Tôi có đứa cháu trai tốt nghiệp một đại học quốc tế tại TPHCM, kỹ năng giao tiếp tốt, nói tiếng Anh phà phà. Ra trường, nhiều công ty đưa đón, thậm chí ba cháu đã xin cho cháu một công việc bao người mơ ước, nhưng cháu khước từ tất, cháu muốn thử sức với loại hình kinh doanh đa cấp.
Sở dĩ đa cấp có sức hút mãnh liệt với cháu, là vì cháu thấy trước mắt vài vị CEO, bác sĩ, kỹ sư đang có sự nghiệp ổn định nhưng đã mở con đường mới và giàu lên rất nhanh nhờ kinh doanh đa cấp. Cháu kể, tháng nào họ cũng được vinh danh, lương tháng có khi trăm triệu đồng, được đi du lịch nước ngoài là chuyện nhỏ.
Cháu nói, cháu sẽ mau chóng xây dựng một đội ngũ đa dạng ngành nghề, giúp mọi người làm giàu một cách nhẹ nhàng. Những giáo viên, nhân viên văn phòng, những người mới tốt nghiệp đại học, bà nội trợ sẽ thành những triệu phú, tỷ phú. Và tất nhiên có cả tôi trong kế hoạch giúp làm giàu của cháu. Cháu nói, chỉ cần có mối quan hệ, và chịu mở miệng là tiền ào ào rớt xuống đầu
Ban đầu tôi chối đây đẩy, bởi tôi không khéo ăn nói, nhưng cháu bảo không khéo thì sẽ tập, chỉ cần đi hội thảo là ai cũng hừng hực ý chí làm giàu và tăng khả năng thuyết phục người khác. Cháu nói nhiều quá khiến tôi cũng tò mò và để cháu dắt tôi đi dự hội thảo. Nhưng mới đi một buổi, tôi đã thấy mình không phù hợp việc này.
|
Chồng tôi nói: muốn giữ tình bạn, tình anh em, tình cảm vợ chồng thì đừng theo đa cấp. Hình minh họa. |
Cháu bảo tôi đừng vội nản chí, sau này tiền đâu mà lo cho con vào đại học. Lời cháu xói vào nỗi lo của tôi, nhưng chồng tôi vững như bàn thạch, từ đầu chí cuối anh không ủng hộ. Anh nói, muốn giữ tình bạn, tình anh em, tình cảm vợ chồng, thì đừng theo đa cấp.
Mỗi lần cháu lên nhà thuyết phục tôi theo đa cấp, mua hàng đa cấp, chồng tôi rất bực. Ban đầu anh không ý kiến, để dì cháu tự trao đổi, nhưng sau thấy cháu ngày càng làm phiền, chồng tôi nói thẳng. Cháu tôi, một đứa mới vừa tốt nghiệp đại học, chưa có chút vốn sống, nhưng cứ khăng khăng theo kinh doanh đa cấp là thức thời, là "mở lối tới thành công", anh ấy cho rằng cháu mù quáng một cách đáng thương.
Chồng tôi gọi điện thoại nói chuyện với ba cháu. Ba cháu nói bất lực với "thằng bỏ đi" ấy rồi, uổng công bao năm học hành tốn kém, nhưng thôi, cứ để nó trải nghiệm.
Còn nhớ, cháu bảo tôi lên danh sách người thân, bạn bè, rằng vài trăm người, không lẽ không có ai ủng hộ, huống gì hàng công ty cháu rất tốt, được cả thế giới tin tưởng sử dụng.
Cháu về quê bán sản phẩm. Ba mẹ, anh chị em tôi ở quê có mức sống vừa phải, việc mua sản phẩm của cháu chủ yếu là ủng hộ, chứ họ không quen sử dụng, lại quá đắt. Cháu còn ghé các nhà hàng xóm tư vấn, bán mua. Mẹ tôi chạy theo bảo đừng làm phiền họ, thì cháu nói cháu mang lại lợi ích cho họ, tạo điều kiện cho người ta tiếp cận hàng chất lượng, tại mọi người định kiến, có gì sai đâu?
Bán xong đợt đầu, cháu trở vào Sài Gòn, thường xuyên gọi điện thoại “chăm sóc khách hàng”, không quên hỏi đã xài hết chưa, cháu sẽ ra trao sản phẩm tận tay. Người quê ngại từ chối, cứ ỡm ờ “vẫn còn, chưa xài hết”.
Cháu chạy về đợt hai, ép mọi người mua để cháu đạt doanh số, thăng hạng. Mọi người, một lần nữa méo mặt bỏ tiền ủng hộ cháu, riêng anh trai tôi thì bảo: "Cậu có thể cho tiền cháu, nhưng không lấy sản phẩm nữa, vì hàng mua đợt trước chưa đụng tới, cậu không ủng hộ cháu theo đa cấp".
Anh tôi vốn thẳng tính, gọi điện thoại mắng vốn ba mẹ cháu: “Sao không tìm việc đàng hoàng cho thằng T., sao để nó đi bán đa cấp, nó ra ngoài này ép người thân mua sản phẩm, giờ nhìn mặt nó ai cũng sợ mà không dám nói ra”.
|
Bị bạn bè xa lánh, người thân chán chường vì tham gia đa cấp. Hình minh họa |
Nghe thế, mẹ cháu trách anh trai tôi, rằng nếu không ủng hộ cháu thì thôi, sao lại gọi điện thoại cho ba cháu, để bây giờ vợ chồng, cha con lục đục. Mẹ cháu giận lẫy: "Từ nay cháu sẽ không về làm phiền ai nữa đâu".
Tham gia đa cấp 2 năm, cháu đuối. Số tiền lớn mượn mẹ nằm trong mớ hàng tồn đọng, không biết làm sao bán trả, nhưng cháu không dừng. Cả gia đình tôi ai cũng bảo "coi như hỏng, không chữa được thằng đó nữa rồi".
Mai Hà (Bình Dương)
Quá nhiều bi kịch của các gia đình liên quan tới cơn bão đa cấp. Sinh viên bỏ học đi bán đa cấp, thanh niên thất nghiệp do dịch COVID-19 vay tiền gia đình gia nhập đội quân đa cấp. Những viên chức nhà nước, những ông bà tuổi hưu cũng hào hứng "khởi nghiệp". Cuốn theo cơn mộng làm giàu này, rất nhiều người đã mất tiền, phá sản, mất việc làm, mất tình thân...
Bạn hãy chia sẻ ý kiến, câu chuyện liên quan của bạn cùng chúng tôi. Bài viết xin gửi về email của báo Phụ Nữ: online@baophunu.org.vn. Bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn như quy định.