Diễn đàn Có nên ly hôn khi đã xế chiều?: Chống gậy ra tòa tìm tự do - đâu đơn giản!

14/05/2021 - 06:00

PNO - Những cặp chia tay tuổi xế chiều, họ có mấy con? Ai sẽ nuôi bố, ai sẽ nhận nuôi mẹ? Họ có đủ tiền mua hay thuê một căn nhà khác?

Vụ ly hôn nổi tiếng của tỉ phú Bill Gates chưa nguội, khi các tin tức mới về phiên tòa chia tài sản, những tiết lộ của Bill về cuộc sống không tình yêu với vợ vẫn liên tục được cập nhật. Nhưng tôi ngẫm ngợi mãi cái câu bà Melinda Gates chia sẻ: “Từ lâu chúng tôi không còn là một đôi”.

Câu nói này khiến tôi băn khoăn tự hỏi: Trong vô vàn cái gọi là tổ ấm, liệu có bao nhiêu phần trăm những cặp vợ chồng thực sự là một đôi?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Người ta thường nói hôn nhân là nấm mồ của tình yêu. Khi bắt đầu một mối quan hệ, mọi thứ đều chân thành đến mức hoàn hảo nhất trong khả năng của người vun vén. Nhưng khi bước vào đời sống hôn nhân, cơm áo gạo tiền, mẹ chồng bố vợ, con cái ốm đau. Nơi được gọi là nhà, chính là nơi người ta suồng sã nhất, bộc lộ tất cả tính cách đã được kiềm chế trong thời gian yêu nhau.

Thêm nữa “hormone tình yêu” cũng giảm dần theo thời gian. Quan niệm về hôn nhân cũng thoáng hơn trước. Những điều đó lý giải vì sao các cặp đôi đưa nhau ra tòa đường ai nấy đi ngày càng nhiều.

Khi hôn nhân chỉ còn lại trách nhiệm, vợ chồng là người chung lưng đấu cật nhưng đồng sàng dị mộng thì chỉ cần có yếu tố ngoại cảnh tác động và ý nghĩ muốn bước ra khỏi cuộc hôn nhân đó thì ly hôn là điều tất yếu. Yếu tố ngoại cảnh ở đây có thể là một bạn tình, một người thứ ba…

Nhưng đấy là những người giữa đường gãy gánh, họ chọn ly hôn khi còn trẻ, còn nhiều cơ hội làm lại, đi bước nữa. Vậy những người lớn tuổi đã đi qua mọi khó khăn, đã cùng nhau sống gần hết đời người. Họ đã nghĩ gì khi quyết định “chống gậy ra tòa” để được tự do?

Tôi biết có đôi vợ chồng già sống chung nhà nhưng ăn riêng ngủ riêng gần ba chục năm trời, việc ai nấy  làm, cơm ai nấy ăn. Nhiều người thắc mắc ngay từ khi còn trẻ sao họ không giải thoát cho nhau.

Có lần ngồi đánh cờ, ông tâm sự  ở cái đất thành phố này thật khó để mua được một căn nhà riêng. Mà ở chung cũng có cái tiện, chẳng may gãy càng sứt gọng thì cũng có người kia gọi con cháu đến chăm cho, ông cũng chẳng có nhu cầu tìm một người bạn đời khác thành ra sống với nhau có người ra người vào cũng đỡ buồn.

Có người cùng cơ quan tôi có vợ ngoại tình, rồi con trai nghe lời mẹ cũng từ mặt anh ấy, sau ly hôn anh ta suy sụp đến nỗi chìm nghỉm vào những cơn say. Từ một nhân viên giao hàng tối tối về nhà với vợ, dẫu chỉ là nhà trọ - cũng có thể coi là tổ ấm, sau biến cố gia đình, anh không buồn thuê nhà, vai đeo balo ra gầm cầu giăng võng ngủ. Anh vẫn mong vợ con anh đi qua nhìn thấy mà đau lòng, mà thương anh rồi quay lại.

Nhưng con trai anh đang tuổi ăn chưa no lo chưa tới, vợ anh đắm chìm trong tình mới. Anh đổ bệnh rồi đến cái ăn cái mặc cũng phải nhờ người khác cưu mang.

Có những người sống với vợ hay chồng mà lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu một kế hoạch lớn: “Bao giờ con học xong đại học thì sẽ ly hôn". Hoặc thực tế hơn là “bao giờ có đủ tiền sẽ bỏ đi thật xa”. Thế mà cứ quẩn quanh mãi hết cả thời son trẻ.

Đâu đó quanh ta rất nhiều người già muốn ly hôn, như ngọn lửa đã cháy leo lét bao nhiêu năm, đã chịu đựng, nhẫn nhịn đủ đường muốn bùng lên trước khi tắt lịm. Lúc đó con cái họ đã trưởng thành, công việc đã xếp lại, đã đủ bản lĩnh hoặc quá chán chường để bước qua những lời đàm tiếu. Nhưng họ có thật sự không vướng bận gì nữa không?

Họ có mấy đứa con? Ai sẽ nuôi bố, ai sẽ nhận nuôi mẹ?  Nếu không muốn làm phiền con cái, họ có đủ khả năng tài chính để mua hay thuê một căn nhà khác. Có đủ tiền thuê một Osin tận tụy chăm sóc lúc trái gió trở trời? 

Việc tìm được một người bạn đời mới ở tuổi thất thập cổ lai hi để dựa dẫm vào nhau khó hơn mò kim đáy bể. Trừ khi họ giàu có đến mức mua được tất cả mọi thứ trên đời kể cả tình yêu.

Có người chua chát: Chỉ cần có tiền, tiền sẽ giải quyết được gần hết tất cả các rắc rối trong đời. Vậy nên nhiều người dù thực sự không còn là một đôi, không còn vướng bận con cái, chẳng còn gì để sợ mất muốn ly hôn cũng phải suy đi tính lại đủ đường.

Vì không thể tự thu xếp cho mình một tổ ấm mới thơm tho hơn thì đành phải sống nốt cuộc đời với người mà “nhìn chỗ nào cũng không ưa nổi”, đã chịu đựng được nhau mấy chục năm trời thì thôi ráng nốt, đời mình dẫu sao cũng đã chẳng ra gì, hoặc tặc lưỡi sống lâu trong cái khổ cũng quen rồi.

Những vụ ly hôn ồn ào của những doanh nhân, tỷ phú trong nước và trên thế giới gây nhiều tò mò trong dư luận. Nhưng rốt cuộc dù thế nào họ cũng có rất nhiều tiền. Khi chia tài sản mỗi người có hàng nghìn tỉ đồng, nhiều triệu đô bất luận thế giới ngoài kia bão giông đến đâu họ vẫn sẽ sống tốt, rất tốt.

Trông người lại ngẫm đến ta, cuối đường đứt gánh cũng dễ hiểu thôi nhưng nhất định phải ngó trước nhìn sau, phải chuẩn bị các tiền đề thật kỹ.

Nguyên Xuân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI