Diễn đàn Hạnh phúc gia đình xây bằng gì?: Không cố gắng sẽ mất hạnh phúc

19/06/2021 - 11:23

PNO - Tôi chưa kể hết những vướng mắc trong hôn nhân của mình. Nó nhiều vô kể. Nhưng những ung nhọt, những khúc mắc cần được giải quyết hằng ngày, đừng bao giờ ôm lấy hết thiệt thòi...

Tôi kết hôn được 2 năm. Năm đầu tiên vợ chồng tôi sống xa nhau vì tôi có em bé, ở nhà mẹ đẻ để tiện chăm sóc, gần phố thị thuận lợi cho mọi sự chuẩn bị ra đời của con, và quan trọng nhất là tôi muốn có thời gian thoải mái nhất cho thai kì. 

Chồng tôi làm công chức, lương tháng đều đặn 7 triệu đồng. So với thu nhập ở quê không thuộc diện cao, nhưng chẳng hề thấp. Anh ghé thăm tôi mỗi cuối tuần. Thứ mà anh để lại trước khi rời lại vào cơ quan vỏn vẹn là 3 lốc sữa tươi vị dâu tôi thích uống, và 1 gói bún, cháo cho tôi ăn bữa tối. 

Cuộc sống vẫn đều đều trôi. Tôi cố gắng bồi dưỡng cho con, siêu âm, thuốc bổ bằng số tiền tôi tiết kiệm được khi đi làm. Tôi luôn đợi chờ ở anh câu hỏi: "Em có thiếu tiền không? Anh vừa lãnh lương em cầm mua cái đầm bầu mặc nhé". Đáp lại là 7 tháng trời tôi tự mình gồng gánh nuôi con trong bụng, tôi đi làm thêm ở công ty bảo hiểm, nhận làm kế toán cho trung tâm Anh văn. Tự mình xoay xở với chính mình. 

Bứt quá tôi đề nghị ly hôn vì tôi không thấy được tấm chân tình của anh dành cho vợ con. Tôi nói thẳng vấn đề và anh đồng ý đưa lương để tôi lo lắng kinh tế và để dành sau này. Về sau, tôi tiết kiệm được một và khoản từ đó đóng cho con một gói bảo hiểm.

Chưa bao giờ chồng hỏi tôi cần tiền hay không - Ảnh minh họa
Chưa bao giờ chồng hỏi tôi cần tiền hay không - Ảnh minh họa

Năm thứ hai hôn nhân, tôi vào nhà chồng sống. Mọi điều không như tôi nghĩ, chồng tôi giấu giếm chơi game, để mặc tôi vật lộn với con nhỏ. Tôi nói ra thì ba mẹ chồng bênh anh.

Mẹ chồng tôi là người chưa bao giờ đi ra khỏi làng, kiến thức bà gói gọn trong những kinh nghiệm thô sơ và chồng tôi lấy đó làm "thánh chỉ". Tôi yêu cầu anh cập nhật kiến thức trên Google trước khi áp dụng điều gì đó cho con. Kiến thức nuôi trẻ con là vô tận. Nếu chúng ta ẩu và chủ quan áp dụng những điều khoa học chưa xác nhận được đúng sai, thì có khi vô tình hại con.

Tôi vừa nuôi con vừa có một tủ mỹ phẩm nhỏ. Hiện tôi bán online và muốn mở quầy lớn hơn khi con tôi đi nhà trẻ được. Chồng tôi không thích việc này, anh muốn tôi đi làm công chức.

Tôi đã trải qua 10 năm đi làm với những cung bậc như thế nào, chính tôi hiểu rõ. Với tính cách của mình, tôi muốn được sống với đam mê kinh doanh đồng thời có thời gian chăm lo con cái. Vậy nên tôi kiên định với đam mê. 

Mỗi tháng giờ đây doanh thu của tôi đều đều trên 10 triệu đồng. Việc mở quầy chỉ là chuyện nay mai, khi con tôi đủ lớn, và khi món tiền tôi tích lũy đến thời hạn lấy ra từ ngân hàng. 

Tôi chưa kể hết những vướng mắc trong hôn nhân của mình. Nó nhiều vô kể. Nhưng giống như trong truyện Hoàng Tử Bé, trên hành tinh của mình, cậu nhân vật phải dọn dẹp cây bao báp hằng ngày, nếu không rễ nó sẽ lớn nhanh, bao phủ lấy hành tinh không còn chỗ cho sự sống. 

Cuộc sống này cũng vậy. Những ung nhọt, những khúc mắc, thiếu sót cần được giải quyết hằng ngày, phụ nữ đừng bao giờ ôm lấy hết thiệt thòi hy sinh, để cuối cùng nhận trái đắng. 

Khi bạn không yêu không tự cứu lấy những giấc mơ của chính mình thì không ai làm thay cho bạn được cả kể cả chồng bạn...

She

(Quảng Trị)

Dưới mái nhà của bạn, hạnh phúc được xây bằng gì?

Hãy chia sẻ quan điểm, ý kiến, câu chuyện của bạn cùng Phụ Nữ Online, gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn theo quy định.

 

Mời góp ý cho dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc của TPHCM

1. Tiêu chí về ứng xử trong gia đình

- Các thành viên trong gia đình thực hiện nguyên tắc: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ - Gương mẫu.

- Các mối quan hệ ứng xử trong gia đình được đảm bảo:

+ Ứng xử vợ chồng: Nghĩa tình, yêu thương;

+ Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương;

+ Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép;

+ Ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.

2. Tiêu chí về điều kiện vật chất

- Các thành viên trong gia đình có việc làm.

- Gia đình có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống.

- Có nơi ở/nhà ở đủ đáp ứng nhu cầu; Có các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.

3. Tiêu chí về điều kiện tinh thần

- Các thành viên trong gia đình thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng giữa các thành viên.

- Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng;

- Gia đình được sum vầy, đoàn tụ;

- Các thành viên trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau;

- Có điều kiện để tham gia các không gian công cộng dành cho việc vui chơi giải trí;

- Quan hệ họ hàng, nội ngoại tốt; quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt; quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tốt. 

4. Tiêu chí về giáo dục

- Các thành viên trong độ tuổi đi học được đến trường.

- Gia đình luôn đề cao việc học hành, nâng cao hiểu biết bản thân.

5. Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe

- Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe.

- Được khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi bệnh.

- Mỗi cặp vợ chồng có đủ hai con.

- Các thành viên tham gia rèn luyện thể dục, thể thao.

- Trẻ vị thành niên, thanh niên, công nhân, cặp đôi tiền hôn nhân tiếp cận thông tin, trang bị kiến thức về tiền hôn nhân, giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới trong gia đình.

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI