Chứng kiến quá nhiều người xung quanh “dính” vào mô hình bán hàng đa cấp, sẵn sàng lừa dối người thân để đạt doanh số, rồi nhanh chóng tán gia bại sản, tôi rất sợ ngày nào đó cơn bão đa cấp sẽ tràn vào cửa nhà mình. Thế rồi người dì hiền lành của tôi thành trường hợp đầu tiên.
Mẹ mê đa cấp, con cái đau đầu "dọn" hậu quả
Dì tôi làm giáo viên, mới về hưu được mấy năm. Sau vài lần đến nhà một bạn để tập yoga lại bị chính đứa cháu của bạn dụ dỗ vào mạng lưới bán thực phẩm chức năng theo hình thức đa cấp. Không biết đứa sinh viên vừa ra trường chưa xin được việc làm nói ngon ngọt ra sao mà dì tôi sẵn sàng rút sổ tiết kiệm dưỡng già để đóng tiền trở thành nhà phân phối.
Các con của dì cứ nghĩ mẹ buôn bán cho vui nên không bận tâm tìm hiểu, đến khi dì mải mê đóng tiền, nhập hàng về đầy nhà, họ mới tá hoả. Không bán được cho ai, dì bắt các con mua, đóng tiền làm thẻ thành viên để ủng hộ mẹ.
|
Dì tôi rơi vào tình cảnh khốn khó ở tuổi xế chiều chỉ vì "đam mê" bán hàng đa cấp. Ảnh minh hoạ |
Sợ mẹ buồn, các con có bỏ tiền ra với hy vọng mẹ đạt cấp độ mong muốn, có thu nhập ổn định, sẽ thôi không bán nữa. Nhưng không, mạng lưới bán hàng của dì được mở rộng, tiền hoa hồng nhiều lên khiến dì càng muốn nâng lên cấp cao hơn.
Khổ nỗi, mối quan hệ của dì chỉ loanh quanh hàng xóm, đồng nghiệp cũ, khi đã hết người chào hàng, dì chuyển qua khách khứa bạn bè của các con. Bất kì ai đến nhà chơi, dì đều đem hàng ra giới thiệu theo kiểu ép người ta mua hàng khiến các con khó xử.
Sau một thời gian, các em nhà dì tôi không dám dẫn bạn bè, đồng nghiệp về chơi, vì sợ bị mẹ làm phiền. Dì tìm cách dụ dỗ hàng xóm, họ hàng ở xa mua hàng làm thẻ, gia nhập hệ thống bán hàng của mình. Số tiền bỏ ra nhập hàng ngày càng nhiều mà không bán được cho ai, những người mua hàng phàn nàn về chất lượng kém của sản phẩm.
Vì chuyện này mà gia đình trở nên lục đục, khuyên can mẹ không được, đứa con nào cũng không muốn ở cùng mẹ, do sợ phiền hà. Dì đổ nợ mấy trăm triệu đồng, có tỉnh ngộ, nhưng đã muộn. Các em tôi phải thay nhau trả nợ giùm mẹ. Sổ hưu của dì đang mang cầm cố vay tiền, không biết đến khi nào mới lấy về được. Từ một người độc lập tài chính, dì phải sống phụ thuộc vào con cái, bị dằn hắt, coi thường, tâm lý dì tiêu cực nên bệnh tật cũng kéo tới, dì khổ sở vì mắc cả tâm bệnh lẫn thân bệnh.
Con rể lừa ba mẹ vay tiền để kinh doanh đa cấp
Tưởng chỉ người lớn tuổi ít tìm hiểu thông tin mới dễ bị dẫn dụ vào hệ thống bán hàng đa cấp, nhưng thực tế có rất nhiều người trẻ hiểu biết, do ôm mộng khởi nghiệp nên vẫn rơi vào bẫy đa cấp. Cô đồng nghiệp của tôi nước mắt ngắn dài ký đơn ly hôn chồng mặc dù hai đứa con còn nhỏ dại. Cô bảo, vì ảo mộng làm giàu từ kinh doanh đa cấp mà anh chồng không ngần ngại lừa gạt cả bên ngoại,
Trước đây, chồng cô làm việc cho một công ty kinh doanh điện máy với mức lương ổn định. Nhưng rồi anh đột ngột bỏ việc khi được mời tham gia hệ thống bán hàng gia dụng của một công ty xuất nhập khẩu .
Sau vài buổi tập huấn ở khách sạn sang trọng, gặp gỡ những người gán mác doanh nhân thành đạt, anh như trở thành người khác. Anh lên kế hoạch chi tiết dán trong phòng ngủ, nói năng rất hay, anh bảo quyết tâm chỉ trong một năm sẽ tăng thu nhập lên gấp 10 lần hiện tại.
|
Vợ chồng ly hôn, gia đình tan nát, chỉ vì một người sa chân vào cạm bẫy bán hàng đa cấp đội lốt khởi nghiệp với mong muốn làm giàu nhanh chóng. Ảnh minh hoạ |
Từ đó, anh ra khỏi nhà vào sáng sớm với bộ vest bảnh bao, cặp táp nghiêm túc, kè kè một quyển sổ ghi chi chít số điện thoại của bất kỳ ai quen biết để tiếp cận. Kỳ thực anh chỉ ra quán cà phê ngồi gọi điện tư vấn khách hàng và đến nhà người quen mời mọc tham gia mạng lưới phân phối.
Để phát triển hệ thống bán hàng theo kế hoạch và duy trì danh hiệu, mỗi tháng anh phải mua đủ sản phẩm của công ty. Để có tiền mua hàng, anh lén lút giấu vợ rút tiền tiết kiệm của gia đình và bắt đầu vay mượn tứ tung. Vợ anh quá chán ngán với tình trạng chồng ngày nào cũng hô hào khẩu hiệu "làm giàu không khó", thuyết giảng nghệ thuật làm giàu, khoe mình sắp bước chân vào "câu lạc bộ tỷ phú" mà mấy tháng liền không đưa một đồng nuôi con.
Khuyên ngăn chồng không được, cô vợ đành buông xuôi, tự lực xoay xở cáng đáng chi phí sinh hoạt. Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại, anh chồng đã tìm đến mọi người thân của hai bên nội ngoại, bạn bè xa gần để vay tiền mua hàng, cho đến khi không còn khả năng chi trả.
Anh liều mình về lừa lọc cha mẹ vợ ở quê, dụ ông bà thế chấp ngôi nhà đang ở để cho anh vay tiền làm ăn. Ba mẹ vợ thấy con rể vạch ra mọi thứ lưu loát thuyết phục, cứ nghĩ con đang tận dụng cơ hội làm ăn phát đạt nên chẳng ngại ngần làm theo, chuyện đến tai con gái thì đã quá muộn. Khổ nỗi, ông bà không có lương hưu, chỉ có mảnh đất hương hoả là tài sản duy nhất...
Không thể tha thứ cho hành động lừa đảo tàn nhẫn của chồng với ba mẹ mình, vợ anh đưa đơn ly hôn. Một gia đình từng yên ấm đã tan nát, chỉ vì một người lầm đường.
Trần Thuý Hà
(Bình Dương)
Quá nhiều bi kịch của các gia đình liên quan tới cơn bão đa cấp. Sinh viên bỏ học đi bán đa cấp, thanh niên thất nghiệp do dịch COVID-19 vay tiền gia đình gia nhập đội quân đa cấp. Những viên chức nhà nước, những ông bà tuổi hưu cũng hào hứng "khởi nghiệp". Cuốn theo cơn mộng làm giàu này, rất nhiều người đã mất tiền, phá sản, mất việc làm, mất tình thân...
Bạn hãy chia sẻ ý kiến, câu chuyện liên quan của bạn cùng chúng tôi. Bài viết xin gửi về email của báo Phụ Nữ: online@baophunu.org.vn. Bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn như quy định.