Trong chuyến du lịch nước ngoài mới đây, thật tình cờ khi tôi gặp lại chị Hằng - hàng xóm cũ - trong một quán ăn. Người quen cũ lâu ngày lại gặp nhau ở xứ người nên chúng tôi rất vui, trò chuyện đủ thứ. Giữa chừng, tôi phát hiện thiêu thiếu điều gì đó.
Chừng như đọc được thắc mắc của tôi, chị tuôn ra một mạch những ẩn ức như bị kìm nén bấy lâu, giải thích cho việc chỉ có ba mẹ con hiện hữu trước mắt tôi chứ không có anh Trung, chồng chị.
Trong cái xóm bình dân nơi tôi ở hồi trước, ai cũng ngưỡng mộ sự đẹp đôi của vợ chồng chị Hằng. Anh Trung tài năng, phong độ còn chị vừa giỏi vừa đẹp, sự xứng đôi của họ từng là nỗi ao ước của tôi thời còn trẻ.
Thế mà đang làm giám đốc phân phối độc quyền cho một nhãn hàng của nước ngoài, chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào khiến anh quyết định bỏ hết để chuyển sang kinh doanh thực phẩm chức năng đa cấp mặc cho vợ anh và gia đình hai bên ngăn cản.
Với lý lẽ đi làm thuê suốt đời cũng chẳng thể nào đạt tới đỉnh cao sự nghiệp trừ khi mình làm chủ công việc của mình, anh quyết tâm khởi nghiệp ở tuổi 45, bắt đầu sự nghiệp kiếm vài trăm triệu mỗi tháng thay vì chỉ vài chục triệu quèn trước kia.
Mục tiêu của anh là sẽ thay căn nhà phố chật hẹp bằng biệt thự triệu “đô”, bạn bè sẽ là những thành viên các câu lạc bộ tỷ phú chứ không thể làng nhàng, các con anh sẽ học ở những trường danh giá của Mỹ chứ không phải trường làng như bây giờ.
|
Đánh vào các nhu cầu nhà, xe, du học... các sếp đa cấp lôi kéo được đông đảo người tham gia. Ảnh minh họa |
Từng nghe nói nhiều về các loại hình kinh doanh đa cấp, chị Hằng chỉ đồng ý cho anh làm thêm nếu muốn chứ không nghỉ hẳn công việc chính. Thế nhưng anh không những không nghe, còn mắng chị đã thiếu hiểu biết còn không biết làm điểm tựa vững chắc cho chồng chuyên tâm làm giàu, rằng chị kỳ đà cản mũi.
Ngăn không được, chị để mặc anh muốn làm gì làm, đồng thời bắt đầu thủ riêng cho mình. Để thực hiện kế hoạch trở thành tỷ phú của mình, anh nghỉ việc hẳn ở công ty nước ngoài, dành toàn bộ thời gian tham gia các khoá huấn luyện của các “boss” đa cấp đã gia nhập đội ngũ và “thành công” trước anh.
Nếu không đi hội nghị, hội thảo, anh mở ra rả suốt ngày những bài phát biểu như súng liên thanh của các “thánh đa cấp”, từ phòng ngủ, phòng ăn đến toilet khiến chị vợ muốn điên vì các thuật ngữ trên trời như “gieo hạt kim cương, trao tặng niềm tin, lan toả giá trị...” trong khi chị một mình vật lộn với bài toán áo cơm, cho tất tần tật các khoản chi tiêu lớn nhỏ trong nhà.
Chồng chị có bao nhiêu tiền đều đổ vô mua sản phẩm của họ để được thăng chức, những chức danh nghe rất kêu, nhưng chẳng biết có giá trị gì với ai. Dù khách hàng chỉ loe ngoe vài người thân trong nhà bị anh thuyết phục và chỉ mua vì cả nể, anh vẫn khẳng định chỉ trong một-hai năm nữa thu nhập của anh sẽ là vài trăm triệu mỗi tháng như nhân vật abcd gì đó mà các đồng nghiệp đa cấp của anh hay ca tụng, mà chính anh chưa từng thấy mặt.
Thời buổi hiện nay, đâu ai còn dễ bị lừa bởi mấy trò đa cấp nên sản phẩm cứ tỷ lệ nghịch với thu nhập mà sản phẩm chất đầy nhà. Anh ôm hàng tháng này qua tháng khác mà vẫn không biết sợ, nghe đâu còn vay tiền để lấy hàng cho đủ doanh số vì số tiền tích luỹ khi nghỉ việc của anh đã cạn kiệt.
Tuy nhiên, bấy nhiêu đó chưa đủ khiến chị bức xúc đến độ ly hôn. Công việc, thu nhập chả thấy đâu nhưng anh đi suốt, hỏi thì anh bảo đi gặp khách hàng, trong khi tìm hiểu thì chị biết anh chỉ đi hội họp mấy nhóm dinh dưỡng toàn nữ, đa số độc thân hoặc ly dị chồng, bỏ việc ở công ty để đu theo kinh doanh đa cấp.
Về đến nhà, ngoài ăn với ngủ, thời gian còn lại anh online suốt, hết nhắn tin nhóm rồi nhắn tin riêng với các nữ hội viên của các nhóm khác nhau, nội dung toàn ca tụng, tâng bốc nhau mấy chuyện tầm phào chứ chẳng thấy công việc tiến triển gì.
Việc học hành của con cái, hiếu hỉ hai bên nội ngoại anh bán cái hết cho chị để sống một cuộc đời hoàn toàn khác, mái ấm chỉ còn là chỗ anh trú chân. Giọt nước cuối cùng làm tràn ly là việc anh cặp kè cùng một cô làm cùng nhóm. Cô ấy chính là người đã dẫn dắt, hỗ trợ anh vào con đường kinh doanh đa cấp, người cùng “chí hướng”, chinh chiến cùng anh trên mặt trận đa cấp, không ngừng ca tụng để anh trụ lại và quyết tâm theo đuổi công việc này bất chấp mọi ý kiến của gia đình.
Khi người thân chị bảo lãnh cả gia đình đi nước ngoài, anh nhất quyết ở lại để “phát triển sự nghiệp mà anh đã gầy dựng”, chị đành đưa hai con đi và đặt luôn dấu chấm hết với anh. Anh còn ngạo nghễ bảo chị sẽ hối hận vì đã không nhận ra giá trị của anh cũng như chị không đủ tầm để nhìn thấu tiềm năng của công việc anh đang theo đuổi.
Chị không biết anh đã đạt đến “le-vồ” nào trong sự nghiệp đa cấp, chỉ nghe người thân trong nước kể anh giờ rất thảm, ở nhà thuê, nợ ngập đầu, người đàn ông lịch lãm năm nào giờ chỉ là một gã đàn ông tuềnh toàng, hốc hác qua mấy tấm ảnh chị cho tôi xem.
|
Ảnh minh họa |
Cô bé cặp kè với anh năm nào cũng đã chuyển sang thần tượng các “idol” khác khi anh chẳng còn gì trong tay ngoài tuổi tác. Tôi từng nghe nhiều hệ luỵ của việc kinh doanh đa cấp, từ tán gia bại sản, sự nghiệp tiêu tan, nợ nần, túng quẫn, giờ lại là ly hôn vì đa cấp. Tự hỏi đa cấp là cái chi chi, nhiều người đã biết sao vẫn đâm đầu như thiêu thân lao vào chỗ sáng?
Duy Khang
Quá nhiều bi kịch của các gia đình liên quan tới cơn bão đa cấp. Sinh viên bỏ học đi bán đa cấp, thanh niên thất nghiệp do dịch COVID-19 vay tiền gia đình gia nhập đội quân đa cấp. Những viên chức nhà nước, những ông bà tuổi hưu cũng hào hứng "khởi nghiệp". Cuốn theo cơn mộng làm giàu này, rất nhiều người đã mất tiền, phá sản, mất việc làm, mất tình thân...
Bạn hãy chia sẻ ý kiến, câu chuyện liên quan của bạn cùng chúng tôi. Bài viết xin gửi về email của báo Phụ Nữ: online@baophunu.org.vn. Bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn như quy định.
|