Diễn đàn Có nên ly hôn tuổi xế chiều?: Biết thế thì đã nhẫn nhịn...

15/05/2021 - 19:31

PNO - Nhiều năm sau khi ly hôn, cảm giác của đôi vợ chồng ngoài 50 ấy chỉ gói gọn trong hai từ “hối hận”.

Tôi xin góp một câu chuyện nhỏ trong diễn đàn Có nên ly hôn tuổi xế chiều?, mong những ai quan tâm có thêm một tình huống để cân nhắc. Đó là chuyện nhà cô Hằng trong xóm tôi.

Chung sống cùng nhau cả một quãng đường dài, vậy mà khi bước qua tuổi 50 một chút, cô Hằng và chồng quyết định ly hôn. 

Chẳng phải lỗi lớn ngoại tình. Chẳng còn mâu thuẫn nhà chồng, nhà vợ. Họ chia tay chỉ vì những vụn vặt trong cuộc sống. Chú thì quá bảo thủ, cô thì cho rằng mình đã chịu đựng thói gia trưởng của chồng biết bao nhiêu năm trời.

Ảnh minh họ
Ảnh minh họa

Con cái đã lớn, ở tuổi xế chiều, cô Hằng muốn sống trọn vẹn hơn, thoải mái hơn. Vì thế cô thích gặp gỡ bạn cũ, tham gia các lớp yoga, lâu lâu diện một bộ đồ đẹp, đi cà phê cùng bạn bè. Còn chú, xưa nay đã quen với cảnh vợ ở nhà 24/24, nên tự nhiên đâm ra khó chịu.

Chỉ vì chú cản cô đi tập, chỉ vì cô chán với cảnh đã “hầu chồng” từng đó năm trời, chỉ vì câu qua tiếng lại mà một hôm nóng nực, trời nồm, họ đã nói lời chia tay.

Cô bảo chú viết đơn đi cô ký, chứ cô hết chịu nổi ông chồng gia trưởng. Hồi trẻ, cô đã phục vụ nhà chồng, có con lại hết lòng lo cho con cái, giờ về già muốn một lần sống tự do cũng khó. Cô cần được thoải mái, đời này cô đã làm đủ những việc cần làm, chỉ có sống cho bản thân mình thì chưa.

Chú nghe cô nói vậy, cơn giận đùng đùng nổi lên. Vậy là viết đơn, vậy là ký. Đến ngày tòa gọi, hai vợ chồng vẫn không giảng hòa. Con cái ở xa, tự nhiên nghe cha mẹ ly hôn thì tá hỏa. Nhà có 3 đứa con, không đứa nào đồng ý. Nhưng cản thế nào được ông bà.

Chuyện ly hôn diễn ra chóng vánh, tuổi này thì con cái chẳng cần chia chác gì cả, tài sản cả đời dành dụm cũng may vừa đủ có 2 căn nhà. Ông một căn, bà một căn, chia ra mạnh ai nấy sống.

Chuyện ly hôn của vợ chồng cô Hằng làm hàng xóm xung quanh xì xào mất cả tuần. Họ bàn ra tán vào, có người ác miệng đồn cô Hằng có bồ nhí, lại có người chỉ trích chú quá khó tính, bảo thủ nên cô muốn bỏ.

Lời đồn cũng chỉ mấy hôm là êm xuôi, còn cô chú mỗi người có cuộc sống riêng là sự thật. Cô thoải mái làm những gì mình thích, chú thì tìm niềm vui bên mấy chậu kiểng, lâu lâu gọi hỏi thăm con cháu, lúc buồn quá thì đi đánh cờ, làm vài chén rượu với bạn bè. Sau ly hôn, hai người tính ra tự do hẳn, nhưng có ngờ đâu chỉ thời gian đầu mà thôi.

Được khoảng một năm, chú nghe tin cô đi tập bị té xe, nứt xương phải nằm viện. Con cái vào thay nhau chăm sóc, cũng đòi cha phải có trách nhiệm vào thăm mẹ. Chú ngoài mặt tuy còn xa cách, nhưng lòng dạ sống với nhau chừng đó năm trời cũng mềm. Bọn trẻ bận rộn công việc, cuối cùng phải lo đi làm ăn, còn lại chú được giao trọng trách chăm bẵm “mẹ của tụi nhỏ”.

Mấy ngày ở viện, ai ai nhìn vào cũng ngưỡng mộ cô chú, rằng tuổi già còn gắn bó bên nhau như thế thật quý. Cô Hằng cười ngượng ngùng, chẳng biết giải thích thế nào.

Sau trận nằm viện ấy, cô bỏ hẳn chuyện đi tập, ở nhà buồn tênh. Còn chú, sau bao tháng ngày quanh quẩn hết chăm lan tới dạy chim hót nay cũng chán. Căn nhà rộng, tụi trẻ thì ít về, quay ra quay vào thấy sao mà trống trải.

Cũng vài lần cô Hằng phải ghé qua chăm sóc chú khi bệnh, cũng vài lần xương cô đau, tái phát, chú lại phải chở cô vào viện. Hàng xóm nhìn thấy, bâng quơ: “Thôi ông bà về ở chung lại đi, bao nhiêu năm tính xấu của nhau còn chịu được, giờ về già lại không chín bỏ làm mười được ư?”.

Nói là vậy, nhưng ai cũng lớn hết rồi, cô và chú giờ khó lòng quay lại. Cả hai đều hiểu những hối hận trong lòng nhau, nhưng không ai nói ra.

Cả hai đều hối hận. Biết thế nhẫn nhịn hơn một chút, biết thế tuổi già nương vào nhau hơn một chút. Nhưng trễ rồi, về tình, cô chú còn nghĩ cho nhau đó, còn về lý, giờ họ là hai người xa lạ, chẳng còn gì ràng buộc, ngoài những đứa con ở xa, ít khi về nhà.

H.Thương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI