Diễn đàn: Bình đẳng bao nhiêu là đủ?

11/11/2015 - 09:14

PNO - Bình đẳng giới và nữ quyền đang là những sắc màu mới trong bảng màu trang điểm của các cô vợ hiện đại.

Dien dan: Binh dang bao nhieu la du?
Ảnh minh họa - Shutterstock

Gia đình không phải là một khái niệm bất biến. Vì thế, cũng chẳng nên đánh giá này nọ khi ngày nay những đôi trẻ bước vào hôn nhân mang thêm vào tổ ấm của họ những điều mới mẻ, thậm chí lạ lẫm.

Bình đẳng giới và nữ quyền đang là những sắc màu mới trong bảng màu trang điểm của các cô vợ hiện đại. Người phụ nữ bình đẳng được quyền quyết định mọi chuyện liên quan đến mình, to như chuyện có con hay chưa, nhỏ như việc hôm nay nấu cơm hay không nấu cơm. Chấp nhận hay không chấp nhận tình trạng bình đẳng này là tùy gia đình chồng, mà trong đó (có thể) cơ bản nhất là thái độ của… mẹ chồng.

Nói vậy thôi, chứ cô con dâu nào cũng thừa biết, chẳng có mấy nhà chồng hài lòng với yêu cầu sống bình đẳng của con dâu. Chẳng sao cả, các cô con dâu cứ sống như mình muốn, cứ làm theo cách mình thích. Đó cũng là một sự bình đẳng. Miễn sao, hai người trong tổ ấm ấy hạnh phúc và yêu nhau.

Thật ra, chuyện “bình đẳng” đã được đề cập từ thời rất xa xưa: “Yêu nhau vạn sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Quan trọng ở chỗ, chỉ có thể bình đẳng nếu có tình yêu. Còn không có tình yêu, khó lòng mà nói đến chuyện bình đẳng.

Người đàn bà hay người đàn ông, khi yêu ai cũng tự mềm mại, tự dịu dàng, tự nồng nàn, mạnh mẽ với người mình yêu. Bình đẳng là để mọi người được sống trong cái tình yêu đó, trong sự tự nguyện “kê cho bằng” những “chỗ lệch” đó.

Mà chỗ nào lệch thì chỉ có người trong cuộc biết với nhau và cũng chỉ họ mới có thể kê lại cho êm ái, bằng phẳng được. Vậy thì tại sao người ngoài cuộc cứ phải can thiệp vào gia đình trẻ, một khi đôi trẻ vẫn cảm thấy bằng lòng và hạnh phúc với cuộc sống của họ?

Lớp phụ nữ hiện đại được trang bị học vấn tốt, có sự tự nhận thức bản thân, biết vận dụng sức mạnh của mình để phát huy được “quyền lực mềm” của mình trong cơ chế gia đình hiện đại. Trong khi đó, mẹ chồng và nói chung là lớp phụ nữ “cổ” hơn, thường muốn áp đặt một trật tự gia đình mà trong đó chồng là người ra quyết định, vợ là người phục tùng hoặc thực hiện những quyết định đó.

Người phụ nữ hiện đại không cần đến một sự “chuyển giới” thô bạo về tinh thần để nắm quyền lãnh đạo trong gia đình. Họ ý thức được lợi thế là sự mềm mại, nhẹ nhàng, có thể tùy biến theo những gì họ thấy cần thiết cho gia đình mình.

Đó là cái thiên bẩm của đàn bà - khả năng cân bằng nhiều thứ trên một thế cân bằng động. Họ chỉ cần tách khỏi những người khác quan điểm, để phát triển một đơn vị gia đình khác biệt hơn, theo cách của họ.

Hạnh phúc thì ai cũng muốn, nhưng mỗi người lại cảm nhận hạnh phúc theo cách của cá nhân, chẳng ai có thể nhân danh tuổi tác hay kinh nghiệm sống để áp đặt những chuẩn mực hạnh phúc cho người khác.

Đa số các bà mẹ chồng đều muốn con dâu học theo cách của mình, làm như mình, thậm chí cũng phải chịu khổ như mình từng chịu. Mâu thuẫn đã là chuyện muôn đời. Thế nhưng, các cô con dâu khi trở thành các bà mẹ chồng thế hệ kế tiếp, cũng y như vậy.

Vì thế, các cô con dâu, nếu không tự vệ ngay từ đầu, nếu không giữ được mình như chính bản thân mình trước khi bước vào cái khuôn mẫu gia đình tưởng mềm mà hóa ra thật cứng rắn ấy, khó có thể phát triển như một cá nhân độc lập, mạnh mẽ trong khu vườn xã hội.

Chẳng biết các bà mẹ chồng có hiểu rằng, không thể chỉ trồng trọt trong khu vườn gia đình những gì giống mình, theo thiết kế của mình, loại bỏ những quan điểm, những cá nhân khác biệt.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI