Diễn đàn: 'Bạo hành, xâm hại học đường: Chống được không?'

17/05/2019 - 10:41

PNO - Không chỉ bạo hành, nhiều sự vụ xâm hại ở chốn học đường gây rúng động dư luận liên tiếp xảy, khiến xã hội không thể bình tâm về cái gọi là an toàn trường học, đạo đức nhà giáo…

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang (giáo viên Trường tiểu học Quán Toan, Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) có lẽ là nhân vật nổi nhất mạng xã hội trong ngày 15/5, khi đoạn clip cô xưng “tao”, đánh hàng loạt học sinh lớp 2A7 bị tung lên, khiến cả cộng đồng mạng phẫn nộ. Người viết status: “Loại cô giáo như vầy phải tống vô tù”. Người khác viết: “Phải mà gặp tay tao thì…”. Rất nhiều status yêu cầu phải xử lý nghiêm cô giáo Trang mà cụ thể là phải đưa cô ra khỏi ngành giáo dục, để ngăn chặn những màn bạo hành khác có thể xảy ra đối với những học sinh còn quá nhỏ để có thể tự vệ.

Dien dan: 'Bao hanh, xam hai hoc duong: Chong duoc khong?'
Hình ảnh cô Trang đánh học sinh trích từ camera

Ngay trong chiều 16/5, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng - ông Nguyễn Văn Tùng đã chủ trì cuộc họp ngay tại trường Quán Toan để xử lý kỷ luật các cô giáo, bao gồm cả cô giáo Hoàng Thị Vân (giáo viên chủ nhiệm lớp 2A7) - người cũng dự phần trong việc đánh học sinh.

Cô Trang, cô Vân bị kỷ luật, bị đình chỉ công tác; nhưng không ai dám tin đó là trường hợp bạo hành học sinh cuối cùng, bởi tình trạng tra tấn, đánh đập, xâm hại thân thể và tinh thần học sinh đã và đang diễn ra ở hầu khắp các cấp học, từ những trường vùng sâu vùng xa đến giữa những đô thị lớn.

Người ta đưa ra vô số lý do cho những cuộc bạo hành ấy, rằng giáo viên chịu quá nhiều áp lực cuộc sống hay vì bệnh thành tích. Người ta đổ lỗi cho thầy cô, cho ngành giáo dục. Ngược lại, các thầy cô giáo cũng đổ lỗi cho học sinh lười biếng, ương bướng, ngỗ nghịch. Những phụ huynh đã vì con em mà xông vào trường “trả thù” thầy cô giáo thì cho rằng vì mình quá phẫn nộ, quá xót con… Ngoài các thầy cô giáo bị bêu tên - thủ phạm các vụ bạo hành, xâm hại, không ai nhận lỗi về mình, kể cả những người trực tiếp quản lý các thầy cô giáo hay những lãnh đạo cấp cao hơn trong ngành. Trước hàng loạt vụ việc động trời ở các trường học, người ta chưa một lần thấy Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cúi đầu xin lỗi hay có cam kết kèm giải pháp chấm dứt tệ nạn.

Ở chiều ngược lại, phụ huynh vẫn ngày ngày đưa con đến trường, hàng tháng hoặc đầu học kỳ, đầu năm vẫn oằn mình đóng học phí, tiền cơ sở vật chất, tiền đồng phục, tiền tự nguyện… và kính thưa các thể loại tiền. Một sự hài hước không thể cười nổi: phụ huynh đóng tiền đưa con em đến trường để chúng bị tra tấn, hành hạ, nhồi nhét với cơ man nào là bài tập, bài đọc, những kỳ thi, đợt kiểm tra… để rồi cuối cùng, như dân mạng vẫn hay giễu bằng ảnh chụp các đề thi toán, vờ tự hỏi không biết vì sao ngày còn đi học, mình có thể ra trường.

Giữa những luồng ý kiến phản đối đánh đập học trò, vẫn có những người cho rằng, nhờ những trận đòn thuở ngồi ghế nhà trường mà bản thân mới có thể nên người và rằng cũng có những học sinh đáng bị đánh như thế.

Xin hãy thử ngừng lại một chút, gác lại các định kiến và trả lời câu hỏi “Có nên đánh học sinh không?”, nếu có thì khi nào, mức độ bao nhiêu? Đừng quên rằng có không ít phụ huynh từng yêu cầu thầy cô hãy thẳng tay “trị” con em mình. Nếu không đánh, chúng ta liệu có cách nào sửa trị những học sinh “bất trị”? Nếu là phụ huynh, bạn sẽ cho phép con mình bị đánh ở mức nào hay thầy cô tuyệt đối không được “đụng vào” con của bạn mà vẫn phải dạy con bạn nên người? Hãy thử một lần lắng lại, nghĩ và tìm một giải pháp hoặc đơn giản là tự biện minh cho mình, cho thầy cô giáo, cho học sinh và cả bản thân.

Chúng tôi mở diễn đàn 'Bạo hành, xâm hại học đường: Chống được không?' để nghe ý kiến, tâm tư của phụ huynh, học sinh, giáo viên, nhà chuyên môn về vấn đề trên. 

Bài tham gia diễn đàn, xin gởi về e-mail: giaoduc@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI