Diễn đàn Hạnh phúc gia đình xây bằng gì?: Nghĩ thoáng thì sống nhẹ

16/06/2021 - 11:21

PNO - Ngày trước, tôi hay tự nhủ: “Dẫu chúng tôi có vui và hạnh phúc đến đâu chăng nữa thì hôn nhân của chúng tôi cũng đã thất bại nặng nề”. Vì sao ư? Vì vợ chồng tôi không thể có con.

Luôn thường trực trong tôi cảm giác ghen tị, đố kỵ với những người phụ nữ được mang bầu, sinh nở và có con. Và tôi phẫn nộ, uất ức khi bắt gặp những bà mẹ không đáng để có được chức danh bình thường mà hết mực sang cả này.

Tôi có những hôm lang thang một mình, xuống cảng chẳng hạn, ra phố chẳng hạn, đập vào mắt tôi, cảnh mấy người phụ nữ xúm lại đánh bài trong khi các con của họ quần áo nhếch nhác, mặt mũi thì lem luốc ngồi chầu rìa chờ xin tiền ăn quà vặt.

Gần như đứa nào cũng bị mẹ la, sau khi được ném cho mấy đồng bạc lẻ. Đại khái thì: “Đồ quỷ nà. Chơi mấy ván mà cũng không yên với lũ bay. Biến cho mau…” Hoặc đứa nhỏ làm té em và bị mẹ đánh rất dữ ngay giữa đường, hoặc thằng nhóc suýt bị sóng đánh nếu không có người giúp, chỉ vì mẹ nó còn trên bãi và đang say sưa tám chuyện với mấy cô bạn.  

Tôi đã đặt mình vào các vị trí đó, nếu tôi có được những đứa con như họ. Rồi các câu hỏi như thế này nhú lên và dằn xóc: Họ như vậy mà vẫn có thể, còn mình tại sao không?

Hết thảy cùng ập vào một lúc khiến tôi như ngộp thở. Và, trời ạ! Cả cái đầu tôi nóng hừng hực cứ như đang có những cơn bốc hỏa. Tôi ghét họ, tất nhiên. Và tôi ghét tôi… Tôi ghét một tôi quắt quay đau đớn… Tôi ghét một tôi khi thấy mình nhỏ nhen…

Tôi quay lưng lại và cố ghìm những cảm xúc tiêu cực đang hành hạ mình. Suốt những năm tháng đó, tôi biết mình khó thể vượt qua nếu không tìm được sự thấu cảm từ hai người cật ruột trong gia đình. Đó là ông bạn đời và má chồng.

Ông chồng thì còn có thể hiểu được, chứ má chồng tôi mới diệu kỳ sao! Bằng sự nhạy cảm và yêu thương của một người phụ nữ, má thấu hết và tận tụy cảm thông.

Má vốn hiền hòa, yếu đuối, vậy mà hễ ai động chạm đến chuyện không con của chúng tôi, là má lồng lên đốp chát. Và sau đó luôn tìm lời nhỏ nhẹ an ủi, vỗ về con dâu mình.

Má chồng đã cho tôi bài học lớn - Ảnh minh họa
Má chồng luôn bảo vệ và an ủi, vỗ về con dâu - Ảnh minh họa

Cũng may, má đi xa khi mọi thứ trong tôi đã dần được cân bằng. Tôi hết thấy ganh tị, so sánh… Tôi cười nhẹ khi phải nghe những câu châm chích. Tôi lẳng lặng tránh xa những tranh luận ồn ào của mấy bà bạn. Tránh cho lành, vì tôi hay bị khuyên nhủ: “Mày không con không cháu sao hiểu được?”. Mà chắc vậy vì đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Cứ nghĩ phiên phiến trong từng chuyện một, sẽ bớt được bao trĩu nặng mệt nhoài.

Tôi đã đem lối ứng xử trong tổ ấm ra dụng với đời, với người. Không dè rất ổn, để rồi, sau tất cả nhận ra: Nghĩ thoáng thì sống nhẹ thôi mà.

Nhưng, được như vậy chúng tôi cũng đã phải đi qua bao cọ xát, vùng vẫy, té sấp… trong cuộc sống chung.

Đã không ít lần tôi và chồng tưởng mất nhau vì có bao nỗi đời gánh đè lên mái nhà này. Nỗi cơm áo, ai dám nói là không cấp thiết. Nỗi hoang trống, ai dám nói rằng chẳng hun hút và mênh mang…

Có nhiều chuyện mình ngỡ rằng đã hiểu được nhau mà nào có phải? Vậy thì phải học lại thôi. Cái chính là mình có chịu theo đuổi cái khóa học không có hạn kỳ này không? Một khóa học mà ngày bắt đầu là hôm làm đám cưới và ngày kết thúc, đó là lúc lìa nhau.    

Theo thời gian chung sống, chúng tôi đã biết nhường nhịn nhau thêm. Đã chịu lắng nghe nhau hơn và nhờ đó, biết cảm thông cho những sai lầm, thiếu sót của nhau. Biết dựa theo hoàn cảnh của từng thời điểm, để mà, sắp xếp lấy cuộc sống của mình cho phù hợp. Đã biết sống khoan hòa, kịp khi, tuổi già tới trước ngôi nhà mình và gõ cửa. Nên, rất tự tin chúng tôi đĩnh đạc mời tuổi già vào.

Những năm sau này, rảnh rang, chúng tôi dành nhiều thời gian hơn cho nhau và cùng nhau. Như ra biển mỗi sớm mai, học tiếng Anh mỗi ngày, rề rà với những ly rượu ngon, đọc nốt những trang sách dở…

Nhà người ta con cháu đông đảo rộn vui theo những đầm ấm sum vầy. Nhà chúng tôi ít ỏi nhưng biết cười đùa nói giỡn, thường xuyên, cũng rộn vui đâu kém…  

Má đã không còn và chúng tôi cũng đã sống đời vợ chồng được những ba mươi lăm năm. Tôi hay nhấn nhá hai từ ĐƯỢC NHỮNG với hết thảy những khôi hài, vốn sẵn.

Nhà có ba người, má vắng chỉ còn hai. Chúng tôi đã mất cả một thời gian không hề ngắn ngủi để làm quen với đó. Như quen, chúng ta rồi chỉ hai là hai và mai này trơ trốc một trên cõi đời. Đã U70, nghĩ tới chuyện đó đâu có còn là sớm sủa. 

“Boy friend” của tôi thủa đôi mươi mắt sáng, tóc dày xanh… đã trở thành “best friend” của tôi với đầu hói, tóc bạc, lưng khòm khòm… Có mỗi cái răng khểnh tôi mê, cũng bị rụng mất tiêu, khiến mắc công tôi nhòm miết và cười khan.

Giễu cợt mình, giễu nhại đời là mấy thứ chúng tôi may mắn còn chia sẻ được với nhau như việc thích đọc sách, làm chuyện nhà, yêu âm nhạc, điện ảnh...

Và không thể chia chung và sẻ san được bất cứ một điều gì, trong đời này nếu không có sự thấu hiểu. Hạnh phúc dưới mái nhà này đã được nâng niu, giữ gìn trong ngần ấy tháng năm, như vậy đó. 

Huyền Minh (Bình Định)

 

Dưới mái nhà của bạn, hạnh phúc được xây bằng gì?

Hãy chia sẻ quan điểm, ý kiến, câu chuyện của bạn cùng Phụ Nữ Online, gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn theo quy định.

 

Mời góp ý cho dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc của TPHCM

1. Tiêu chí về ứng xử trong gia đình

- Các thành viên trong gia đình thực hiện nguyên tắc: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ - Gương mẫu.

- Các mối quan hệ ứng xử trong gia đình được đảm bảo:

+ Ứng xử vợ chồng: Nghĩa tình, yêu thương;

+ Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương;

+ Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép;

+ Ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.

2. Tiêu chí về điều kiện vật chất

- Các thành viên trong gia đình có việc làm.

- Gia đình có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống.

- Có nơi ở/nhà ở đủ đáp ứng nhu cầu; Có các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.

3. Tiêu chí về điều kiện tinh thần

- Các thành viên trong gia đình thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng giữa các thành viên.

- Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng;

- Gia đình được sum vầy, đoàn tụ;

- Các thành viên trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau;

- Có điều kiện để tham gia các không gian công cộng dành cho việc vui chơi giải trí;

- Quan hệ họ hàng, nội ngoại tốt; quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt; quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tốt. 

4. Tiêu chí về giáo dục

- Các thành viên trong độ tuổi đi học được đến trường.

- Gia đình luôn đề cao việc học hành, nâng cao hiểu biết bản thân.

5. Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe

- Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe.

- Được khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi bệnh.

- Mỗi cặp vợ chồng có đủ hai con.

- Các thành viên tham gia rèn luyện thể dục, thể thao.

- Trẻ vị thành niên, thanh niên, công nhân, cặp đôi tiền hôn nhân tiếp cận thông tin, trang bị kiến thức về tiền hôn nhân, giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới trong gia đình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI