Diễn đàn "đừng sợ con làm hỏng!": Đừng biến con thành những đứa - trẻ - lớn

26/09/2016 - 16:38

PNO - Thương con không có nghĩa là ủ bọc con bên trong cái tổ “bất khả xâm phạm” hay dạy con rằng cuộc đời chỉ toàn màu hồng và những điều lạc quan.

Trong một buổi tọa đàm về cách dạy con tại TP.HCM vừa qua, các bậc phụ huynh đã ồ lên khi chị Phan Hồ Điệp - mẹ của cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam, chia sẻ rằng dẫu cuộc sống không quá vất vả nhưng vợ chồng chị vẫn chủ động tạo ra những khó khăn để con chị có dịp trải nghiệm.

Ví dụ, chị ngắt cầu dao điện để con hiểu được cái “khổ” khi phải chịu sự nóng bức vì không có máy lạnh, không có điện thắp sáng. Bên cạnh những món ngon bổ dưỡng, đắt tiền, chị tập cho con ăn những món đơn giản như cơm với muối vừng, dù thằng bé lúc đầu không thích nhưng rồi cũng quen.

Dien dan
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Khán giả từ xôn xao bàn luận, thậm chí có người phản đối cách dạy con có vẻ “lạ” đến dần dần bị thuyết phục khi chị Hồ Điệp chia sẻ lợi ích của việc dạy con làm việc nhà từ rất sớm, kể cả chấp nhận việc con bị đứt tay khi chị tập cho bé dùng dao chế biến thức ăn. Chính vì vậy mà con trai chị đã rất vững vàng và tự chủ khi sống một mình trong thời gian du học nơi xứ người.

Anh bạn tôi lại dạy con tự lập theo cách khác. Vốn yêu thích du lịch nhưng không muốn tập cho con thói quen hưởng thụ, anh sắp xếp những chuyến đi cho cả nhà theo kiểu “phượt” để trẻ có cảm nhận và trải nghiệm khác biệt.

Ba cu con 8, 10 và 13 tuổi phải tự sắp xếp hành lý của mình trong giới hạn số ký anh đưa ra theo thể trạng của từng đứa, các bé phải tự nghĩ xem nên mang hay không mang vật dụng gì cho phù hợp và tự quản lý hành lý trong suốt chuyến đi.

Vợ chồng anh thường chọn điểm đến là nơi thiên nhiên hoang dã, kích thích bọn trẻ khám phá tìm hiểu thay vì những khu vui chơi giải trí mang tính công nghiệp. Nơi lưu trú là dịch vụ homestay giản dị chứ không phải resort được trang bị tiện nghi và phương tiện di chuyển thường là ô tô hoặc tàu hỏa để bọn trẻ ngắm cảnh vật, núi non dọc đường.

Các con cùng bố mẹ dò đường trên bản đồ hay thiết bị định vị, cùng quyết định ăn gì, nghỉ ở đâu cũng như hành trình cụ thể cho mỗi chặng. Điều khiến anh hài lòng là sự rắn rỏi, chững chạc cũng như những điều bọn trẻ học được sau mỗi chuyến đi.

Có những bậc cha mẹ vì sợ con khổ, sợ con làm sai nên không muốn con động tay động chân làm gì khác ngoài tập trung cho việc học, cũng không được quyền góp ý kiến với cha mẹ trong bất cứ việc lớn nhỏ nào do tư tưởng “con nít biết gì”. Những người đồng tình việc tập cho trẻ con chia sẻ mọi việc với người lớn, họ sẵn sàng chấp nhận những điều không như ý khi trẻ nghĩ sai hay làm sai bởi với họ, sai, hỏng cũng là cách giúp con học hỏi kinh nghiệm để trưởng thành hơn.

Có điều, khi giao việc cho trẻ cũng nên lưu ý đến độ tuổi, sức khỏe và khả năng chứ không thể theo kiểu “tập cho trẻ lao động” như cách giáo viên một trường học ở Nha Trang bắt trẻ khiêng bàn ghế xuống lầu. Đó là công việc nguy hiểm đối với lứa tuổi và thể trạng vốn chưa phát triển đầy đủ của các em học sinh.

Thương con không có nghĩa là ủ bọc con bên trong cái tổ “bất khả xâm phạm” hay dạy con rằng cuộc đời chỉ toàn màu hồng và những điều lạc quan. Nên cho con có dịp trải nghiệm những điều tiêu cực (dĩ nhiên trong chừng mực có thể kiểm soát được) để con có thể tự xoay xở khi cuộc sống khó khăn hoặc không như ý muốn. Liệu như thế có phải là quá cả nghĩ, lo xa?

Đào An Nhiên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI