Diễn đàn bình đẳng bao nhiêu là đủ: Con chim quen ở... trong lồng

19/11/2015 - 08:08

PNO - Để có được sự bình đẳng, người phụ nữ còn phải chiến thắng được những tập tục, cách sống, nếp nghĩ phụ thuộc đã ăn vào "máu"...

Trong lịch sử loài người, đã từ lâu đời, giống cái vốn chân yếu tay mềm, nên tự nhiên là chịu lép vế, thụ động trước giống đực. Nói như thế không phải xem sự bất bình đẳng giới là đương nhiên, mà phải nhìn việc đấu tranh cho bất bình đẳng giới ở một góc độ khác, góc độ vô thức - sự lệ thuộc, lép vế, mặc cảm, nỗi sợ hãi… đã đằng đẵng kéo dài từ đời này sang đời khác.

Nó chỉ có thể đổi thay khi ý thức vùng lên lấn át được vô thức. Phong trào giải phóng phụ nữ thời hiện đại đã có được ý thức ấy, nhưng để có được sự bình đẳng, người phụ nữ còn phải chiến thắng được những tập tục, cách sống, nếp nghĩ phụ thuộc đã ăn vào “máu”, không chỉ "máu" của kẻ ... thống trị - nam giới, mà cả "máu" của chính người... bị trị - nữ giới.

Dien dan binh dang bao nhieu la du: Con chim quen o... trong long
Ảnh mang tính minh họa

Chuyện cách sống của bà tôi, mà chắc chắn cũng giống với chuyện của bà bạn, mẹ bạn… là một minh chứng. Mỗi buổi sáng, bà bắt đầu lên thực đơn mới cho hôm ấy, lo đi chợ, nấu ăn. Trước khi dọn những món mới lên mâm, bà lục tìm đồ cũ, cơm nguội… để “thanh toán” cho hết kẻo uổng.

“Dọn” xong đồ cũ, bà đã no. Đồ mới hôm nay lại được cho vào tủ lạnh, để ngày mai khi chúng thành đồ cũ, lại được bà lôi ra thanh toán kẻo uổng. Cả nhà phản ứng: “Sao bà cứ làm khổ bản thân như thế?”. Bà “phản pháo” ngay: “Chúng bay coi thường của giời, rồi có ngày đói nhăn răng…”.

Sinh nhật bà, hay một dịp tương tự, cả nhà quyết định ra nhà hàng tổ chức. Bà ngồi ngẫm ngợi: “Hay chúng bay mua đồ về, tao nấu cho. Ăn uống ở nhà cho nó ấm áp, hợp vệ sinh, đỡ tốn…”. Cả nhà nghe phải bài quen, năn nỉ: “Thôi mẹ ơi, ra nhà hàng cho gọn, khỏi mâm bát, dọn dẹp, lâu lâu có một lần. Tiết kiệm cả đời chi cho khổ”.

Bà… sững mặt: “Chúng bay muốn đi thì đi, tao ở nhà!”. Mà có đi, thì sau khi lướt xuôi, lướt ngược thực đơn cả trăm lần, lần nào cũng như lần nấy, bà lại buông xuống: món nào cũng đắt khiếp, ở nhà nấu có phải hơn không, tội cho anh bồi bàn túc trực bên cạnh bà, chờ ghi món đến mỏi rục hai chân!

Tết đến, nghỉ dài ngày, cả nhà đi du lịch. Bà mặc nhiên trở thành người bảo vệ cho toàn gia, nhất định ngồi khư khư giữ mấy giỏ đồ, canh từng đứa cháu, can thiệp vào chuyện bia rượu của cánh nam nhi. Con cháu tắm biển bà ngồi… ngó đồng hồ, réo lên từng chập vì sợ bệnh thì khổ. Kết quả, suốt chuyến thư giãn bà căng như dây đàn, về đến nhà thì… gục.

Việc nhà thì khỏi phải nói, việc gì bà cũng đều muốn làm thủ công. Đồ bỏ vào máy giặt, bà nói không sạch, phải giặt tay, phân loại quần áo, ngâm riêng kẻo chúng nhiễm màu nhau. Phơi đồ, bà nhất quyết lộn ngược ra, sợ đồ mau bạc. Rửa chén, ai rửa rồi bà cũng… lấy ra rửa lại, vì sợ chưa sạch…

Những chuyện ấy, có lẽ kể đến hàng năm cũng không hết. Nhưng, đừng tưởng tính cách ấy chỉ có ở các bà. Lạ là các mẹ, các chị theo tuổi tác, cũng từ từ “chuyển hóa” tương tự. Với nhiều mẹ, nhiều chị, ý thức khẳng định mình dường như chỉ lóe lên một chút trong cái thời son trẻ; đến một ngày soi gương thấy tóc thôi xanh, da dần hết mịn, thì mặc cảm từ vô thức lại trỗi dậy.

Bắt đầu sợ chồng chạy theo thú vui ngoài cửa. Bắt đầu lo con mải yêu đương quên học hành. Bắt đầu thấy thế giới quanh mình đầy bất trắc. Bản năng vun vén, lo lắng, bảo bọc, níu giữ… bùng lên, dù thực tế mọi việc vẫn yên ổn, có khi còn tốt hơn hẳn ngày hôm qua.

Như vậy, bất bình đẳng giới sẽ là chuyện mãi mãi tồn tại? Câu trả lời hẳn nhiên là không! Kẻ “thống trị” nam giới có phải luôn muốn duy trì sự bất bình đẳng ấy? Không hẳn toàn bộ, bởi nhiều người còn muốn chung tay cùng phụ nữ cải thiện tình hình.

Tuy nhiên, để “giải phóng phụ nữ”, ngoài những nguyên nhân khách quan, quan trọng là sự chủ động từ chính chị em. Phải “cấy” vào suy nghĩ của các chị, các em từng ngày, từng thế hệ cái ý thức “giải phóng”, để đến một ngày nó chiến thắng hẳn được vô thức, tập quán, thói quen… Và kết lại bằng niềm mong mỏi từ chính kẻ viết bài là ... đàn ông: chị em phụ nữ phải biết tự giải phóng bản thân mới mong bình đẳng!

Lãm Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI