ơn đại gia đình, mọi người vẫn nhìn điều tốt đẹp của chồng tôi suốt sáu năm qua, để khi xảy ra chuyện, đối xử với anh bằng sự cảm thông. Điều này cũng giúp chồng tôi đỡ căng thẳng.
Sự thấu cảm của đại gia đình giúp tôi ngộ ra: "Tôi trong sạch thì đừng bận tâm cáo buộc của chồng và hãy để thời gian trả lời". Chồng tôi không còn thấy tôi ở thế phản kháng nên cơn ghen cũng dịu.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Đến năm thứ ba sau biến cố đó, gia đình tôi dần quay về quỹ đạo bình thường - điều mà tôi chưa từng dám mơ. Anh vui vẻ và ân cần với tôi như trước.
Hiện nay đang dịch, đại gia đình tôi chỉ gặp nhau trên nhóm chat và mọi người cứ chuyền nhau những tấm ảnh của đại gia đình trong những chuyến đi. Tôi thầm cảm ơn họ. Nếu không có sự yêu thương, bao bọc, nâng đỡ của gia đình lớn, thì tôi không đủ sức vượt qua giông bão.
Nhấn mạnh đến vai trò của đại gia đình đối với các gia đình hạt nhân, là nội dung cần bổ sung vào dự thảo tiêu chí gia đình hạnh phúc.
Gia Ngọc
Dưới mái nhà của bạn, hạnh phúc được xây bằng gì?
Hãy chia sẻ quan điểm, ý kiến, câu chuyện của bạn cùng Phụ Nữ Online, gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn theo quy định.
Mời góp ý cho dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc của TPHCM
1. Tiêu chí về ứng xử trong gia đình
- Các thành viên trong gia đình thực hiện nguyên tắc: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ - Gương mẫu.
- Các mối quan hệ ứng xử trong gia đình được đảm bảo:
+ Ứng xử vợ chồng: Nghĩa tình, yêu thương;
+ Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương;
+ Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép;
+ Ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.
2. Tiêu chí về điều kiện vật chất
- Các thành viên trong gia đình có việc làm.
- Gia đình có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống.
- Có nơi ở/nhà ở đủ đáp ứng nhu cầu; Có các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.
3. Tiêu chí về điều kiện tinh thần
- Các thành viên trong gia đình thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng giữa các thành viên.
- Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng;
- Gia đình được sum vầy, đoàn tụ;
- Các thành viên trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau;
- Có điều kiện để tham gia các không gian công cộng dành cho việc vui chơi giải trí;
- Quan hệ họ hàng, nội ngoại tốt; quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt; quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tốt.
4. Tiêu chí về giáo dục
- Các thành viên trong độ tuổi đi học được đến trường.
- Gia đình luôn đề cao việc học hành, nâng cao hiểu biết bản thân.
5. Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe
- Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe.
- Được khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi bệnh.
- Mỗi cặp vợ chồng có đủ hai con.
- Các thành viên tham gia rèn luyện thể dục, thể thao.
- Trẻ vị thành niên, thanh niên, công nhân, cặp đôi tiền hôn nhân tiếp cận thông tin, trang bị kiến thức về tiền hôn nhân, giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới trong gia đình.
|