Diễn đàn "Hạnh phúc gia đình xây bằng gì?": Gia đình “khuyết” vẫn đủ đầy, hạnh phúc

09/06/2021 - 15:29

PNO - Trên đời không có quá nhiều sự hoàn hảo, hãy trân trọng những người thân bên cạnh mình, trân trọng những gì mình đang có, thì bức tranh gia đình “khuyết” nào cũng đủ đầy, cũng hạnh phúc.

Ai chẳng mong được sống trong một gia đình hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc với mỗi người được định nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Có thể là có vật chất đầy đủ thì mới hạnh phúc như nhiều tiền, được ăn ngon, mặc đẹp, được du lịch khắp nơi. Tuy nhiên cũng có nhiều người định nghĩa hạnh phúc là được mọi người yêu thương, có nhiều sức khỏe và tinh thần thanh thản.

Bàn về dự thảo tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn TP.HCM, tôi nhận thấy các tiêu chí đang tạo nên một gia đình kiểu mẫu hoàn hảo. Ở đó có cả ba mẹ, ông bà, có những đứa con, đứa cháu sống hòa thuận, vui vẻ bên nhau.

Tôi vẫn nhớ như in giờ mỹ thuật năm tôi học mẫu giáo, tôi được giao đề bài vẽ về gia đình. Tôi đã vẽ mẹ, ông bà ngoại và hai chị em tôi. Cả lớp đã rất ngạc nhiên vì bức tranh kỳ lạ ấy - bức tranh gia đình “khuyết”. Lúc đó, có đứa bạn đã  hỏi tôi: “Sao bạn không vẽ ba?”.  Tôi cười: “Mẹ mình là ba đó!”.
Bạn hỏi tôi: “Sao bạn không vẽ ba?”. Tôi cười: “Mẹ mình là ba đó!”.

Tôi thì khác, tôi vẽ gia đình tôi bằng một gam màu đặc biệt. Ngày bé, tôi cũng đã từng vẽ bức tranh có ba, mẹ và cả hai chị em tôi. Tôi lên ba, ba mẹ chia tay, mẹ dắt tay hai chị em tôi về nhà ông bà ngoại. Bức tranh tôi vẽ từ đó mà khuyết đi một bóng hình.

Tôi vẫn nhớ như in giờ mỹ thuật năm học mẫu giáo, tôi được giao đề bài vẽ về gia đình. Tôi đã vẽ mẹ, ông bà ngoại và hai chị em tôi. Cả lớp đã rất ngạc nhiên vì bức tranh kỳ lạ ấy - bức tranh gia đình “khuyết”. Lúc đó, có đứa bạn đã hỏi tôi: “Sao bạn không vẽ ba?”. Tôi cười: “Mẹ mình là ba đó!”.

Giờ tập làm văn năm cấp I, tôi được giao đề bài viết đoạn văn về gia đình. Tôi đã kể về mẹ, về ông bà và đứa em gái bé bỏng của tôi. Bài viết tôi hôm đó được đọc trước lớp và cả lớp cũng thắc mắc về gia đình “khuyết” của tôi. Tôi lại được hỏi: “Sao bạn không viết về ba?”. Tôi lại cười: “Mẹ mình là ba đó!”.

Suốt năm tháng là học sinh, tôi đã từng viết rất nhiều về gia đình, được hỏi rất nhiều câu giống hệt nhau như thế và tôi cũng trả lời như thế thôi. Mẹ tôi thật sự là một người phụ nữ phi thường. Mẹ vừa là ba, vừa là mẹ của tôi đã gần 20 năm. Mẹ không hề để tôi thua thiệt bạn bè, cũng không hề để tôi phải tủi thân vì mình không có ba như bạn bè.

Thật sự, tôi có thiếu gì đâu.

Mẹ dạy tôi mạnh mẽ, dạy tôi phải sống lý trí và biết suy nghĩ quyết đoán. Mẹ cũng dạy tôi phải dịu dàng, sống tình cảm và biết yêu thương. Mẹ đã biến định nghĩa về ba - người đàn ông trong gia đình trở thành một ý nghĩa khác.

Ngoài mẹ, ông bà ngoại là những người yêu thương tôi vô điều kiện. Hỏi trên đời có mấy ai được ông ngoại ru ngủ mỗi trưa, được bà ngoại mua cho món đồ chơi thích nhất như tôi?

Ông bà năm ấy đã không ngần ngại, mở rộng vòng tay, đón cô con gái của mình và hai đứa cháu thơ. Ông bà là người nuôi nấng, bón cho tôi từng muỗng cháo, đút cho tôi từng thìa sữa để tôi phát triển một cách bình thường, để cho tôi không bao giờ buồn vì khuyết mất hình bóng người cha.

Ngày tôi chưa đi học xa nhà, bữa ăn nào cũng có năm cái chén, năm đôi đũa. Tôi và em khoe điểm 10, khoe được cô giáo khen chăm ngoan, cả nhà cười giòn tan.

Tết Trung thu, bà đi chợ mua đèn ông sao, ông mua bánh nướng, bánh dẻo, mẹ làm món gỏi gà chị em tôi thích, cả nhà quây quần dưới ánh trăng, tôi hát, em hát, cả nhà cười giòn tan.

Giáng sinh, cả nhà bảo chị em tôi mang giày và vớ để ngoài sân, viết một lá thư gửi ông già Noel rồi cầu nguyện, ngày mai thức dậy trong vớ sẽ có tiền. Quả thật sáng thức dậy, trong vớ tôi có tiền. Tôi vui sướng khoe với cả nhà, cả nhà cười giòn tan.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày tôi vào lớp Mười, bà chọn cho tôi một xấp vải áo dài đẹp nhất, ông mua cho một chiếc xe đạp mới, mẹ đưa đi lựa một chiếc ba-lô, một đôi giày xịn. Cả nhà đều xoa đầu tôi bảo rằng, tôi là thiếu nữ rồi.

Tôi vào đại học, mẹ chuẩn bị cho tôi rất nhiều quần áo mới, bà gói cho tôi rất nhiều quà quê, ông thì cứ nhìn tôi mãi. Ngày tôi xa nhà, mắt ai cũng ướt.

Giờ đây, tôi đã xa nhà gần bốn năm, ông đã bay lên trời, bà yếu hơn, tóc mẹ điểm bạc, em gái tôi cũng vào đại học rồi nhưng cái nơi tôi gọi là gia đình, là nhà ấy vẫn luôn chất chứa đầy tình yêu, đầy sự hạnh phúc và chở che.

Nhiều lúc tôi đã vấp ngã, đã đau đớn và khóc nấc lên giữa thành phố rộng lớn, nhưng khi nghĩ về những nụ cười giòn tan kia, nghĩ về bức tranh gia đình “khuyết” ấy, tôi tự nhủ phải mạnh mẽ bước tiếp.

Quả thật chúng ta dành cả cuộc đời để tìm kiếm hạnh phúc, góp nhặt từng chút trong những tiêu chí kia để có được một nơi gọi là gia đình đúng nghĩa.

Nhưng trên đời không có quá nhiều sự hoàn hảo, hãy trân trọng những người thân bên cạnh mình, trân trọng những gì mình đang có thì bức tranh gia đình “khuyết” nào cũng đủ đầy, cũng hạnh phúc. 

Châu Ngọc Trâm

(TP.HCM)

Dưới mái nhà của bạn, hạnh phúc được xây bằng gì?

Hãy chia sẻ quan điểm, ý kiến, câu chuyện của bạn cùng Phụ Nữ Online, gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn theo quy định.

 

Mời góp ý cho dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc của TPHCM

1. Tiêu chí về ứng xử trong gia đình

- Các thành viên trong gia đình thực hiện nguyên tắc: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ - Gương mẫu.

- Các mối quan hệ ứng xử trong gia đình được đảm bảo:

+ Ứng xử vợ chồng: Nghĩa tình, yêu thương;

+ Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương;

+ Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép;

+ Ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.

2. Tiêu chí về điều kiện vật chất

- Các thành viên trong gia đình có việc làm.

- Gia đình có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống.

- Có nơi ở/nhà ở đủ đáp ứng nhu cầu; Có các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.

3. Tiêu chí về điều kiện tinh thần

- Các thành viên trong gia đình thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng giữa các thành viên.

- Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng;

- Gia đình được sum vầy, đoàn tụ;

- Các thành viên trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau;

- Có điều kiện để tham gia các không gian công cộng dành cho việc vui chơi giải trí;

- Quan hệ họ hàng, nội ngoại tốt; quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt; quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tốt. 

4. Tiêu chí về giáo dục

- Các thành viên trong độ tuổi đi học được đến trường.

- Gia đình luôn đề cao việc học hành, nâng cao hiểu biết bản thân.

5. Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe

- Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe.

- Được khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi bệnh.

- Mỗi cặp vợ chồng có đủ hai con.

- Các thành viên tham gia rèn luyện thể dục, thể thao.

- Trẻ vị thành niên, thanh niên, công nhân, cặp đôi tiền hôn nhân tiếp cận thông tin, trang bị kiến thức về tiền hôn nhân, giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới trong gia đình.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Smile 10-06-2021 20:58:27

    Khi đọc bài viết tôi cảm thấy hiểu được một phần nào câu chuyện của chính tác giả và tôi cũng thấy đâu đó mình trong đó. Đúng là mọi thứ trên đời này đều không hoàn hảo, cuộc sống hay chính bản thân mình luôn có những phần "Khuyết" nhưng quan trọng ở đây là cách chính mình nhìn nhận những phần "Khuyết" này. Nhìn nó ở góc nhìn tiêu cực thì nó sẽ tiêu cực, nhìn nó ở góc nhìn tích cực thì nó sẽ tích cực. Nên ngoài việc rút ra được thông điệp về giá trị gia đình thông qua bài viết của bạn Trâm, tôi còn tự rút ra bài học cho bản thân về cách nhìn nhận cuộc sống . Đặc biệt tôi đã có cái nhìn tích cực hơn về phần "Khuyết"... Cảm ơn tác giả. Cảm ơn báo phụ nữ. Hi vọng sẽ được đón đọc nhiều bài viết hay từ Báo.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI