Diễn đàn "Đánh ghen thời công nghệ": Người đi đánh ghen có bị pháp luật xử lý?

18/08/2020 - 06:02

PNO - Đánh ghen quay clip, “lý luận”, giảng giải đạo lý cho tình địch nghe ở góc nhìn tình cảm, tôi cho là điều không cần thiết, bởi lý luận của đa số người ngoại tình và kẻ thứ ba rằng “con tim có lý lẽ của nó”.

Còn ở góc độ lý lẽ, chỉ cần người có nhận thức, thì ai cũng phải biết ngoại tình là hành vi sai trái, làm kẻ thứ ba lại càng sai trái, vậy thì lý luận với họ để làm gì?

Thế còn ở góc độ pháp lý? Tôi xin nêu một số quy định pháp luật liên quan chủ đề “ngoại tình” như sau:

+ Theo quy định tại Điều 148, Nghị định 110/2013/NĐ-CP và khoản 35, Điều 1, Nghị định 67/2015/NĐ-CP thì các hành vi: “đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ” sẽ bị phạt hành chính từ 1-3 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, Điều 182, Bộ luật Hình sự 2015 về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng quy định: người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một người hoặc hai bên dẫn đến ly hôn.
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Theo quy định tại mục 8, Nghị quyết 02/2000 của Hội đồng Thẩm phán thì căn cứ tòa án giải quyết ly hôn là “mâu thuẫn trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được, trong đó có một trong các căn cứ là: “Vợ chồng không chung thủy với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình”.

Ghen tuông Ảnh minh họa
Đánh ghen mà gây tổn hại danh dự, sức khỏe, tính mạng người khác, thì có thể bị chế tài. Ảnh minh họa

Theo quy định tại Điều 55, 56, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, vợ/chồng có thể lựa chọn thuận tình ly hôn hoặc đơn phương ly hôn, cụ thể:

+ Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án giải quyết việc ly hôn.

+ Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Về nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn, tòa án ngoài việc xem xét công sức đóng góp, hoàn cảnh gia đình vợ chồng còn xem xét “lỗi của bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ vợ chồng”. 

Riêng đối với hành vi đánh ghen mà gây tổn hại danh dự, sức khỏe, tính mạng người khác thì tùy vào hành vi, lỗi và hậu quả mà người đánh ghen có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 như: tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Điều 134), tội giết người (Điều 123), tội làm nhục người khác (Điều 155)…

Nếu không đủ cơ sở xử lý hình sự thì người đánh ghen làm nhục người khác có thể bị xử phạt hành chính từ 100.000 - 300.000 đồng; người gây thương tích cho người khác có thể bị phạt hành chính đến 2-3 triệu đồng (Điều 5, Nghị định 167/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2013).

Ngoài ra, người đánh ghen còn có thể bị “kẻ ngoại tình” khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại dân sự nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người khác (Điều 590, Bộ luật Dân sự 2015).

Cuối cùng, bạn có bao giờ nghĩ “clip quay hiện trường” làm bạn hả giận nhưng gia đình “kẻ thứ ba” bị tổn thương không, đặc biệt là những đứa trẻ của người trong cuộc?

Bạn chỉ có thể ứng xử văn minh và có hậu khi bạn nhận thức rằng: ngoại tình là một vụ việc mà tất cả người trong cuộc vừa là “thủ phạm”, vừa là nạn nhân; vừa đáng trách lại vừa đáng thương; vừa đáng giận nhưng cũng đáng được lắng nghe, cảm thông.

Nếu ứng xử lệch chuẩn bạn sẽ nhận cái giá tương ứng, với những chế tài pháp lý khắt khe.  

Luật sư Trần Hoài Nhân
(Đoàn Luật sư TP.HCM)

Bạn nghĩ gì về chuyện đánh ghen thời công nghệ? Cần tận dụng mạng xã hội để lột trần kẻ bạc tình và người thứ 3 xấu xa, hay có cách nào khác khôn khéo hơn?

Theo bạn, thế nào là "đánh ghen văn minh, cao thượng"?

Xin mời bạn gửi ý kiến cho diễn đàn "Đánh ghen thời công nghệ" của báo Phụ Nữ. Địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn như quy định.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI