Tôi vừa đọc một câu chuyện trong cuốn sách mới phát hành của tác giả Mai Thanh Nga: Lũ chim thích chọn cành khô. Thật ra đó chỉ là một chi tiết nhỏ, trong một truyện ngắn với phần hư cấu của người viết, nhưng liên hệ thực tế thì thật sự, đó là mong muốn có thật của phụ nữ trong cách ứng xử của người đàn ông.
|
Hài hước sẽ làm không gian gia đình nhẹ nhõm, vui vẻ - Ảnh minh họa |
Chuyện là, cô gái trẻ sinh con với người yêu nhưng hai người họ đã chia tay. Dù cha đứa bé vẫn nhận lãnh phần trách nhiệm chăm sóc hai mẹ con giai đoạn cô còn ở cữ, nhưng người mẹ trẻ có lúc stress đến mức bỏ đi lang thang một mình và tắt nguồn điện thoại. Suốt ngày chàng trai phải bỏ mọi công việc để lo cho đứa bé. Cuối ngày khi thấy cô gái về, chàng trai hiểu được tâm lý cô, không một lời trách móc mà chỉ hỏi một câu vu vơ: "Em đi mua bô à?".
Đó là một chi tiết gây bật cười cho người đọc, và cũng chính là điều khiến nhân vật cảm thấy thật hài hước và dễ thương. Không khí khi ấy thay vì là một cuộc truy vấn, cãi vã lại trở nên buồn cười với chuyện "mua bô cho con". Mãi đến khi lấy chồng và có thêm một đứa trẻ khác, cô vẫn luôn nhớ về người yêu cũ - không phải vì tình yêu mà vì sự dịu dàng trong đối đãi, luôn biết cách làm mềm mọi căng thẳng giữa hai người.
Còn người chồng hiện tại của cô thì không được như vậy.
Rất nhiều người-chồng-hiện-tại của phụ nữ không được như vậy.
Tôi đã từng ngỡ ngàng nhìn thấy một người chồng bạt tai vợ khi cô ấy đi đâu về khuya và không trả lời câu hỏi: "Đi đâu về đấy?" đầy bực bội của anh.
Tôi cũng đã từng chứng kiến một người chồng khác la lối vô cớ với vợ chỉ vì ở quán cà phê nhân viên phục vụ chậm khiến anh ta phải ngồi chờ. Tôi cũng từng nghe những lời tỉ tê tâm sự của những người em, người chị về chồng/người yêu của họ.
Có cô gái nửa đêm bị bỏ mặc ở bến xe chỉ vì để nhỡ một cuộc điện thoại của anh người yêu nóng tính. Có người vợ tấm tức khóc chỉ vì lời chê bai của chồng sau một bữa cơm chị nấu...
Và an ủi thay - cũng thật mềm lòng khi lại nghe được những câu chuyện hoàn toàn ở chiều hướng khác trong cách đối đãi vợ chồng. Như chuyện của một người vợ đi làm về muộn mang theo bực dọc vào bếp thì anh chồng lặng lẽ bên cạnh, rồi lại mang cá ra... dỗ mèo ăn.
"Mẹ đang quạu thôi hai cha con mình ăn cá, đừng có phá mẹ nghe con. Ổng hài vậy đó, đang bực mà nghe ổng nói chuyện với mèo thì cũng mắc cười. Tự nhiên thấy mình cũng bực dọc vô lý với chồng" - chị kể, trong tiếng cười giòn tan.
Cũng ông chồng ấy, cứ thấy vợ mình lúc nào mặt cau mày có thì không nói chuyện với mèo lại đi cho chim bồ câu ăn. Bằng cách ấy, anh vô tình xoa dịu vợ mà chẳng cần phải tốn công tốn sức.
Chẳng phải anh không có những vấn đề phải lo nghĩ, mà chỉ là anh muốn vợ thoải mái, vui vẻ hơn mà thôi. Tôi cảm thấy, đó là một câu chuyện hết sức dễ thương và tôi cũng nhìn thấy vợ chồng họ thật vui vẻ, hạnh phúc. Đã hơn 15 năm hôn nhân rồi, chị bảo chẳng bao giờ có thể giận anh được, cũng vì óc khôi hài hay tìm cách khiến vợ con phải bật cười.
Những người đàn ông hài hước, ân cần, dịu dàng thường khiến tôi tin rằng, họ có thể gìn giữ mái nhà hạnh phúc và luôn mang đến niềm vui cho vợ/con họ. Có lẽ thật sự là như vậy.
Ngược lại, cũng rất cần người vợ có được óc khôi hài một chút, lạc quan một chút để làm mềm không khí gia đình. Chắc chắn sẽ có người nói rằng, cuộc sống áp lực, mệt mỏi hài hước vui vẻ gì nổi. Nhưng tổ ấm của mình, mình tìm cách giữ gìn chứ đâu ai có thể giúp mình làm điều ấy được.
Cũng có những người chồng/người vợ, chuyện bé trong nhà cũng thành chuyện lớn, chỉ vì cả hai người đều không biết cách "điều phối", "tổ chức" và sử dụng những "vắc-xin" hài hước làm mềm hóa xung đột gia đình.
Ở đây không phải là phạm trù yêu thương, mà chính là cách ứng xử giữa vợ chồng/con cái với nhau, cách làm cho mái nhà nhiều niềm vui, nhiều tiếng cười hơn. Chắc rằng có những cuộc cãi vã thật sự không đáng có trong gia đình được bắt đầu từ sự nóng tính, vội vã, tiêu cực của vợ/chồng. Người ta vẫn nói, giang sơn khó đổi bản tính khó dời, nhưng thật ra, sự hài hước vẫn là một tính cách có thể rèn luyện được.
|
Một chút hài hước, dí dỏm có thể giải phóng cả một cơn bão thịnh nộ to lớn - Ảnh minh họa |
Một người anh nói với tôi rằng, đến khi nhận ra những cãi vã vợ chồng gây ảnh hưởng đến không khí gia đình, đặc biệt là với hai con độ tuổi trưởng thành, anh bắt đọc học cách chậm lại. Chậm lại trong phát ngôn lúc nóng giận, chậm lại trong suy nghĩ để nhìn nhận mọi thứ trước khi lên tiếng, chậm lại để hiểu vợ/con với những lý do vì sao họ làm những điều mà anh không hài lòng.
Chậm lại một chút và cuối cùng anh cảm thấy, điều đó tốt cho mình, cho cả vợ/con. Đứa con trai sau đó từng thổ lộ: "Có lúc con cãi ba là tại vì... thấy bực ông ba hở chút là lớn tiếng, chứ thực lòng không phải con muốn hỗn với ba".
Anh nghe mà sững sờ. Hóa ra, khi anh tự tìm cách thay đổi ứng xử của mình với các thành viên trong gia đình - dù chỉ là một chút thôi thì mọi sự đã khác.
Trong một chuyến đi, luôn có một người hoạt ngôn để "mua vui" cho cả đoàn. Trong một cuộc vui, cũng sẽ luôn có những người hài hước với những câu chuyện tếu lâm, những câu đùa đúng lúc làm mọi người cười thoải mái. Vậy thì trong một gia đình, sao có thể thiếu vắng một người chủ trò dí dỏm như vậy?
Trong cuộc sống thường nhật quen thuộc, chẳng phải lúc nào cũng cần các thành viên phải hoạt ngôn, phải chọc cười mọi người trong nhà. Nhưng chỉ cần một chút hài hước trong cách nghĩ, mỗi người có thể góp phần hóa giải những căng thẳng, xung đột trong gia đình.
Bên trong sự hài hước của một người đàn ông là trái tim ấm áp và bao dung, bên trong sự hài hước lạc quan của một người phụ nữ có thể là một trái tim mạnh mẽ, kiên cường. Và những đứa trẻ, khi được trưởng thành trong một môi trường mà ba mẹ đều là những người tích cực thì ứng xử của chúng có thể cũng sẽ rất khác.
Sự hài hước, tích cực trong cách nghĩ, cách sống của chồng/vợ/con cái cũng là một viên gạch xây nên hạnh phúc, mà bao người đã bỏ qua...
Cầm Thi
(Q.8, TPHCM)
Dưới mái nhà của bạn, hạnh phúc được xây bằng gì?
Hãy chia sẻ quan điểm, ý kiến, câu chuyện của bạn cùng Phụ Nữ Online, gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn theo quy định.
Mời góp ý cho dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc của TPHCM
1. Tiêu chí về ứng xử trong gia đình
- Các thành viên trong gia đình thực hiện nguyên tắc: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ - Gương mẫu.
- Các mối quan hệ ứng xử trong gia đình được đảm bảo:
+ Ứng xử vợ chồng: Nghĩa tình, yêu thương;
+ Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương;
+ Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép;
+ Ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.
2. Tiêu chí về điều kiện vật chất
- Các thành viên trong gia đình có việc làm.
- Gia đình có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống.
- Có nơi ở/nhà ở đủ đáp ứng nhu cầu; Có các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.
3. Tiêu chí về điều kiện tinh thần
- Các thành viên trong gia đình thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng giữa các thành viên.
- Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng;
- Gia đình được sum vầy, đoàn tụ;
- Các thành viên trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau;
- Có điều kiện để tham gia các không gian công cộng dành cho việc vui chơi giải trí;
- Quan hệ họ hàng, nội ngoại tốt; quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt; quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tốt.
4. Tiêu chí về giáo dục
- Các thành viên trong độ tuổi đi học được đến trường.
- Gia đình luôn đề cao việc học hành, nâng cao hiểu biết bản thân.
5. Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe
- Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe.
- Được khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi bệnh.
- Mỗi cặp vợ chồng có đủ hai con.
- Các thành viên tham gia rèn luyện thể dục, thể thao.
- Trẻ vị thành niên, thanh niên, công nhân, cặp đôi tiền hôn nhân tiếp cận thông tin, trang bị kiến thức về tiền hôn nhân, giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới trong gia đình.
|