Quá nhiều bi kịch của các gia đình liên quan tới cơn bão đa cấp. Sinh viên bỏ học đi bán đa cấp, thanh niên thất nghiệp do dịch COVID-19 vay tiền gia đình gia nhập đội quân đa cấp. Những viên chức nhà nước, những ông bà tuổi hưu cũng hào hứng "khởi nghiệp". Cuốn theo cơn mộng làm giàu này, rất nhiều người đã mất tiền, phá sản, mất việc làm, mất tình thân...
Bạn hãy chia sẻ ý kiến, câu chuyện liên quan của bạn cùng chúng tôi. Bài viết xin gửi về email của báo Phụ Nữ: online@baophunu.org.vn. Bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn như quy định.
|
Tính tới nay, nhóm bạn phổ thông tôi đều “dính” ít nhiều tới kinh doanh đa cấp. Nào phải các bạn thất nghiệp ăn bám gia đình, toàn là bác sĩ, giáo viên, nhà báo, và cả một bạn là thẩm phán ở toà lớn của thành phố. Vậy mà riêng tôi lại “thoát”. Lý do rất đơn giản, tôi sẽ kể ngay đây.
Hồi loại hình kinh doanh đa cấp mới xuất hiện, tức gần 20 năm trước, tôi là người đầu tiên trong nhóm bạn đi phỏng vấn tìm việc làm ở công ty T.S trên đường Huỳnh Văn Bánh (Q. Phú Nhuận). Lúc ấy tôi chưa hiểu đa cấp là gì, đọc báo thấy tuyển dụng mức lương hấp dẫn thì tới thôi. Đến công ty, rất nhanh chóng tôi được thuyết phục mua sản phẩm cho người thân dùng rồi sau đó thấy tốt hãy giới thiệu cho các người quen khác dùng.
Tôi còn nhớ mặt hàng hồi ấy là thực phẩm chức năng làm từ đông trùng hạ thảo. Thật lòng tôi cũng muốn thử sức vì mọi chế độ công ty đưa ra hấp dẫn quá. Có điều, ngay cả số tiền ban đầu chỉ là 3,2 triệu đồng mua một hộp sản phẩm tôi cũng không có, nên đành tạm biệt cơ hội nghề nghiệp, hùi hụi tiếc viễn cảnh du lịch nước ngoài, hội thảo nơi sang trọng…
|
20 năm trước chưa ai vẽ ra sơ đồ đơn giản về mô hình đa cấp thế này |
Lần thứ 2 bị bẫy đa cấp bủa vây là khi tôi đi hội chợ sách ở công viên Lê Văn Tám (Q.1, TPHCM). Một cô gái rất xinh loay hoay chọn loại sách sống đẹp, vitamin tâm hồn ngay gần tôi. Chúng tôi trao đổi về gu đọc, về cuốn sách đang rất hot là Đàn ông sao hoả, đàn bà sao Kim, rồi khi mỏi chân thì rủ nhau uống nước tại một gian hàng, trao đới số điện thoại, hẹn gặp lần sau.
Đi cà phê khoảng 3-4 buổi, tôi cứ xúc động và ngạc nhiên và tự hỏi vì sao mình lại bắt gặp tri kỷ giữa đường bất ngờ thế này. Dường như bất cứ gì tôi thích cô ấy cũng thích. Chúng tôi dựng lên bao nhiêu kế hoạch ăn uống, vui chơi, du lịch cùng nhau.
Thế mà một ngày đẹp trời, người tri kỷ ấy biến mất như chưa từng tồn tại. Tôi gọi điện thoại, nhắn tin không thèm nghe. Facebook thì block nên tôi không thể nào tìm ra. Nhìn lại mọi chuyện, tôi mới lờ mờ nhớ cô ấy liên tục rủ tôi cùng tham gia một dự án giáo dục với những người bạn Singapore, nhưng tôi luôn lắc đầu ngay, không để ý lắm.
Lên mạng tìm hiểu ráo riết, tôi mới biết đây là một hình thức huy động vốn dạng đa cấp. Chắc thấy đầu óc tôi lơ tơ mơ, chẳng thiết tha việc làm giàu, nên cô ấy bỏ cuộc. Ngoài ra, biết tôi thích giao thẻ ATM lương cho chồng giữ, chẳng có xu nào dính túi tiền riêng để mà đầu tư, nên chắc cô ấy đi tìm... bạn tri kỷ khác.
Sau này, nhân viên của nhiều nhãn hàng đa cấp như mỹ phẩm, thực phẩm giảm cân, bữa ăn lành mạnh; gần nhất là các bạn kinh doanh tiền ảo nhiều cấp, huy động cổ phiếu công nghệ wifi… cũng tiếp cận tôi rất bài bản và kỹ lưỡng.
Họ đều rất giỏi việc thúc đẩy tinh thần người khác, rất khéo khơi gợi đam mê, giấc mộng giàu sang. Một người mà tôi nợ ơn nghĩa đã bảo tôi chụp CMDN cho chị và chị tự ý lấy avatar trên Facebook của tôi để đăng ký đại lý cho nhãn hàng A., tôi chẳng cách nào cản. Nhưng có mã số nhân viên rồi tôi để đó, lâu lâu mua tuýt kem đánh răng, chai nước rửa chén, chứ quyết không chào mời ai, khiến người chị ơn nghĩa rất buồn lòng.
Có lẽ, do từ nhỏ, tôi ngại việc bán buôn, giới thiệu hay năn nỉ người khác, và quan trọng nhất là tôi không xu tiền vốn cho bất cứ việc đầu tư nào. Thỉnh thoảng họp lớp, nhìn bạn Lâm - người ngồi cùng bàn hồi đi học rực rỡ đổi đời nhờ đa cấp, đi lại bằng xe hơi, diễn thuyết lưu loát, tôi cũng có chút so sánh, ganh tỵ.
Lâm luôn đưa lý thuyết "tiền phải đẻ ra tiền", chê tôi lạc hậu, không biết vươn về phía trước, không bắt kịp cuộc sống. "Đến cái thẻ ATM mà cũng giao chồng, rồi ngửa tay xin tiền chợ, hèn quá hèn", nghe Lâm nói, tôi cũng trăn trở lắm.
|
Vì túi lúc nào cũng rỗng nên tôi không cơ hội bỏ vốn kinh doanh đa cấp. Ảnh minh hoạ |
Nhưng hôm tết vừa rồi về quê, tôi gặp mẹ Lâm ở chợ thị xã. Mới hai năm, mà bà già đi cả chục tuổi, tiều tuỵ đến xót xa. Mái tóc mới hôm nào còn đen, nay đã bạc trắng.
Bà nắm tay tôi, kể trong nước mắt: “Cô buồn lắm cháu ạ. Tin tưởng con Lâm và mấy ông sếp sòng của nó, cô cũng góp vốn làm nhân viên công ty. Mới đầu bạn bè hưu trí mua ủng hộ, nên tiền nong xênh xang. Có bao tiền tiết kiệm cô rút ra mua sản phẩm, ứng luôn cả quỹ của hội đồng hương, quỹ các cụ hưu... Giờ chẳng thấy tiền đẻ tiền, mà hàng hoá ế ẩm, không trả được. Hỏi con Lâm thì hoá ra mấy ông sếp giựt tiền, bỏ trốn rồi".
Gặp mẹ Lâm về, tôi mở điện thoại rà số bạn bè từng rủ rê tôi làm cùng các nhãn O, C, X, H, rồi các công nghệ hiện đại… Hoá ra họ đều không còn chơi Facebook nữa. Tôi tính gọi hỏi thăm các bạn ra sao, có cần giúp đỡ gì không, mà rồi nghĩ mấy việc liên quan tiền nong này, mình chẳng giúp gì được đâu. Thôi thì đành chờ thời gian trôi, mọi thứ ổn ổn thì bạn bè sẽ gặp lại...
Thuỷ Hương