Diễn đàn Giữ mình là giữ nghề: Ðừng gây cười bằng bạo lực và sự thô tục

08/03/2017 - 19:00

PNO - Khi cả xã hội đang lên án nạn bạo lực, nhất là bạo lực học đường và bạo lực gia đình, thì ngược lại, trên truyền hình lại đang tràn ngập những gameshow “cổ xúy” cho bạo lực, nhan nhản những chuyện thô tục… chỉ để gây cười.

Trước đây, ở chương trình "Ơn giời, cậu đây rồi!" khán giả đã phải lên tiếng vì quá nhiều tình huống bạo lực, gây phản cảm cho người xem. Siêu nhân (Ngọc Tưởng) liên tục bị Đại Nghĩa tát mạnh vào mặt, vào đầu, bị rượt đuổi, túm tóc, đè đầu xuống đất để xem siêu nhân có biết đau không. Rồi Đại Nghĩa cầm điện thoại ném siêu nhân để xem “máu siêu nhân màu tím hay màu đỏ”... Chính giám khảo Hoài Linh cũng phải nhận xét tiết mục này là quá bạo lực.

Dien dan Giu minh la giu nghe: Ðung gay cuoi bang bao luc va su tho tuc
Đại Nghĩa và Anh Đức trong Ơn giời, cậu đây rồi!

Xem chương trình Cặp đôi hài hước trên đài THVL1, hài hước đâu chẳng thấy, chỉ thấy các thí sinh liên tiếp đấm, đá, tát nhau để… gây cười. Không chỉ bạo lực bằng hành động, ngôn ngữ “chợ búa” cũng thường xuyên được các diễn viên sử dụng. Cặp đôi Huỳnh Tiến Khoa - Don Nguyễn trong nhiều tiểu phẩm như: Bóng bói, May mắn lần sau, Bay về đâu người ơi… đã không ngần ngại xổ vào mặt nhau những: má mày, con quỷ, tao táng vô mặt nó, tao hạ huyệt mày… Một chị bạn tôi sau khi xem tiết mục này đã than: “Thật không thể chịu nổi, ngồi xem với mấy đứa nhỏ mà cứ thấy cảnh nghệ sĩ tát nhau chan chát, xưng mày mày, tao tao, chửi nhau ì xèo”.

Một chương trình gameshow khi được phát trên sóng truyền hình cho đủ các đối tượng khán giả thì việc dùng ngôn ngữ chợ búa, hành động bạo lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng, nhất là với trẻ em, thanh thiếu niên… Cứ như thế, thay vì được giải trí, người xem phải lãnh đủ tác dụng ngược của thói bạo lực và thứ ngôn từ thô tục. Nếu người nghệ sĩ cứ lạm dụng tiếng cười không sạch thì vừa phản giáo dục, vừa khiến khán giả bất bình, tẩy chay.

Lan Chi (Q.1, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI