Tôi đã không ít lần ngồi khóc, giận dỗi về việc chồng vô tâm, quên luôn cả những ngày kỷ niệm… Nên bây giờ, nếu ai đó hỏi tôi “Hạnh phúc gia đình xây bằng gì?”, tôi sẽ nói là bằng niềm tin và việc ngừng so sánh.
|
Có phải nhà khác luôn hạnh phúc hơn nhà mình? - Ảnh minh họa |
Có câu nói “cỏ luôn xanh hơn ở bên kia hàng rào”, tôi nghĩ cũng có thể dùng để nói về hạnh phúc. Bây giờ, khi mà mọi thứ đều có thể được đưa lên mạng xã hội, chúng ta có xu hướng thấy gia đình khác hạnh phúc hơn gia đình mình.
Một bà vợ dễ dàng thấy ông chồng nhà hàng xóm chẳng bao giờ về muộn như chồng mình, cũng chẳng bao giờ cầm điện thoại khi đang chơi với con, hay lại quan tâm, yêu chiều vợ… Những tủi thân, cô đơn và thất vọng trong hôn nhân cũng vì thế mà bắt đầu...
Còn nhớ, khi tôi chia sẻ trên Facebook chuyện chồng chở tôi đi sửa máy tính, Hương liền nhắn tin: “Chồng chị tốt quá, chị làm hỏng máy tính mà cũng chẳng mắng, lại còn chở đi sửa, chẳng bù cho chồng em. Chồng em luôn trách cứ em mọi lỗi sai và chỉ cần em làm sai gì là lớn tiếng chỉ bảo, đay nghiến. Em không biết có sống tiếp với nhau được không nên chưa tính đến chuyện đẻ đứa thứ hai”.
Tin nhắn của Hương khiến tôi rơi vào cảm giác mắc lỗi khi hình ảnh hạnh phúc của mình khiến người khác mặc cảm và so sánh. Bởi vậy nên tôi nghĩ mình cần có nghĩa vụ giải thích lại cho Hương hiểu, một khoảnh khắc không thể hiện toàn bộ một cuộc hôn nhân.
Tôi kể cho Hương nghe về việc mình từng sẵn sàng đánh đổi gì để chồng có thể về sớm và cũng không ít lần ngồi khóc, giận dỗi về việc chồng vô tâm, quên cả ngày kỷ niệm…
|
Ảnh minh họa. |
Tôi đã nhiều năm kỳ vọng chồng bỏ những thói xấu như hút thuốc, vô tâm, tôi ước ao anh trở thành người tri kỷ lý tưởng. Nhưng tôi không thành công. Giây phút khiến tôi bắt đầu cảm nhận được hạnh phúc trong hôn nhân đó là khi tôi ngừng so sánh, ngưng áp đặt và mong muốn sửa chồng sao cho hợp “gu” với mình.
Tôi chấp nhận chồng như anh ấy vốn là và xác định rằng đấy là người tôi yêu, dù có những khiếm khuyết gì đi nữa thì cũng chẳng thay đổi tình cảm tôi dành cho anh ấy.
Vậy nên tôi đồng cảm với Hương, hiểu rằng rào cản lớn nhất khiến tôi, Hương hay nhiều người ngoài kia nữa không hạnh phúc, đó là luôn nhìn sang nhà khác và so sánh.
Có phải ai cũng lựa chọn đúng, chỉ riêng mình lựa chọn sai? Có phải ở ngoài kia ai cũng tuyệt vời, chỉ chồng mình là như… khúc gỗ?
Sự thật là tôi từng chứng kiến nhiều người chồng về sớm, chăm sóc con cái chu đáo nhưng lại không kiếm được tiền, kinh tế trong nhà phụ thuộc hoàn toàn vào người vợ.
Tôi cũng thấy không ít những người chồng giỏi giang, ga-lăng ngoài xã hội nhưng về nhà lại gia trưởng, bắt bẻ vợ con từng ly từng tí. Cũng chẳng thiếu gì những anh chồng tưởng chừng như vô tâm, khô khan nhưng khi vợ bị tai nạn, gặp rủi ro lớn lại hiên ngang mang cả tấm lưng mình ra gánh…
Điều tôi muốn nói ở đây là chẳng ai hoàn hảo, cũng chẳng có một cặp đôi nào không tồn tại mâu thuẫn, nhưng nếu cứ nhìn và cho rằng chỉ riêng mình bất hạnh, ta sẽ bỏ lỡ hạnh phúc.
Tâm lý so sánh sẽ khiến cho chúng ta không thể tận hưởng những giờ phút bên chồng con, mà cứ khao khát những điều cao sang bóng bẩy. Chúng ta sẽ không ngừng kêu than thay vì nỗ lực vun vén, chăm lo cho những gì đang có…
Bạn biết không, cảm giác ngồi bên một bữa cơm đơn sơ trong ngôi nhà nhỏ cũng chẳng thua gì bữa ăn thịnh soạn ở nhà hàng cao cấp nếu như trong tim là đầy ắp cảm giác biết ơn và quây quần bên nhau. Và cũng thật khập khiễng nếu so sánh niềm vui của một người vợ có chồng luôn về sớm đón con và người vợ được chồng mua tặng hoa ngày lễ.
Vậy nên, hãy tin tưởng bạn đời và ngừng so sánh. Chỉ cần chúng ta tin rằng gia đình đang có là phù hợp nhất với mình, đừng nghĩ tới “cỏ ở phía bên kia hàng rào” thì nhất định sẽ biết cách vun vén hạnh phúc.
Khi đó, ta sẽ biết thu xếp cùng ăn tối cùng nhau, biết trân trọng nhau trong mọi cuộc nói chuyện, biết khi nào nên nắm tay, nên cảm ơn những điều nhỏ bé bạn đời dành cho mình…
Đấy, tôi nghĩ đơn giản vậy thôi. Một bí quyết quan trọng để tạo nên hạnh phúc, là tập trung xây đắp hạnh phúc nhà mình, đừng ngó nghiêng đâu xa. Làm được như thế, bạn sẽ sớm mở cánh cửa bước vào hạnh phúc.
Linh Nguyễn (Hà Nội)
Dưới mái nhà của bạn, hạnh phúc được xây bằng gì?
Hãy chia sẻ quan điểm, ý kiến, câu chuyện của bạn cùng Phụ Nữ Online, gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn theo quy định.
Mời góp ý cho dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc của TPHCM
1. Tiêu chí về ứng xử trong gia đình
- Các thành viên trong gia đình thực hiện nguyên tắc: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ - Gương mẫu.
- Các mối quan hệ ứng xử trong gia đình được đảm bảo:
+ Ứng xử vợ chồng: Nghĩa tình, yêu thương;
+ Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương;
+ Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép;
+ Ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.
2. Tiêu chí về điều kiện vật chất
- Các thành viên trong gia đình có việc làm.
- Gia đình có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống.
- Có nơi ở/nhà ở đủ đáp ứng nhu cầu; Có các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.
3. Tiêu chí về điều kiện tinh thần
- Các thành viên trong gia đình thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng giữa các thành viên.
- Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng;
- Gia đình được sum vầy, đoàn tụ;
- Các thành viên trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau;
- Có điều kiện để tham gia các không gian công cộng dành cho việc vui chơi giải trí;
- Quan hệ họ hàng, nội ngoại tốt; quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt; quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tốt.
4. Tiêu chí về giáo dục
- Các thành viên trong độ tuổi đi học được đến trường.
- Gia đình luôn đề cao việc học hành, nâng cao hiểu biết bản thân.
5. Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe
- Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe.
- Được khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi bệnh.
- Mỗi cặp vợ chồng có đủ hai con.
- Các thành viên tham gia rèn luyện thể dục, thể thao.
- Trẻ vị thành niên, thanh niên, công nhân, cặp đôi tiền hôn nhân tiếp cận thông tin, trang bị kiến thức về tiền hôn nhân, giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới trong gia đình.
|