Gần 10 năm sau ngày quyết định sống chung dưới một mái nhà, chúng tôi có một gia đình nhỏ bốn thành viên cùng hai gia đình lớn ở hai quê hương, với sự đa dạng văn hoá.
Vợ chồng tôi luôn xác định gia đình phải là một ekip, nghĩa là sống cùng nhau, cùng nhau học hỏi và cùng nhau trưởng thành.
Đây chính là nền tảng đầu tiên chúng tôi xác định để quyết định kết hôn.
|
Ảnh minh họa |
Hai con nhỏ ra đời trong niềm hạnh phúc vô bờ bến. Tôi được làm mẹ, được tự chăm sóc và giáo dục con cái theo đúng hiểu biết và nhận thức của mình, sự kết hợp của hai nền văn hoá và giáo dục.
Hạnh phúc, đó là tính từ và cũng là động từ mà tôi được học từ nhỏ, khi sống cùng mẹ cha ở quê nhà. Bố tôi luôn nhắc chúng tôi rằng, dù làm công việc gì hay là ai, thì hạnh phúc hay niềm vui phải do chính bản thân con cảm nhận, hay từ chính sự giàu có từ kiến thức hay sự hiểu biết của con.
Tôi luôn nhớ sự tỉ mỉ, cẩn thận của mẹ, tính sạch sẽ ngăn nắp của bà. Mẹ tôi nấu ăn ngon theo cách món ăn bài thuốc, nghĩa là cái gì tốt cho sức khoẻ thì ăn, ăn đúng chất lượng và phải ăn sạch.
Mẹ chồng tôi là một phụ nữ đảm đang. Bà khâu từng chiếc khẩu trang cho mọi người trong nhà, toàn bộ các cháu đến các con, bà chính xác theo kiểu kỹ thuật như những chiếc máy hoàn hảo...
Tôi học được nhiều điều tốt đẹp từ hai người mẹ, để chăm sóc hai bé một cách phù hợp nhất theo truyền thống văn hoá của gia đình, cùng sự chia sẻ của người bạn đời luôn tận hiến vì tôi và gia đình.
Vợ chồng tôi đi chơi cùng nhau, lên lịch cùng nhau các kỳ nghỉ cuối tuần hay các lịch hẹn trong khả năng có thể, như đi gặp bác sĩ hay các công việc của gia đình. Chúng tôi cùng nhau đi nghe đọc thơ và trình diễn, những buổi tối muộn hay những giờ chờ nhau rất lâu...
Vợ chồng tôi cùng nhau chia lịch đưa đón các bạn nhỏ đi học, đi chơi, học ngoại khoá... Chúng tôi cùng nhau xem phim, đọc sách và cùng nhau chia sẻ đủ thứ chuyện trên đời, như ngắm sao hay ngồi lắng nghe các con kể chuyện lớp học, thầy cô...
Hành trình ấy còn tiếp tục tiếp tục trên những cung đường hay những ngã rẽ khác, sự thay đổi của các bạn nhỏ.
Tôi lấy chồng khi ông bà nội và ông bà ngoại vẫn còn sống. Mỗi tuần, chúng tôi đi ăn trưa với bà ngoại một lần, bà hẹn đầy đủ các cháu ở một nhà hàng vào buổi trưa giữa giờ nghỉ để gặp nhau, cập nhật thông tin cũng như sự kết nối.
Cuối tuần hay các kỳ nghỉ, chúng tôi lên lịch hẹn với bố mẹ và ông bà. Vào mỗi mùa hè, khi bố mẹ đã về hưu, chúng tôi đến giúp ông bà làm vườn hay cắt cỏ. Có việc gì hay điều gì vui, ông bà đều gọi báo cho chúng tôi.
Bà ngoại thích đến nhà tôi nhất, vì tôi là cháu duy nhất mời bà ngủ lại. Ở nhà tôi, bà rất thoải mái, lúc đêm tỉnh giấc, đưa bà đi vệ sinh, có khi 2 bà cháu cười ngặt nghẽo vì bà lúng túng với đôi dép...
Mẹ chồng tôi vô cùng tự hào con dâu như tôi, vì tôi có thể quyết định những việc mà không ai nghĩ đến hoặc làm được như tôi, hay vì mời bà đến nhà ngủ lại một cách thoải mái vô tư.
Hạnh phúc trong gia đình chính là sự thành thật, sự thành thật những sẻ chia, những trăn trở và băn khoăn, những điều khó nói. Đó chính là sự kết nối sâu sắc của tình yêu hay sự yêu thương chân thành. Chúng tôi luôn thành thật xin lỗi nhau, khi đã làm điều không phải hay sự vô ý nào đó.
Chúng tôi luôn xin lỗi các con khi biết mình chưađúng mực hoặc sơ ý. Chúng tôi luôn biết ơn người khác, dù một cử chỉ nhỏ hay một sự quan tâm rất bình thường. Chúng tôi luôn biết quan tâm đúng mực và không làm phiền ai.
Chúng tôi tự giác làm cho cuộc sống của mình trở nên tốt lành và tươi đẹp, cùng chăm sóc nhà cửa hay mảnh vườn nhỏ, trồng cây hay cùng nhau rửa bát, dọn nhà. Chúng tôi ngồi lắng nghe nhau mọi lúc mọi nơi, mọi than phiền hay mệt nhọc.
Theo dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc mà TPHCM đang xây dựng, có năm tiêu chí chính: Ứng xử trong gia đình, Điều kiện vật chất, Điều kiện tinh thần, Giáo dục, Y tế và sức khoẻ.
Theo tôi, xây dựng một cuộc sống bình thường và đơn giản không quá khó, chỉ cần chúng ta xác định trước khi xây dựng gia đình những nội dung: Mình đã chuẩn bị tốt cho cuộc sống gia đình chưa, cho những đứa trẻ sắp ra đời chưa? Chúng ta có đủ ý chí để cam kết thực hiện năm tiêu chí cơ bản như trên khi đến tuổi trưởng thành, có công việc phù hợp, sức khoẻ tốt và nhu cầu tinh thần đầy đủ?
Điều quan trọng nhất, chúng ta phải thấy được những việc phải làm, cần làm, nhất là khi có con cái: Đó là khả năng làm mẹ, làm bố. Đó là khả năng chăm sóc một đứa trẻ, yêu thương vô điều kiện và tôn trọng và bình đẳng với con cái.
Tôn trọng chính là tạo điều kiện cho con được phát triển tự nhiên, cũng như được quyền đi học, quyền vui chơi và phát triển đúng tâm lý lứa tuổi.
Bình đẳng nghĩa là vợ hoặc chồng chính là những người bạn thân thiết nhất, trung thành nhất cũng như chung thuỷ nhất trong tình yêu; con cái là những người bạn cần lắng nghe, chia sẻ và cũng là đối tượng để bố mẹ học hỏi để thay đổi cho phù hợp.
Sự bình đẳng giữa các thế hệ trong gia đình như ông bà với bố mẹ, con cái chính là cầu nối gắn kết mạnh mẽ giữa các thế hệ để hiểu biết nhiều hơn, dành cho nhau yêu thương tin cậy nhiều hơn.
Khi vẫn tiếp tục cùng nhau sống, nghĩa là tiếp tục hành trình tạo ra niềm vui hay hạnh phúc, đó cũng là hành trình vượt qua những bất trắc hay chông gai không ai biết trước, đó là nắm tay nhau bước qua những khốn khó tưởng chừng như không thể...
|
Ảnh minh họa |
Cuộc sống thường ngày có khi tưởng như trôi qua các công việc giống nhau, lặp lại, nhưng đó chính là sự bền bỉ dài lâu của sự vun đắp. Hạnh phúc cũng là mỗi mùa yêu thương và chu đáo theo một cách khác nhau và phù hợp. Hay chính là sự chấp nhận thất thường của thời tiết.
Trên hành trình ấy, chúng ta là những người chèo lái, chúng ta phải luôn tích cực để không thể đứng lại phía sau thụt lùi.
Nếu nhận ra còn thiếu, hãy lấp đầy và bổ sung. Như mỗi buổi sáng, tôi dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng cho hai bạn nhỏ mang đến trường, nấu một chút đồ ăn nóng để các con ăn thật ngon mùa đại dịch. Buổi chiều, tôi không quên nhắn tin cho chồng: "Hôm nay anh có đón con sau giờ làm việc được không?".
Tôi luôn nhận được tin nhắn ngắn gọn mà ấm áp: "Anh đang trên đường về, còn năm phút nữa...".
Chúng tôi là một đội hay gia đình chính là một ekip ăn ý và bằng cách nào đó mọi thành viên đều góp sức để làm niềm vui nảy nở theo hoàn cảnh riêng, sự lựa chọn riêng...
Quỳnh Iris de Prelle
Dưới mái nhà của bạn, hạnh phúc được xây bằng gì?
Hãy chia sẻ quan điểm, ý kiến, câu chuyện của bạn cùng Phụ Nữ Online về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của toà soạn theo quy định.
Dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc của TPHCM
1. Tiêu chí về ứng xử trong gia đình
- Các thành viên trong gia đình thực hiện nguyên tắc: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ - Gương mẫu.
- Các mối quan hệ ứng xử trong gia đình được đảm bảo:
+ Ứng xử vợ chồng: Nghĩa tình, yêu thương;
+ Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương;
+ Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép;
+ Ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.
2. Tiêu chí về điều kiện vật chất
- Các thành viên trong gia đình có việc làm.
- Gia đình có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống.
- Có nơi ở/nhà ở đủ đáp ứng nhu cầu; Có các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.
3. Tiêu chí về điều kiện tinh thần
- Các thành viên trong gia đình thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng giữa các thành viên.
- Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng;
- Gia đình được sum vầy, đoàn tụ;
- Các thành viên trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau;
- Có điều kiện để tham gia các không gian công cộng dành cho việc vui chơi giải trí;
- Quan hệ họ hàng, nội ngoại tốt; quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt; quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tốt.
4. Tiêu chí về giáo dục
- Các thành viên trong độ tuổi đi học được đến trường.
- Gia đình luôn đề cao việc học hành, nâng cao hiểu biết bản thân.
5. Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe
- Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe.
- Được khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi bệnh.
- Mỗi cặp vợ chồng có đủ hai con.
- Các thành viên tham gia rèn luyện thể dục, thể thao.
- Trẻ vị thành niên, thanh niên, công nhân, cặp đôi tiền hôn nhân tiếp cận thông tin, trang bị kiến thức về tiền hôn nhân, giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới trong gia đình.
|