Đọc các bài viết khởi đầu bàn về dự thảo tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc, tôi thấy mọi người đều nhắc tới những gia đình tròn đầy, đủ đầy vợ chồng con cái. Cho đến khi đọc bài về một gia đình "khuyết", tôi đã nhận được sự đồng cảm.
Tôi nghĩ, hiện nay số lượng gia đình "khuyết" mỗi ngày thêm nhiều. Bạn bè ở lứa tuổi 30, 40 lục tục ra tòa ly hôn và họ đều ly hôn vì cuộc sống chung không còn hạnh phúc. Hiếm có ai liền sau đó lập gia đình mà họ bình tĩnh thiết lập một cuộc sống mới trong vai trò mẹ đơn thân, cha đơn thân.
Nhìn mình, rồi nhìn bạn bè, tôi tự hỏi: Một gia đình đơn thân liệu có hạnh phúc như các tiêu chí trong dự thảo không?
Khác với thành công, hạnh phúc rất khó để định nghĩa. Với người này có thể chỉ một tô mì nhiều hành trong một ngày mưa đã là hạnh phúc, nhưng với người khác, có thể phải là một bàn đầy ắp thức ăn, trong một không gian sang trọng, âm nhạc du dương thì mới cảm thấy hạnh phúc chẳng hạn.
Cuốn “Le Voyage d'Hector ou la Recherche du bonheur” của tác giả François Lelord được xuất bản bằng tiếng Việt dưới tựa Hector và hành trình thú vị đi tìm hạnh phúc kể về bác sĩ tâm thần Hector. Anh đã đi đến nhiều đất nước khác nhau, trải nghiệm nhiều nền văn hoá, gặp rất nhiều người để tìm kiếm hạnh phúc.
|
Đạo diễn Peter Chelsom đã chuyển thể cuốn sách thành phim và nam diễn viên Simon Pegg trong vai Hector |
Anh đúc kết ra rất nhiều điều, điều đầu tiên: Ngừng so sánh. Bởi khi bạn bắt đầu so sánh, có nghĩa bạn đang đánh mất hạnh phúc mà mình đang có. Với một gia đình đơn thân, nếu cứ nhìn vào những gia đình có đủ đầy vợ chồng, hẳn hạnh phúc rất khó tìm đến với họ.
Ngược lại, hạnh phúc sẽ rất dễ dàng với những ai bằng lòng với những gì mình đang có. Với tôi thì sau một chặng đường dài để “được” đơn thân, tôi thấy rõ ràng mình đang sống thoải mái.
Một mình, tôi có thể tự do chọn lựa cách giáo dục con. Một mình, ngày mệt mỏi hay lười biếng, tôi cho phép mình nghỉ ngơi, thích thì nấu nướng, không thích có thể ăn ngoài quán, gọi đồ ăn qua mạng, hoặc đơn giản chế nước sôi vào mì là có ngay một bữa ăn vui vẻ.
Trước đây, khi có chồng, tôi phải vật lộn với các bữa ăn. Chồng cũ là người gia trưởng, bữa cơm dù lý do gì cũng phải luôn đủ canh, rau có món mặn. Lúc tôi khoẻ mạnh thì dễ rồi, chứ lúc mệt hay bận việc ở công ty thì những bữa cơm đủ món thành gánh nặng. Có những khi tôi rùng mình nhớ những ngày phải bậy khỏi giường thật sớm, nấu bữa sáng hoành tráng và thể hiện mình là vợ đảm.
Ngay cả việc dọn dẹp nhà cửa cũng vậy, anh có những quy tắc riêng, ba mẹ con tôi phải chật vật nghe theo nên không khí gia đình rất ngột ngạt.
Cuộc sống đơn thân không chỉ là một lựa chọn mà còn là cả một đoạn đường đấu tranh mà tôi đã vượt qua. Đôi lúc nghĩ đến chặng đường đó, tôi thấy hạnh phúc với những gì mình đang có.
|
Chúng tôi sống trong sự thoải mái, tự tại, thay vì phải nhìn khuôn mặt cau có của chồng, của cha - Ảnh minh họa |
Anh bạn tôi đang một mình nuôi con trai nhỏ, anh cũng chia sẻ cảm giác như tôi vậy. Sống với vợ cũ không hạnh phúc, anh chọn làm bố đơn thân.
Anh có những bữa "thả lỏng", thoải mái nấu các món con thích như chả cá chiên, xúc xích, mì gói… mà không phải ngó nhìn sắc mặt của vợ, không phải nghe càm ràm rằng nó không bổ béo gì. "Ăn đâu chỉ ăn cho khoẻ, mà thỉnh thoảng phải ăn cho vui chứ!", anh nói.
Đơn thân không hẳn là bất hạnh, mà còn có nghĩa là chọn lựa. Chúng tôi hiểu những gì mình muốn, mình cần và đã đấu tranh để có được những điều đó, không vì những chuẩn mực mà người khác đưa ra để khoác lên mình. Thế nên, dù gia đình khiếm khuyết mất một người quan trọng, nhưng chúng tôi vẫn hạnh phúc.
Con cái chúng tôi, dù chỉ sống với cha hoặc mẹ, nhưng chúng vui tươi, thoải mái, dễ chịu hơn là sống cùng cả cha lẫn mẹ mà không khí ngột ngạt, mệt mỏi. Thực tế, không thiếu những đứa trẻ muốn cha hoặc mẹ ly hôn vì không chịu nổi không khí gia đình đầy tiêu cực.
Khuyết một thành viên, nhưng thêm nhiều nụ cười, nhiều thoải mái, nhiều trải nghiệm, nhiều thú vị. Theo tôi, hạnh phúc không nhất thiết phải so bì cho đủ vợ đủ chồng, đủ nếp đủ tẻ, đủ nhà lầu, xe hơi… Khi ta hài lòng với những gì đang có - đó là hạnh phúc.
Kim Khuê (Q8, TPHCM)
Dưới mái nhà của bạn, hạnh phúc được xây bằng gì?
Hãy chia sẻ quan điểm, ý kiến, câu chuyện của bạn cùng Phụ Nữ Online về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của toà soạn theo quy định.
Mời đóng góp dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc của TPHCM
1. Tiêu chí về ứng xử trong gia đình
- Các thành viên trong gia đình thực hiện nguyên tắc: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ - Gương mẫu.
- Các mối quan hệ ứng xử trong gia đình được đảm bảo:
+ Ứng xử vợ chồng: Nghĩa tình, yêu thương;
+ Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương;
+ Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép;
+ Ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.
2. Tiêu chí về điều kiện vật chất
- Các thành viên trong gia đình có việc làm.
- Gia đình có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống.
- Có nơi ở/nhà ở đủ đáp ứng nhu cầu; Có các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.
3. Tiêu chí về điều kiện tinh thần
- Các thành viên trong gia đình thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng giữa các thành viên.
- Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng;
- Gia đình được sum vầy, đoàn tụ;
- Các thành viên trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau;
- Có điều kiện để tham gia các không gian công cộng dành cho việc vui chơi giải trí;
- Quan hệ họ hàng, nội ngoại tốt; quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt; quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tốt.
4. Tiêu chí về giáo dục
- Các thành viên trong độ tuổi đi học được đến trường.
- Gia đình luôn đề cao việc học hành, nâng cao hiểu biết bản thân.
5. Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe
- Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe.
- Được khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi bệnh.
- Mỗi cặp vợ chồng có đủ hai con.
- Các thành viên tham gia rèn luyện thể dục, thể thao.
- Trẻ vị thành niên, thanh niên, công nhân, cặp đôi tiền hôn nhân tiếp cận thông tin, trang bị kiến thức về tiền hôn nhân, giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới trong gia đình.
|