Diễn đàn: Bình đẳng bao nhiêu là đủ? Ai cho con bú?

26/11/2015 - 07:58

PNO - Vai trò truyền thống của người phụ nữ Việt Nam từ thời phong kiến, đã ăn sâu vào não trạng của xã hội.

Chị là một phụ nữ thành đạt trong mắt nhiều người. Là phó tổng giám đốc một công ty tiếng tăm ở Hà Nội, chị được bạn bè, đồng nghiệp ngưỡng mộ vì giỏi giang trong công việc, đồng thời lại đảm đang trong gia đình vì vẫn tự tay chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho chồng con.

Chồng chị là viên chức cấp trung ở một cơ quan nhà nước, lương chỉ đủ cà phê, thuốc lá và tiêu vặt. Tài chính gia đình chủ yếu nhờ vào thu nhập cao chót vót của chị. Kinh tế khá giả, con cái chăm ngoan, cuộc sống gia đình bình lặng, nhưng sự thật đằng sau cái vẻ êm ấm ấy lại là những tiếng thở dài cố nén của chị.

Dien dan: Binh dang bao nhieu la du? Ai cho con bu?

Dù nhà có đến hai người giúp việc nhưng tối về chị vẫn phải lo mọi chuyện, từ việc học của con, bữa ăn có ngon miệng không, đến phân công, nhắc nhở người giúp việc… Hằng ngày, chị dậy sớm lo chợ búa, cơm nước cho chồng con, xong đâu đó mới vội vã lên xe đến công ty.

Chồng chị không phải người xấu, nhưng lại vô tâm, mặc nhiên cho rằng những việc chị làm là thiên chức của phụ nữ, giờ rảnh anh chỉ đọc báo, xem ti vi hay lên mạng theo dõi những chuyện đó đây.

Không ít phụ nữ có địa vị trong xã hội vẫn khẳng định, dù thành công đến đâu thì cuối cùng điều quan trọng nhất đối với họ là mái ấm gia đình, là được chăm sóc chồng con, là người xây tổ ấm. Với quan niệm ít nhiều đã khắc sâu trong tập quán và đời sống xã hội như thế, những gì mà bà phó tổng giám đốc phải lo toan hàng ngày trong gia đình và ngoài xã hội có lẽ không phải là điều gì bất thường.

Thậm chí, hình mẫu một người phụ nữ như thế - vươn lên sánh vai cùng nam giới ngoài xã hội đồng thời vẫn chu tất vai trò làm vợ - làm mẹ truyền thống, ít nhiều vẫn được tôn vinh trên các phương tiện truyền thông. Hình mẫu ấy đang được xã hội cổ xúy và được nhiều phụ nữ xem là mục đích phấn đấu của mình. Chỉ có điều, những tiếng thở dài vẫn phải nén lại.

Lâu nay, trong công tác tuyên truyền, các số liệu theo kiểu báo cáo thành tích vẫn quen được đưa ra để nhấn mạnh sự thành công của phụ nữ Việt Nam ngoài xã hội, xem như thành tích trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Trong khi đó, khía cạnh bình đẳng giới trong gia đình, vốn là yếu tố quyết định hạnh phúc của người phụ nữ, lại ít được chú ý.

Một bản tin của TTXVN khi đề cập đến bình đẳng giới đã nêu một loạt con số thống kê về sự thành công của phụ nữ. Theo bản tin này, Việt Nam đã “xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên Hiệp Quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, lồng ghép bình đẳng giới trong việc xây dựng và thực thi pháp luật".

Nhờ đó, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII (2011-2016) đạt 24,4%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và thứ nhì trong ASEAN).

Cũng theo bản tin trên, phụ nữ đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước như phó chủ tịch nước, phó chủ tịch Quốc hội, bộ trưởng; có đến 14 trong tổng số 30 bộ hoặc cơ quan trực thuộc Chính phủ có thứ trưởng là nữ. Ngoài ra, tỷ lệ lao động có việc làm là nữ chiếm 49%, tỷ lệ nữ sinh viên chiếm trên 50%, tỷ lệ thạc sĩ là nữ chiếm hơn 30% và 17,1% tiến sĩ là nữ giới.

Những con số nêu trên đúng là đã cho thấy sự thành công nhất định của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, rất đáng được hoan nghênh, nhưng nếu chỉ bấy nhiêu thì đúng mà chưa đủ!

Vai trò truyền thống của người phụ nữ Việt Nam từ thời phong kiến, từ nền nông nghiệp lạc hậu nhiều thập kỷ trước đã ăn sâu vào não trạng của xã hội đến mức không ít phụ nữ thành đạt ngày nay vẫn phải âm thầm chịu đựng sự bất bình đẳng trong chính gia đình họ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI