Góp ý dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc: Cùng “thiết kế” chiếc áo hạnh phúc

02/06/2021 - 11:53

PNO - TP.HCM đang xây dựng các “Tiêu chí gia đình hạnh phúc” nhằm giúp người dân nhìn rõ hơn trách nhiệm của mình đối với gia đình, để cùng nhau xây đắp và tận hưởng định nghĩa: gia đình là một thiên đường.

TP.HCM chuẩn bị có bộ tiêu chí “Xây dựng gia đình hạnh phúc”. Trong những ngày tháng này, khi mỗi mái nhà trở thành một chốn bình an tránh dịch COVID-19, ý nghĩa của cụm chữ “gia đình hạnh phúc” càng trở nên thiết thực. 

Quan tâm xây dựng một bộ tiêu chí như vậy cũng là mong muốn xây dựng thành phố với những con người đặc trưng của thành phố - những con người hạnh phúc.

Nhưng có lẽ, hạnh phúc gia đình là khái niệm thật khó để thống nhất, để đưa thành hình mẫu. Những cố gắng xây dựng bộ tiêu chí gia đình hạnh phúc có thể coi như sự khởi đầu của một quá trình hoàn chỉnh, thống nhất khái niệm này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điều gì cũng cần sự bắt đầu. Hôm nay chính quyền và người dân TP.HCM bắt đầu cùng nhau nghĩ về, bàn về hạnh phúc gia đình, cùng đo cùng cắt cùng may chiếc áo hạnh phúc gia đình - cái khởi đầu ấy cũng là một hạnh phúc nho nhỏ.

Rõ ràng, bộ tiêu chí sẽ giúp người ta hình dung ra những mặt thực tế của một khái niệm rất đẹp nhưng rất trừu tượng.

Trong cố gắng cụ thể hóa hạnh phúc này, dự thảo bộ tiêu chí đề cập đến những điều kiện rõ ràng về ứng xử trong gia đình, điều kiện vật chất, điều kiện tinh thần, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe. Mỗi tiêu chí gồm các mục nhỏ, có thể đánh giá được bằng cả hai cách định lượng và định tính. 

Một số mục khi mới đọc qua thấy như còn gượng ép, nhưng nghĩ kỹ thấy có cái lý riêng. Ví dụ mục “sự hài lòng của người dân TP.HCM là thước đo hạnh phúc gia đình”.

Sống trong một thành phố mà người dân hài lòng với dịch vụ công của chính quyền; hài lòng với cộng đồng tổ dân phố, phường quận; hài lòng với đường sá, bệnh viện, dịch vụ, giải trí… chắc chắn người ta sẽ mang sự hài lòng ấy vào trong gia đình, sẽ thấy gia đình mình đang hạnh phúc khi được sống trong một thành phố như thế. 

Tôi thử mang bộ tiêu chí này đánh giá một vài gia đình mà tôi thân thiết. Thật đáng mừng, các bạn tôi đều có gia đình hạnh phúc. Nhưng nghĩ kỹ lại, cũng chưa thật hẳn là như vậy.

Dù mỗi gia đình hạnh phúc theo một cách khác nhau, nhưng nhiều gia đình tôi biết vẫn có thể rơi vào tình trạng được trao chiếc áo “hạnh phúc” này, nhưng không dám mặc, bởi họ thấy mình không thực sự hạnh phúc. 

Một nghiên cứu rất nổi tiếng của Đại học Harvard tiến hành trên 724 người trưởng thành trong suốt 75 năm đã được công bố, cho biết một trong nhiều điều đáng chú ý: chất lượng các mối quan hệ làm cho người ta hạnh phúc, đặc biệt là mối quan hệ hôn nhân và gia đình.

Gia đình là môi trường sống đầu tiên và quan trọng của mỗi con người. Gia đình hạnh phúc bao gồm những cá nhân hạnh phúc. Khó mà loại bỏ những yếu tố hạnh phúc cá nhân trong hạnh phúc gia đình. 

Trong tiêu chí về điều kiện tinh thần, có đề cập đến các mối quan hệ này: “Quan hệ họ hàng, nội ngoại tốt; quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt; quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tốt”. Có lẽ hơi thừa và cũng hơi thiếu.

Gia đình bạn tôi có một đứa con bị thiểu năng trí tuệ. Vì tâm trí, tính cách, cháu không thể có quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt, không thể có quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tốt, nhưng cháu vẫn là một thành viên được cả gia đình yêu thương, chăm sóc.

Cũng như vậy đối với một gia đình khác, con gái ly hôn mang hai con về ở với ông bà ngoại, ông bà ngoại đã đứng ra bảo bọc, họ biết mình không lo thì cũng chẳng ai lo cho con cháu mình. Gia đình của người phụ nữ trẻ bây giờ là gia đình lớn, nhà nghèo, chỗ ở chật hẹp nhưng họ đùm bọc nhau, không thể nói là không hạnh phúc.

Có lẽ, nên thêm vào chiếc áo hạnh phúc này những phụ kiện cho chiếc áo đa dạng hơn, phong phú hơn. Như vậy sẽ có gia đình hạnh phúc kiểu A, có gia đình hạnh phúc kiểu B, kiểu X, Y, Z. Chấp nhận sự khác biệt là một chuyện rất quan trọng đối với gia đình, và cực kỳ quan trọng đối với mỗi cá nhân. 

Gia đình gắn liền với quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng con người. Bộ tiêu chí hình như cũng chưa quan tâm đến điều này như một nền tảng cơ bản. Các tiêu chí về điều kiện vật chất, về quan hệ ứng xử cũng chưa thực sự đề cập rõ ràng đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng con người.

Trẻ em chưa đủ tuổi trưởng thành, người già cần phụng dưỡng, những cá thể yếu thế trong xã hội… chính là những người cần đến gia đình, cần nương tựa vào gia đình, và họ cũng là những thành viên hay bị coi là “gánh nặng” có thể khiến sứt mẻ hạnh phúc chung, khiến sự hài lòng của các thành viên còn lại trong gia đình giảm đi. 

Hạnh phúc là khi cơ thể gia đình ấy mạnh khỏe, nhưng hạnh phúc sẽ quý giá hơn nhiều khi trong cảnh khó khăn, hoạn nạn, các thành viên gia đình cưu mang, giúp đỡ, đùm bọc nhau. Điều này khó, chính vì vậy mới cần đến những tiêu chí định danh cụ thể, rạch ròi. 

Khi hạnh phúc, thường con người cũng sẽ bắt đầu nghĩ về hạnh phúc một cách thực tế hơn, chi tiết hơn. Khi đã xây dựng tiêu chí, tức là hạnh phúc gia đình không còn là điều gì quá xa vời, mà đã thành một thứ có thể nhận biết, đong đếm được. Vui nhất với bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc của thành phố, là điều ấy. 

Dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc

TP.HCM đang xây dựng các “Tiêu chí gia đình hạnh phúc” nhằm giúp người dân nhìn rõ hơn trách nhiệm của mình đối với gia đình, để cùng nhau xây đắp và tận hưởng định nghĩa: gia đình là một thiên đường. 

Mời bạn góp ý cho dự thảo theo các nội dung sau:

 1. Tiêu chí về ứng xử trong gia đình

- Các thành viên trong gia đình thực hiện nguyên tắc: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ - Gương mẫu.

- Các mối quan hệ ứng xử trong gia đình được đảm bảo:

+ Ứng xử vợ chồng: Nghĩa tình, yêu thương;

+ Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương;

+ Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép;

+ Ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.

2. Tiêu chí về điều kiện vật chất

- Các thành viên trong gia đình có việc làm.

- Gia đình có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống.

- Có nơi ở/nhà ở đủ đáp ứng nhu cầu; Có các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.

3. Tiêu chí về điều kiện tinh thần

- Các thành viên trong gia đình thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng giữa các thành viên.

- Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng;

- Gia đình được sum vầy, đoàn tụ;

- Các thành viên trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau;

- Có điều kiện để tham gia các không gian công cộng dành cho việc vui chơi giải trí;

- Quan hệ họ hàng, nội ngoại tốt; quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt; quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tốt. 

4. Tiêu chí về giáo dục

- Các thành viên trong độ tuổi đi học được đến trường.

- Gia đình luôn đề cao việc học hành, nâng cao hiểu biết bản thân.

5. Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe

- Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe.

- Được khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi bệnh.

- Mỗi cặp vợ chồng có đủ hai con.

- Các thành viên tham gia rèn luyện thể dục, thể thao.

- Trẻ vị thành niên, thanh niên, công nhân, cặp đôi tiền hôn nhân tiếp cận thông tin, trang bị kiến thức về tiền hôn nhân, giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới trong gia đình.

Hồng Lộ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI