Chà Mi (1994) là một trong những người mẫu Việt hiếm hoi trụ được ở thị trường thời trang quốc tế. Hiện, cô sống và làm việc tại Anh. Chà Mi từng diễn cho rất nhiều nhà mốt lớn ở Anh, Pháp, xuất hiện trong nhiều chiến dịch quảng cáo của các thương hiệu nơi đây.
Đầu tháng 12/2020, Chà Mi kết hôn, khi mới 26 tuổi, khá trẻ so với những người hoạt động trong ngành giải trí, thời trang. Chồng chị là Ray, người gốc Hồng Kông, sinh ra và lớn lên tại Anh, hiện làm công việc văn phòng. Họ có 3 năm yêu, tìm hiểu trước khi tiến đến hôn nhân.
Đám cưới của họ diễn ra gọn, nhẹ vì dịch COVID-19. Cả hai tự chuẩn bị hoa, trang trí. Chỉ có cha mẹ chú rể có mặt. Mi nói không buồn, ngược lại thấy ý nghĩa vì hôn lễ này do họ quyết định.
|
Chà Mi cùng chồng và cha mẹ chồng trong hôn lễ |
Video đám cưới đơn giản của Chà Mi tại Anh:
Chị tâm sự: “Hai vợ chồng cùng quan điểm nên dễ lắm. Chị gái tôi còn bảo tôi hâm, lẽ ra phải có người trang điểm cho đẹp chứ. Nhưng tôi nghĩ đám cưới không quan trọng bằng việc sau này sống với nhau như thế nào. Đám cưới to, hình đẹp cũng là vẻ ngoài. Hôn nhân, hạnh phúc không phụ thuộc điều đó quá nhiều. Việc tự tay làm hết mọi thứ khiến chúng tôi cảm thấy trân trọng hơn mỗi khi nghĩ tới, chứ không phải là sự mệt mỏi, stress lo nghĩ xem nên mời ai, chi trả bao nhiêu. Cuộc đời, ngày vui của chúng ta, vậy vì sao phải nghe lời người này, người kia để rồi làm mọi thứ không theo ý mình”.
Chà Mi nói quyết định kết hôn khi đã chơi đủ, trải nghiệm đủ cho tuổi trẻ. Sau khi lập gia đình, chị vẫn tiếp tục công việc, được làm mọi điều bản thân thích nên không có gì để lo lắng.
Thuộc thế hệ 9X, tiếp xúc văn hoá tây phương, lại từng trải qua những áp lực về kinh tế khi xây dựng sự nghiệp nơi xứ người nên quan điểm về hạnh phúc của Chà Mi cũng tương đối thực tế.
Chị nói: “Tôi thấy kinh tế đóng vai trò quan trọng trong hạnh phúc gia đình. Nhưng tôi không cần giàu có, đủ sống thôi. Chồng tôi cũng nghĩ vậy. Từng có lúc suy nghĩ hai bên khác nhau. Có lúc, tôi nói kinh tế quan trọng còn chồng nói tình cảm quan trọng. Tôi đưa ra dẫn chứng, anh ấy bị thuyết phục. Tôi và chồng đều có tuổi thơ, quãng thời gian trưởng thành đầy khó khăn nên rất quý trọng đồng tiền làm ra. Vì thế, cả hai thống nhất không chi tiêu những thứ vượt quá ngoài tầm kiểm soát, cũng không có nhu cầu "thể hiện".
|
Không gian tiệc đều do vợ chồng Chà Mi tự chuẩn bị |
|
Váy cưới của Chà Mi do một người bạn ở Việt Nam may gửi sang |
Chồng Chà Mi có thiên hướng xem trọng niềm vui trong hôn nhân hơn. Chà Mi cũng đồng ý, nhưng yêu cầu hai phải giúp nhau cân bằng. Chà Mi nói chị không muốn sau này khi có con phải áp lực về kinh tế. Khi có tài chính ổn, việc nuôi con cũng dễ dàng hơn. Chị nhấn mạnh, có thể ông xã sẽ phải chịu thiệt hơn một chút.
Chà Mi vẫn nhớ như in một câu từng được nghe chị gái nói: “Như thế nào là đủ? Chỉ cần bản thân bằng lòng là được. Cũng đừng so sánh hơn thua cuộc đời mình với người khác vì khi đó ta chỉ toàn thấy cuộc sống của mình bất hạnh”. Cách đây khoảng 4 năm, chị hay buồn phiền chuyện tiền bạc, kinh tế. Câu nói này đã thay đổi suy nghĩ của Chà Mi, giúp chị sống vui vẻ, hạnh phúc hơn. Nay, điều đó lại được áp dụng vào hôn nhân.
Chồng cũng là người châu Á nên Chà Mi cũng không quá khó khăn để thích nghi về văn hoá. Từ lúc yêu, chị đã dạy chồng ăn đồ Việt, trừ nội tạng, mắm tôm. Hiện tại, họ thường ăn đồ Việt hơn. Nữ người mẫu vui vẻ cho biết cha mẹ chồng cũng thích đồ ăn Việt Nam.
Sau khi kết hôn, Chà Mi thấy cuộc sống không thay đổi nhiều. Do dịch nên chị ở nhà nhiều, vì thế có nhiều thời gian nấu nướng, nâng cao tay nghề làm bếp.
“Tuy nhiên, việc nhà chúng tôi chia đôi. Tôi cũng không cố tỏ ra là nàng dâu đảm (cười). Mọi thứ đều rất công bằng không có ai ngồi chơi không cả. Tôi nghĩ phụ nữ không nên tỏ ra quá đảm đang, sẽ khiến chồng lười biếng, ỷ lại. Ông xã rất bận nhưng tôi vẫn yêu cầu dọn nhà, giặt quần áo, rửa bát, còn tôi sẽ nấu cơm. Những dịp gặp nhau, tôi nấu ăn thì bố mẹ chồng sẽ rửa bát, dọn dẹp và ngược lại. Vì thế, tôi thấy cuộc sống khá thoải mái, không bị sốc khi có điều gì thay đổi quá lớn”.
|
Chị cũng quan niệm trong việc nhà vợ chồng cần san sẻ với nhau |
Yêu nhau hay bước vào hôn nhân, cãi vã là điều khó tránh. Chà Mi cho biết cả hai đều chọn cách ngồi lại chia sẻ để giải quyết vấn đề thẳng thắn. Có một điều khác biệt, nếu như lúc trước có thời gian rảnh, chị sẽ ra ngoài gặp bạn bè thì nay thời gian chủ yếu dành cho gia đình. Thể hiện trách nhiệm với đối phương theo chị cũng là cách giữ gìn hạnh phúc.
Nhưng ở đây không có bạn bè nhiều, có khi hẹn một tuần hoặc nửa tháng mới gặp được nên đôi lúc chị cũng thấy hơi cô đơn.
Sống ở trời tây nhưng họ đều giữ nếp sinh hoạt của người châu Á, đồng thời tiếp nhận hết văn hoá sở tại. Chà Mi nói, tết ở quê vẫn vui hơn nhiều.
|
Chà Mi cho biết hiện tại do dịch nên công việc không tốt như trước. Nhưng chị cố giữ tinh thần lạc quan để chờ ngày trở lại sàn diễn. |
Trung Sơn
Dưới mái nhà của bạn, hạnh phúc được xây bằng gì?
Hãy chia sẻ quan điểm, ý kiến, câu chuyện của bạn cùng Phụ Nữ Online, gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn theo quy định.
Mời góp ý cho dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc của TPHCM
1. Tiêu chí về ứng xử trong gia đình
- Các thành viên trong gia đình thực hiện nguyên tắc: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ - Gương mẫu.
- Các mối quan hệ ứng xử trong gia đình được đảm bảo:
+ Ứng xử vợ chồng: Nghĩa tình, yêu thương;
+ Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương;
+ Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép;
+ Ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.
2. Tiêu chí về điều kiện vật chất
- Các thành viên trong gia đình có việc làm.
- Gia đình có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống.
- Có nơi ở/nhà ở đủ đáp ứng nhu cầu; Có các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.
3. Tiêu chí về điều kiện tinh thần
- Các thành viên trong gia đình thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng giữa các thành viên.
- Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng;
- Gia đình được sum vầy, đoàn tụ;
- Các thành viên trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau;
- Có điều kiện để tham gia các không gian công cộng dành cho việc vui chơi giải trí;
- Quan hệ họ hàng, nội ngoại tốt; quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt; quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tốt.
4. Tiêu chí về giáo dục
- Các thành viên trong độ tuổi đi học được đến trường.
- Gia đình luôn đề cao việc học hành, nâng cao hiểu biết bản thân.
5. Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe
- Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe.
- Được khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi bệnh.
- Mỗi cặp vợ chồng có đủ hai con.
- Các thành viên tham gia rèn luyện thể dục, thể thao.
- Trẻ vị thành niên, thanh niên, công nhân, cặp đôi tiền hôn nhân tiếp cận thông tin, trang bị kiến thức về tiền hôn nhân, giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới trong gia đình.
|