Gia đình - nơi nuôi dưỡng ước mơ của tôi
Ông bà, cha mẹ tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở con cháu rằng: không có gì quý giá và thiêng liêng bằng một gia đình hạnh phúc. Gia đình hạnh phúc là nơi tất cả các thành viên có sự gắn kết trong vui vẻ, thuận hòa, và là nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp.
|
Ảnh minh họa |
Gia đình tôi tất nhiên là không tránh khỏi những lúc bất như ý. Những lúc như vậy tôi thường thấy cha mẹ động viên nhau, mỗi người cố gắng một ít thì sẽ vượt qua.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông nên những hình ảnh về sự bươn chải của cha mẹ in hằn trong tâm thức của tôi. Vì hoàn cảnh, cha mẹ tôi “một chữ bẻ đôi” cũng không biết. Thế nên, họ chịu thương chịu khó - thức khuya dậy sớm, đội nắng phơi sương để cho tôi được đến trường, giúp tôi nuôi dưỡng ước mơ, gieo cho tôi khát vọng thoát nghèo bằng tri thức.
Với những gia đình nông dân nghèo, việc cho con học đại học là điều không dễ dàng huống chi là ở bậc sau đại học. Rất nhiều thử thách, vậy mà, tôi chưa bao giờ thấy cha mẹ than vãn, càu nhàu hay đổ thừa hoàn cảnh.
Ngày bé tôi hay tủi hổ về gia cảnh, nhưng càng lớn tôi càng thấy mình may mắn. May mắn vì cha mẹ cho tôi sống trong tổ ấm trọn vẹn, được thừa hưởng tinh thần vượt khó để tôi vững vàng trước sóng gió cuộc đời. Nhà không dư dả tiền bạc, nhưng tôi nhận được một tài sản vô giá khác đó là tình thân và chính gia đình đã hun đúc cho tôi ước mơ thoát nghèo bằng tri thức.
Gia đình - nơi chấp nhận tôi một cách vô điều kiện
Từ bé tôi chứng kiến đủ kiểu khinh khi từ những người “lắm tiền nhiều của” ở quê. Họ hay bĩu môi khi nhìn tôi: “Nghĩ sao mà thằng đó học lên được đại học, nó đậu đại học tao đi bằng đầu”, “Học cho lắm rồi cũng làm công nhân”…
Thoạt đầu khi nghe được, tôi rất buồn và điều duy nhất làm điểm tựa cho tôi lúc ấy là những lời động viên từ gia đình. Cha mẹ thường nói với tôi: “Có thể con không thông minh như các bạn, nhưng con luôn là niềm tự hào của gia đình. Con tài giỏi hay thấp kém thì vẫn là con của ba mẹ…”. Ba mẹ luôn tôn trọng và chấp nhận năng lực của tôi.
Tôi thẳng thắn thừa nhận một điều là, khi lớn lên ai cũng phải mắc sai lầm, có chăng ít hay nhiều. Tôi cũng không ngoại lệ. Ngày còn bé, mỗi khi mắc lỗi, cha mẹ thường bắt tôi khoanh tay và suy nghĩ để tự nhận ra lỗi. Cha mẹ tôi không trách mắng hay đòn roi để tôi sợ mà thay vào đó giúp tôi nhận ra lỗi lầm, trên cơ sở đó uốn nắn và tạo điều kiện sửa sai.
Có thể những bài học về “màu sắc tâm lý cá nhân”, “lớn lên từ sai phạm”, “đánh giá con người không phải ở thời điểm”… trở thành những thứ quý giá giúp tôi áp dụng trong quá trình dạy học khi còn là giảng viên Khoa Tâm lý học Trường đại học Sư phạm TP.HCM.
|
Ảnh minh họa |
Theo thời gian và cùng với sự nỗ lực hết mình, tôi trở thành giảng viên ngành tâm lý, cha mẹ tự hào và yên tâm. Công việc giữ tôi lại thành phố nên số lần về thăm nhà cũng thưa dần. Thế nhưng gia đình vẫn chấp nhận sự vắng mặt của tôi như một điều tất yếu và không một lời than trách.
Tôi cũng chợt nhận ra: giữa bao bộn bề của cuộc sống, những bữa ăn vội vã nơi hàng quán hoặc những buổi tiệc sang trọng cũng chẳng thể làm phai mờ và thay thế được hình ảnh những bữa cơm đạm bạc nhà mình.
Đang trên đà phát triển sự nghiệp, một tai nạn bất ngờ đến với tôi khiến đôi chân mất chức năng vận động. Cha mẹ tôi lại dang tay đón con về, chăm sóc nâng niu tôi, tiếp tục nuôi dưỡng mọi ước mơ, hoài bão của tôi.
Nếu ví cuộc đời với 60 năm thì khi đi qua nửa đời người và trải qua không ít thăng trầm tôi càng nhận ra gia đình luôn là nơi bình yên nhất mỗi khi chúng ta tìm về, tiêu chí đó có lẽ với tôi là quan trọng nhất. Và gia đình chính là nơi nuôi dưỡng ước mơ và chấp nhận chúng ta một cách vô điều kiện.
Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An
Dưới mái nhà của bạn, hạnh phúc được xây bằng gì?
Hãy chia sẻ quan điểm, ý kiến, câu chuyện của bạn cùng Phụ Nữ Online, gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn theo quy định.
Mời góp ý cho dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc của TPHCM
1. Tiêu chí về ứng xử trong gia đình
- Các thành viên trong gia đình thực hiện nguyên tắc: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ - Gương mẫu.
- Các mối quan hệ ứng xử trong gia đình được đảm bảo:
+ Ứng xử vợ chồng: Nghĩa tình, yêu thương;
+ Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương;
+ Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép;
+ Ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.
2. Tiêu chí về điều kiện vật chất
- Các thành viên trong gia đình có việc làm.
- Gia đình có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống.
- Có nơi ở/nhà ở đủ đáp ứng nhu cầu; Có các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.
3. Tiêu chí về điều kiện tinh thần
- Các thành viên trong gia đình thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng giữa các thành viên.
- Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng;
- Gia đình được sum vầy, đoàn tụ;
- Các thành viên trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau;
- Có điều kiện để tham gia các không gian công cộng dành cho việc vui chơi giải trí;
- Quan hệ họ hàng, nội ngoại tốt; quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt; quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tốt.
4. Tiêu chí về giáo dục
- Các thành viên trong độ tuổi đi học được đến trường.
- Gia đình luôn đề cao việc học hành, nâng cao hiểu biết bản thân.
5. Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe
- Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe.
- Được khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi bệnh.
- Mỗi cặp vợ chồng có đủ hai con.
- Các thành viên tham gia rèn luyện thể dục, thể thao.
- Trẻ vị thành niên, thanh niên, công nhân, cặp đôi tiền hôn nhân tiếp cận thông tin, trang bị kiến thức về tiền hôn nhân, giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới trong gia đình.
|