Diễn đàn "bóng ma bia rượu": Chẳng nói được gì giữa cơn say

08/10/2016 - 09:25

PNO - Trong mỗi gia đình, con đường của những cơn say chỉ có một, nó len giữa những ồn ào, quát nạt và những phẫn nộ kìm giữ, những chịu đựng câm nín chờ ngày phát nổ...

Kẻ phá bĩnh

Cha con gặp nhau chỗ… tủ lạnh. Đang loay hoay lấy thức ăn, cảm giác được cha mình đang đứng phía sau, Trần Ngọc Hân (16 tuổi, P.Tam Phú, Q.Thủ Đức) đóng rầm cánh cửa lại, quay phắt đi. Đang mệt mỏi gãi đầu gãi tai giữa cơn say, thấy thái độ của con, anh Trần Ngọc Luận (44 tuổi, cha Hân) bất ngờ đá rầm vào… cái tủ lạnh, hất tung khay ly để gần đó, rồi lớn giọng quát tháo.

Trên phòng khách, Trần Ngọc Hữu (19 tuổi) tắt phụt cái ti vi đang coi dở, lặng lẽ rút về phòng. Căn nhà vắng tanh như bị nhấn chìm giữa những tiếng quát tháo, văng tục vô tội vạ của... trụ cột. Chỉ có đứa trẻ tám tuổi nín lặng ngồi ở góc nhà, bất động trước những con búp bê đang chơi nửa chừng.

Đó là bức tranh gia đình thường ngày của chị Hoàng Mỹ Yên (44 tuổi) suốt tám năm nay, từ ngày chị nghỉ thai sản, ở nhà chăm đứa con thứ ba; còn Luận sau mỗi giờ làm lại phải tất bật giao lưu, quan hệ để kiếm thêm thu nhập. Anh “dây” vào rượu bia từ ngày đó.

Rồi khi càng “thân thiết” với ma men, anh càng rơi rớt dần những mối quan hệ. Những tính xấu như “từ trên trời rớt xuống” mỗi lần anh say rượu. Từ một người chồng sạch sẽ, hiền lành, điềm đạm, hiểu biết, mỗi lần quá chén Luận lại trở nên nóng nảy, tục tĩu và ở dơ.

Từ những cú sốc ban đầu, chị Yên được những cơn say của chồng “dạy” cho... chai sạn đi, cho triệt tiêu hết những giận dỗi, trách cứ. Đang cơn say, càng bị trách cứ, Luận càng... leo thang chửi bới. Những ăn năn lúc tỉnh lập tức bị cuốn trôi sạch trong cơn say tiếp theo. Cứ thế, tám năm trôi qua, cái hy vọng chồng sẽ thay đổi ngày càng vơi đi trong chị.

Nhưng, những chịu đựng tích tụ bao năm trong chị như bùng nổ, từ ngày hai đứa con đầu biết phản ứng. Đứa con trai lớn vốn ít nói, lại càng lầm lì hơn trước cha. Đứa con gái thứ hai lúc nào cũng đăm đăm nét mặt, hễ chạm mặt cha là vùng vằng, nhăn nhó. Mà Luận cũng chẳng vừa. Biết mình không được tôn trọng, một cử chỉ nhỏ của con cũng đủ khiến anh chửi bới, đập phá; rồi lấy cớ đi... nhậu nữa, nhậu nữa.

Mặc kệ chị Yên khuyên giải, những hành động của Luận liên tục khắc sâu vào lòng con hình ảnh một người cha bệ rạc, lúc nào cũng sẵn sàng gây hấn. Luận gây hấn với cả người ngoài, để rồi dăm bữa lại chân nam đá chân chiêu trở về nhà, người trầy trụa, máu me, miệng liên tục chửi bới một cái tên nào đó vài hôm trước còn là bạn nhậu. Sáng mai tỉnh giấc, Luận lại đĩnh đạc đến chỗ làm; rồi đến tối lại về, nồng nặc cả cái mùi lẫn cái dáng dấp của một người vừa chìm trong men rượu.

Có khi đang căng thẳng, bất lực với con, Luận bất ngờ túm lấy chị Yên, vừa kéo xềnh xệch lên lầu, vừa quát vọng xuống: “Mẹ mày là của tao!”. Trong căn phòng ngủ tối tăm những đêm đớn đau như thế, chị Yên như đứt từng khúc ruột khi nghĩ về những đứa trẻ cũng đang khóc vùi dưới kia.

Đã 27 tuổi đầu, là một người làm truyền thông tự do đầy bản lĩnh, nhưng anh Vũ Thành Chương (Q.7, TP.HCM) vẫn ám ảnh về một thời niên thiếu sống chung với người cha nát rượu.

Thuở ấy, nghe tiếng trống tan trường, tim Chương lại đập liên hồi kỳ trận vì những mường tượng về phần còn lại của ngày. Thường, Chương chỉ dám đạp xe về cùng bạn được một đoạn. Phần đường về còn lại, Chương kiếm cớ rồi đạp thục mạng, vượt lên trên chúng bạn, cho đến khi lao xe thẳng vào trong sân nhà.

Đoạn đường về nhà ấy đã trở thành một nỗi ám ảnh, từ những buổi chiều anh bắt gặp cha đang cùng vài người bạn nhậu gầy cuộc ngay bên đường, nhậu nhẹt, hát hò. Cuộc nhậu ấy có lúc ồn ào ngay khoảnh khắc Chương ngang qua, để hễ thấy mặt anh, người quen biết lại gọi, nhờ “dắt cha về”.

Có hôm, về gần đến nhà, Chương lại thấy cha giữa một nhóm người nghiêng ngả đang vác cây dù che hàng của chị bán xôi trước ngõ... che mưa, vừa đi, vừa phấn khích hát bên đường. Xấu hổ, Chương ngó lơ, đạp tuốt về nhà.

Vẫn chưa yên, hễ tàn cuộc chè chén trở về, cha Chương lại tìm mọi cách gây sự, đánh đập vợ con. Có hôm, mẹ con đang ăn cơm thì điện tắt phụt, đồng thời với tiếng quát tháo dữ tợn của người cha say xỉn. Vừa quát, ông vừa hất tung chiếc bàn tiếp khách, rồi liên tục hăm dọa “đốt hết, giết hết” như kẻ đang lên cơn hoang tưởng.

Những ngày tháng ấy, người con trai mới lớn là Chương phải nuốt tủi hờn, nghe lời mẹ ngồi nấp ở trụ rơm nhà hàng xóm, đợi đến nửa đêm mới dám về nhà ngủ. Những lần trót bùng nổ, cuộc đối đầu của Chương cũng đi vào ngõ cụt trước người cha say xỉn, cùn lý, lại thừa bạo lực, bất chấp; và người mẹ đang ra sức van lơn.

Lớn lên trong cảnh tối tăm ấy, Chương chưa có một ngày được tách mình ra khỏi những lụy phiền để thương ông. Ông cũng chưa có một đêm đủ tỉnh táo để chuyện trò, để... làm cha. 58 tuổi, chỉ sau một tháng phát hiện bệnh ung thư gan, ông qua đời. Tình máu mủ ấy không còn cơ hội để hàn gắn nữa.

Dien dan
Ảnh mang tính chất minh họa. Internet

Trăm điều đội nón ra đi

Nhìn “văn hóa” bia rượu từ góc độ gia đình, TS Nguyễn Hữu Nguyên (giảng viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng, cái mất lớn nhất của người đàn ông nô lệ rượu bia là hình ảnh trong mắt con cái.

Bên cạnh việc gây tổn thất kinh tế gia đình, mất khả năng gánh vác, dạy dỗ, thể hiện tình cảm với con; hình ảnh người cha mất kiểm soát khi say có thể bị “tự bôi xấu”, bị mất uy tín, để lại những di chứng nặng nề trong hành trình trưởng thành của một đứa trẻ. Từ chỗ bất ngờ, lạ lẫm, đứa trẻ sẽ đi đến chỗ bất bình, phẫn nộ, uất ức, tùy vào mức độ nô lệ bia rượu của người cha.

Trong cuộc khảo sát bỏ túi của chúng tôi với 200 bạn trẻ là sinh viên tại TP.HCM, có 32% bạn thừa nhận “không hài lòng về cha mình”, 94% trong số đó cho biết lý do là “cha tôi thiếu kiểm soát trước bia rượu”. 54% số bạn trẻ tham gia khảo sát từng phải chịu đựng những phiền toái trong cơn say của cha, 22% từng bị cha bạo hành trong cơn say.

Cũng theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, tuy đàn ông chiếm đa số trong những người sử dụng rượu bia, nhưng phụ nữ và trẻ em mới là nạn nhân chính của bia rượu. Không được tự hào, tin tưởng vào cha là một bất hạnh, đã vậy, những cơn say còn cướp mất lý trí, sự tỉnh táo; khiến những người đàn ông vốn phải là trụ cột kia trở nên đáng ghét, rẻ rúng trong mắt con.

Và trong hàng trăm nghìn những đứa trẻ vẫn cúi đầu cam chịu ấy, còn có những đứa trẻ bị xé toang giới hạn, lao vào phản ứng với bậc sinh thành trong nỗi căm hờn. Rà soát lại những thảm án gia đình, lại thấy phần đông trong số những thủ phạm và nạn nhân ấy là những đứa con “giết cha say xỉn vì thương mẹ”, hoặc anh em giết nhau trong cơn say; chưa kể đa số những cuộc ẩu đả, chém giết ngoài kia đều có khởi nguồn từ bia rượu - mà hậu quả cuối cùng vẫn là những mái ấm vỡ tan của cả nạn nhân lẫn thủ phạm.

Còn nhớ, trong vụ thảm án năm 2009, giữa những giận dữ trước Phan Minh Mẫn (SN 1989, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM - thủ phạm giết cha), dư luận cũng dành chỗ cho những cái chậc lưỡi, xót xa cho đứa con bất hạnh, phải lớn lên trong sân hận với người cha say xỉn. Có lẽ, giữa văn hóa trân trọng và đề cao máu mủ, nỗi khiếp sợ hệ lụy của ma men vẫn lặng lẽ tồn tại trong tiềm thức của người xứ mình.

Nhưng, lẽ nào, tất cả những điều ấy đều là một bi kịch mang tính... “định mệnh” của các gia đình hiện đại, trong một xã hội mà “ly bia là đầu câu chuyện”, và “đàn ông không biết nhậu thì phải về... bám váy vợ”?

Nói về điều này, TS Nguyễn Hữu Nguyên khẳng định: “Bản thân việc sử dụng bia rượu không xấu, thậm chí, một ly bia có thể khiến người ta cởi mở hơn, gần gũi hơn, câu chuyện cần bàn bạc cũng trôi chảy hơn. Nhưng, chính sự mất kiểm soát của con người đã biến nó thành một tệ nạn.

Vậy nên, vấn đề cần bàn không phải là sử dụng hay không sử dụng, bán hay không bán rượu bia; mà là bản lĩnh của từng người trước những cuộc rượu. Nếu không có bản lĩnh, không hiểu giới hạn của bản thân, chính ly rượu quảng giao ấy lại phản tác dụng, làm mất đi cả những mối quan hệ mà người ta đang muốn gầy dựng (bằng những cuộc nhậu), rồi gây tổn hại đến gia đình - mối quan hệ đáng quý nhất của con người”.

Ly rượu ở một nơi nào đó có thể mở đầu một câu chuyện, nhưng cơn say lại cướp đi những đối thoại vốn đã quá hiếm hoi của mỗi gia đình. Khoan nói đến những tổn thất xã hội, những số tiền khổng lồ quy từ 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu mỗi năm, mỗi người Việt Nam đều có thể dăm lần chứng kiến hoặc trải nghiệm cơn lốc của rượu bia cuốn qua từng tổ ấm.

Loan phòng bỏ phế. Những người vợ vò võ chờ chồng. Những đứa con hoặc lầm lì, chán ghét cha, oán trách mẹ; hoặc mặc kệ, buông mình, sa ngã. Người ta còn biết chờ đợi gì ở một thế hệ cứ đến chiều lại nghiêng ngả, say sưa? Đồng tiền kiếm được từ một ngày làm việc ấy, nếu còn “sót” lại được sau những cuộc nhậu, thì sẽ làm nên giá trị gì khi người ta không đủ thời gian, sự tỉnh táo để cùng nó vun vén gia đình?

Gia đình vẫn được xem là nơi nuôi dưỡng những sự quan tâm, yêu thương vô điều kiện. Nhưng, bản thân gia đình cũng cần được nuôi dưỡng, bằng những mối giao tiếp, giao cảm hàng ngày. Mà, người ta nói gì trong những cơn say?

Nếu không làm tổn thương nhau, cơn say chẳng khiến người ta nói được gì hơn cả.

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: noikhongvoibiaruou@baophunu.org.vn

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI